Trong miệng chúng ta luôn tràn ngập các loại vi khuẩn, đặc biệt là ở vùng phía sau lưỡi, vì đây là vị trí rất khó để làm sạch. Mảng bám vi khuẩn hay còn gọi là mảng bám răng hình thành một cách tự nhiên trên bề mặt răng, nếu không được làm sạch, chúng sẽ tích tụ ở trong miệng và gây ra nhiều vấn đề đối với răng miệng của bạn.
Cơ chế thường gặp của hôi miệng chính là các vi khuẩn ở phía lưng lưỡi (mặt trên của lưỡi) lên men thức ăn còn sót lại gây ra chất hóa học có mùi và tạo ra hơi thở hôi. Các chất hóa học này chính là các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi với 3 chất chính đó là hydrogen sulfide (H2S) có mùi trứng thối, dimethyl Sulfide (CH3SCH3), methyl Mercaptan (CH3SH) có mùi khí gas.
Nước bọt đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hơi thở hôi, do nó có khả năng làm sạch các thức ăn cũng như trung hòa các chất acid còn sót lại trên bề mặt răng. Có một số tình trạng hơi thở hôi sinh lý mà ai cũng có thể gặp đó là hơi thở hôi sau khi ngủ dậy vào buổi sáng. Ban đêm khi ngủ, cơ thể giảm tiết nước bọt khiến cho việc làm sạch khoang miệng giảm, vi khuẩn tích tụ lại làm lên men các phần thức ăn còn sót lại trong miệng gây ra mùi khó chịu. Tuy nhiên tình trạng này sẽ mất đi do chải răng, ăn uống và tiết nước bọt trong ngày.
Nhóm nguyên nhân chính của hơi thở hôi đó là tình trạng viêm nhiễm răng miệng như sâu răng, các bệnh lý nha chu; viễm nhiễm vùng hầu họng, viêm xoang, viêm amiđan, viêm phế quản, viêm phổi; rối loạn tiêu hóa như hở van dạ dày, viêm dạ dày, thực quản. Thức ăn cũng có thể là nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi, ví dụ như hành, tỏi, các thức ăn giàu protein... Một số thuốc cũng đóng vai trò trong việc gây ra hơi thở hôi do làm giảm dòng chảy nước bọt. Hút thuốc lá hoặc một số bệnh lý toàn thân như đái tháo đường, bệnh lý gan thận, chứng khô miệng trong các bệnh lý tuyến nước bọt hoặc một số hội chứng như Sjogren cũng có thể gây ra tình trạng này.
Tuy nhiên thực tế đôi khi chúng ta lại không thể tìm được nguyên nhân của hơi thở hôi, điều này có thể được lý giải bởi những thay đổi do nội tiết tố hoặc sự khác nhau về sự bài tiết nước bọt của mỗi người.
Thở vào lòng bàn tay, hơi thở của bạn sẽ được phản xạ từ lòng bàn tay, do đó bạn có thể ngửi được mùi hơi thở của mình.
Liếm vào mu bàn tay, để khoảng vài giây để nước bọt khô dần, sau đó bắt đầu ngửi, bạn sẽ có thể phát hiện được mùi của hơi thở thông qua sự bốc hơi của nước bọt. Tuy nhiên đôi khi nhiều người đã quen với mùi hơi thở của mình nên không phải lúc nào cũng có thể nhận biết hơi thở có mùi qua hai cách trên.
Trên thị trường hiện nay có sản phẩm máy phát hiện hơi thở có mùi dựa vào việc đo nồng độ các hợp chất lưu huỳnh trong hơi thở giúp xác định được mức độ hôi miệng của bệnh nhân.
Khi phát hiện hôi miệng, bệnh nhân cần được thăm khám để xác định nguyên nhân. Nguyên nhân thường gặp nhất là do tình trạng vệ sinh răng miệng kém, do đó bệnh nhân cần thăm khám nha khoa trước tiên để xác định các nguyên nhân trong miệng, nếu có các viêm nhiễm trong miệng như cao răng, mảng bám, sâu răng, viêm quanh răng, bệnh nhân cần được thực hiện các can thiệp nha khoa trước tiên.
Nếu hôi miệng không phải từ các nguyên nhân trong miệng hoặc vẫn tồn tại sau khi thực hiện các can thiệp nha khoa, bệnh nhân cần được thăm khám các chuyên khoa khác như tai mũi họng, tiêu hóa, thận tiết niệu... để có những can thiệp phù hợp.
Có thể làm giảm hôi miệng tạm thời, sử dụng kẹo cao su hoặc nước xịt thơm miệng sau khi hút thuốc, ăn hành tỏi, tuy nhiên cần cân nhắc đến nguy cơ nếu sử dụng thường xuyên.
Một số loại thuốc cũng làm giảm bài tiết nước bọt gây ra chứng hôi miệng, cần cân nhắc việc sử dụng thuốc, đồng thời bệnh nhân cũng cần bổ sung thêm nước thường xuyên để tránh tình trạng khô miệng.
Nếu hôi miệng không xác định được nguyên nhân, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp làm giảm hôi miệng tạm thời khi cần giao tiếp. Khi sử dụng các sản phẩm làm thơm miệng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, có thể thay đổi về cách thức cũng như sản phẩm làm giảm hôi miệng, tránh để miệng bị khô làm tăng nguy cơ của hôi miệng cũng như các vấn đề răng miệng khác.
Một số khuyến cáo về vệ sinh răng miệng đúng cách để làm giảm nguy cơ hôi miệng đó là chải răng hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ, sử dụng chỉ tơ nha khoa và cạo lưỡi hàng ngày, sử dụng nước súc miệng để hạn chế sự hình thành mảng bám, thăm khám nha khoa định kỳ 4-6 tháng/lần, thực hiện các can thiệp nha khoa khi cần. Tốt nhất là ngay sau khi ăn bạn nên súc miệng với một ngụm nước nhỏ để làm trôi các phần thức ăn còn sót lại, việc cạo lưỡi hàng ngày cũng rất quan trọng để loại bỏ các mảng bám vi khuẩn trên bề mặt lưỡi. Nên nhớ mỗi người đều có thể gặp hơi thở hôi lúc này hay lúc khác, do đó bạn cũng không cần quá lo lắng khi gặp phải vấn đề tế nhị này nhé.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh