✴️ Salbutamol (Sử dụng trong sản khoa)

Nội dung

Tên chung quốc tế: Salbutamol.

Mã ATC: R03A C02, R03C C02.

Loại thuốc: Thuốc kích thích thụ thể beta2 giao cảm.

Dạng thuốc và hàm lượng

Hàm lượng các dạng thuốc được tính theo salbutamol base.

Viên nén 2 mg, 4 mg; thuốc tiêm 0,5 mg/1 ml; 5 mg/5 ml; đạn trực tràng 1 mg.

 

Dược lý và cơ chế tác dụng

Salbutamol có tác dụng kích thích chọn lọc lên thụ thể beta2 (có ở cơ trơn phế quản, cơ tử cung, cơ trơn mạch máu). Tác dụng lên thụ thể beta1 (có ở cơ tim) kém hơn rất nhiều. Do tính chọn lọc đó mà với liều điều trị thông thường, tác dụng của salbutamol lên tim không đáng kể. Với liều điều trị thường dùng, salbutamol kích thích các thụ cảm beta2 ở các sợi cơ trơn của tử cung, do đó làm giảm biên độ, tần số và thời gian co cơ tử cung.

Nếu dùng theo đường uống salbutamol được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, một lượng thuốc lớn qua gan rồi vào máu, do đó khả dụng sinh học tuyệt đối của salbutamol khoảng 40%. Nồng độ trong huyết tương đạt mức tối đa sau khi uống 2 - 3 giờ. Chỉ có 5% thuốc gắn vào các protein huyết tương. Nửa đời của thuốc từ 5 đến 6 giờ. Khoảng 50% lượng thuốc được chuyển hóa thành các dạng sulfo liên hợp (không hoạt tính). Thuốc đào thải chủ yếu qua nước tiểu (75 - 80%) dưới dạng hoạt tính và các dạng không hoạt tính.

Nếu tiêm vào tĩnh mạch, nồng độ thuốc trong máu đạt ngay mức tối đa, sau đó giảm dần theo dạng hàm số mũ. Gần 3/4 lượng thuốc thải qua thận, phần lớn dưới dạng không biến đổi.

Nếu truyền tĩnh mạch, nồng độ thuốc trong huyết tương đạt tới mức cao, phẳng và ổn định. Khi ngừng truyền, nồng độ thuốc trong huyết tương giảm dần theo dạng hàm số mũ. Gần 3/4 lượng thuốc được thải qua thận, phần lớn là dưới dạng không biến đổi.

Nếu đặt trong trực tràng, thuốc được hấp thu tốt ở niêm mạc trực tràng. Nồng độ thuốc trong huyết tương đạt tới mức tối đa sau khi đặt thuốc từ 3 đến 5 giờ. Chỉ có ít hơn 10% thuốc gắn với protein huyết tương. Nửa đời của thuốc là từ 3 đến 5 giờ. Khoảng 50% lượng thuốc được chuyển hóa thành các dạng sulfo liên hợp (không hoạt tính) và đào thải chủ yếu qua nước tiểu.

Nếu tiêm dưới da, nồng độ tối đa của thuốc trong huyết thanh xuất hiện sớm hơn so với dùng theo đường uống. Khả dụng sinh học là 100 %, nửa đời của thuốc là 5 - 6 giờ. Khoảng 25 - 35 % lượng thuốc đưa vào được chuyển hóa dưới dạng không hoạt tính. Thuốc được đào thải chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng hoạt tính và các dạng không hoạt tính.

 

Chỉ định

Thuốc được chỉ định một thời gian ngắn trong chuyển dạ sớm khi không có biến chứng và xảy ra từ tuần thứ 24 đến 33 thai kỳ, mục đích làm chậm thời gian sinh để có thời gian cho liệu pháp corticosteroid có tác dụng đối với phát triển của phổi thai nhi hoặc để có thể chuyển người mẹ đến một đơn vị có chăm sóc tăng cường trẻ sơ sinh.

 

Chống chỉ định

Mẫn cảm với thuốc

Nhiễm khuẩn nước ối.

Chảy máu nhiều ở tử cung.

Bệnh tim nặng. Mang thai nhiều lần.

Khi tiếp tục mang thai, có nhiều nguy cơ cho mẹ hoặc con (vỡ ối, cổ tử cung mở trên 4 cm...). Sản giật, tiền sản giật.

 

Thận trọng

Khi điều trị chuyển dạ sớm, có nhiều nguy cơ phù phổi nên phải giám sát tình trạng giữ nước và chức năng tim phổi của người bệnh. Phải truyền dịch với lượng tối thiểu (thường dùng dung dịch glucose 5%, tránh dùng dung dịch natri clorid 0,9%) và phải ngừng ngay thuốc và cho thuốc lợi tiểu nếu có triệu chứng đầu tiên của phù phổi.

Phải nhớ là liều dùng tương đối cao nên dễ gây ra các tác dụng không mong muốn cho người mẹ như tim đập nhanh, hạ huyết áp, nôn, tăng glucose huyết, giảm kali huyết và nghiêm trọng hơn, thiếu máu cục bộ cơ tim, loạn nhịp và phù phổi. Thuốc phải được dùng tại bệnh viện, dưới sự giám sát theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.

Thời kỳ mang thai

Nên tránh dùng salbutamol trong những tháng đầu của thai kỳ nếu thấy không cần thiết.

Thời kỳ cho con bú

Các thuốc kích thích beta có bài tiết vào sữa mẹ, có thể ảnh hưởng đến con khi cho con bú.

 

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Salbutamol dùng trong sản khoa thường được sử dụng theo đường tiêm và có thể ít được dung nạp tốt.

Thường gặp, ADR >1/100

Tuần hoàn: Nhịp xoang nhanh ở mẹ và/hoặc ở thai, đánh trống ngực.

Toàn thân: Ðổ mồ hôi, nhức đầu.

Cơ xương: Run (đặc biệt run tay).

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn).

Toàn thân: Chóng mặt, bồn chồn, mất ngủ.

Cơ xương: Chuột rút.

Hiếm gặp, ADR <1/1000

Chuyển hóa: Hạ kali huyết, tăng đường huyết (phục hồi được).

Phản ứng quá mẫn: Mày đay, phù, phù phổi.

Ðã nhận thấy trong một số trường hợp có thể xuất hiện phù phổi cấp trong lúc điều trị hoặc ngay sau điều trị chuyển dạ sớm bằng các thuốc kích thích beta dùng đường tiêm. Các yếu tố làm tăng nguy cơ này là: Có bệnh tim từ trước, nhiễm khuẩn ối, đa thai, đa ối, có dùng corticoid kết hợp. Ðể phòng ngừa, cần phải theo dõi cân bằng nước - điện giải, chức năng tim phổi (nghe tim phổi, nhịp tim, huyết áp). Theo dõi lượng nước tiểu (phải chính xác mới tốt) cho biết người bệnh có bị ứ nước không, nhất là trong trường hợp truyền thuốc. Ðiều này cũng góp phần đánh giá cân bằng nước - điện giải. Dùng bơm tiêm điện có ưu điểm là hạn chế thể tích dịch phải truyền, vì vậy làm giảm nguy cơ phù phổi. Nếu nghi ngờ là có phù phổi, thì phải ngừng thuốc và xử trí ngay.

 

Liều lượng và cách dùng

Liều uống

Ðối với chuyển dạ sớm: Liều dùng thông thường là 16 mg/ngày, chia 4 lần. Trong quá trình điều trị, có thể điều chỉnh liều uống tùy theo tiến triển lâm sàng. Tần số tim của người bệnh không được quá 120 - 130 nhịp/phút. Nói chung, đường uống được sử dụng nối tiếp sau khi tiêm truyền salbutamol lúc đầu.

Ðối với cơn đau co hồi tử cung hậu sản: 8 mg/ngày, chia 4 lần.

Liều tiêm

Ðể tiêm bắp hoặc tiêm dưới da thì dùng ống tiêm 0,5 mg/ml không cần pha loãng. Ðể tiêm tĩnh mạch chậm hay để truyền tĩnh mạch phải pha loãng thuốc với dung dịch glucose 5%.

Khi tiêm truyền tĩnh mạch salbutamol sulfat, nên dùng bơm tiêm điện khi nồng độ thuốc là 200 micro-
gam salbutamol/ml pha trong dung dịch glucose 5%. Nếu không có bơm tiêm điện, phải dùng dung dịch nồng độ loãng hơn, 20 microgam/ml (pha với dung dịch glucose 5%). Liều dùng giống như khi dùng bơm tiêm điện. Tốc độ truyền ban đầu được nhà sản xuất khuyến cáo là 10 microgam/phút, cách 10 phút lại tăng lên cho tới khi có đáp ứng; lúc đó tốc độ truyền tăng chậm cho tới khi hết co cơ tử cung. Liều thông thường có hiệu quả là 10 - 45 microgam/phút. Tiêm truyền phải duy trì với tốc độ mà cơn co hết trong vòng 1 giờ, sau đó giảm 50% cách nhau 6 giờ. Phải tránh điều trị kéo dài vì nguy cơ cho mẹ tăng lên sau 48 giờ, và hơn nữa, đáp ứng cơ tử cung cũng bị giảm.

Phải theo dõi mạch của người mẹ suốt thời gian tiêm truyền và tốc độ truyền phải điều chỉnh để tránh tần số tim của mẹ trên 135 - 140/phút. Phải theo dõi tình trạng tiếp nước để đề phòng phù phổi.

Sau đó có thể cho salbutamol uống với liều 4 mg, 3 hoặc 4 lần mỗi ngày nhưng cách dùng này không còn được khuyến cáo nữa vì có nhiều nguy cơ do dùng kéo dài.

 

Tương tác thuốc

Không nên kết hợp với halothan, vì làm tử cung đờ thêm và tăng nguy cơ chảy máu; ngoài ra còn có thể gây loạn nhịp tim nặng do làm tăng phản ứng lên tim. Nếu phải gây mê bằng halothan, thì tạm ngừng điều trị salbutamol.

Phải thận trọng khi dùng phối hợp với các thuốc chống đái tháo dường, vì thuốc kích thích beta làm tăng đường huyết. Nếu phối hợp, phải tăng cường theo dõi máu và nước tiểu. Có thể chuyển sang dùng insulin.

 

Ðộ ổn định và bảo quản

Tránh ánh sáng. Dung dịch có thuốc sau khi pha xong phải được dùng trong 24 giờ. Thuốc đạn phải được để ở nơi có nhiệt độ dưới 25C, tránh ánh sáng.

 

Tương kỵ

Dung dịch dùng để pha thuốc: Dung dịch đẳng trương natri clorid 0,9% hoặc dung dịch glucose đẳng trương 5% hoặc hỗn hợp dung dịch đẳng trương natri clorid 0,9% và dung dịch glucose 5% nhưng nên tránh pha loãng với dung dịch natri clorid.

Không pha, trộn thêm một thứ thuốc nào khác vào thuốc tiêm hay dung dịch truyền có thuốc salbutamol.

 

Quá liều và xử trí

Khi dùng thuốc quá liều, các triệu chứng sau đây tăng lên: Tim đập nhanh, huyết áp thấp, run, toát mồ hôi, vật vã. Ðể điều trị quá liều, có thể cho thuốc ức chế beta nếu cần thiết. Cần tăng cường theo dõi ở người bị hen, bệnh phổi - phế quản mạn tính tắc nghẽn, đái tháo đường và suy tim.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top