Tại sao phải nội soi dạ dày?
Bệnh đau dạ dày là một trong những căn bệnh phổ biến nhất về đường tiêu hóa. Căn bệnh này có rất nhiều dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài cơ thể như: ợ chua, chướng hơi, đầy bụng, đau vùng thượng vị, nôn hoặc buồn nôn, chảy máu đường tiêu hóa (nôn hoặc đi ngoài ra máu). Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào các triệu chứng trên thì vẫn chưa thể chẩn đoán chính xác bệnh liên quan đến dạ dày.
Rất nhiều phương pháp hiện đại như siêu âm, hay chụp CT, cộng hưởng từ (MRI) tuy đắt tiền nhưng lại không có giá trị nhiều trong chẩn đoán bệnh dạ dày nói riêng cũng như các bệnh liên quan đến ống tiêu hóa nói chung. Chỉ có phương pháp nội soi mới giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất các bệnh liên quan đến ống tiêu hóa bao gồm cả bệnh dạ dày.
Tác dụng của nội soi dạ dày
Nôi soi dạ dày là một kỹ thuật hiện đại cho phép nhìn trực tiếp hình ảnh bên trong hệ thống tiêu hóa trên (từ thực quản, đến dạ dày và tá tràng) bằng cách đưa ống nội soi mềm có đầu gắn camera vào đường tiêu hóa của bệnh nhân.
Nhờ máy nội soi bác sĩ có thể phát hiện những tổn thương bên trong dạ dày như viêm loét, nhiễm trùng hay chảy máu dạ dày…đặc biệt những tổn thương dù rất nhỏ dù chỉ vài milimet cũng có thể phát hiện được.
Ngoài ra nội soi có thể cho phép tìm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) trong dạ dày, lấy các dị vật trong ống tiêu hóa, lấy mẫu mô sinh thiết, hoặc điều trị xuất huyết tiêu hóa mà không phải mổ…
Các phương pháp nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày qua đường miệng
Nội soi dạ dày qua đường miệng là phương pháp truyền thống và phổ biến nhất hiện nay. Với phương pháp này ống nội soi được đưa vào cơ thể quay đường miệng.
Ưu điểm của nội soi qua đường miệng:
Dễ thực hiện, mang lại độ chính xác cao.
Giá thành thấp.
Trong quá trình nội soi nếu phát hiện những bệnh lý và cần can thiệp như lấy dị vật, cầm máu, cắt polyp, lấy mẫu sinh thiết, xét nghiệm tìm vi khuẩn HP… thì có thể thực hiện luôn.
Nhược điểm của nội soi qua đường miệng:
Ống mềm dùng để nội soi có đường kính lớn, nên khi đi qua miệng sẽ kích thích lưỡi gà, vòm khẩu cái, đáy lưỡi làm bạn có cảm giác khó chịu, có thể buồn nôn. Nếu lựa chọn hình thức nội soi thông thường (không gây mê) rất nhiều người cảm thấy sợ hãi khi nuốt ống nội soi. Một số trường hợp nôn nhiều nên có thể bị sây sát họng, đau rát họng sau khi thực hiện nội soi.
Nội soi dạ dày qua đường mũi
Là phương pháp nội soi nhờ đưa ống nội soi mềm nhỏ qua đường mũi, xuống thực quản, đến dạ dày, hành tá tràng.
Ưu điểm của nội soi qua đường mũi:
Nội soi qua đường mũi dễ chịu hơn so với nội soi qua đường miệng vì ống nội soi qua đường mũi có kích thước rất nhỏ, mặt khác luồn ống qua đường mũi sẽ không gây kích ứng đến vùng lưỡi gà, hầu họng nên ít gây khó chịu hơn.
Độ chính xác cao và dễ thực hiện. Quá trình nội soi nhanh chóng chỉ khoảng 15 phút.
Nhược điểm của nội soi qua đường mũi:
Những trường hợp có bệnh lý về vùng mũi, hẹp khe mũi thì không thực hiện được phương pháp này.
Trong quá trình nội soi nếu phát hiện các bệnh lý và cần can thiệp như lấy dị vật, cầm máu, cắt polyp, lấy mẫu sinh thiết… thì phương pháp này sẽ không thực hiện được và bắt buộc lại chuyển qua nội soi qua đường miệng.
Chi phí nội soi qua đường mũi cao hơn nội soi qua đường miệng.
Nội soi dạ dày có gây mê – không đau
Gọi là nội soi dạ dày không đau do trong quá trình nội soi bệnh nhân được gây mê nên hoàn toàn không có bất kì cảm giác khó chịu, đau đớn nào. Khi nội soi bệnh nhân được gây mê trong thời gian ngắn khoảng 5 – 15 phút và sau đó sẽ tỉnh lại nhanh chóng nên hoàn toàn không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.
Ưu điểm của nội soi qua gây mê:
Bệnh nhân được gây mê nên sẽ không cảm thấy khó chịu, buồn nôn trong quá trình thực hiện nội soi. Hạn chế được tình trạng nguy hiểm như bệnh nhân giãy giụa hay giật ống nội soi.
Nếu trong quá trình nội soi bác sĩ cần thực hiện các thủ thuật can thiệp thì bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau nên an toàn hơn.
Nhược điểm của nội soi dạ dày có gây mê:
Khi sử dụng thuốc gây mê có thể làm tăng nguy cơ dị ứng thuốc, sốc thuốc và sau khi nội soi bệnh nhân có thể mắc một số tác dụng phụ của thuốc gây mê như đau đầu, buồn ngủ, mệt mỏi.
Để thực hiện gây mê thì bệnh nhân cần làm các xét nghiệm liên quan. Do đo chi phí nội soi gây mê cũng cao hơn.
Quy trình nội soi dạ dày
Trước khi nội soi
Bác sĩ nội soi tiến hành thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh sử, bệnh lý và chỉ định làm những xét nghiệm cần thiết trước nội soi. Nếu bạn đang sử dụng bất kì loại thuốc gì: thuốc điều trị hay thực phẩm chức năng cũng cần thông báo cho bác sĩ.
Bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân về thủ thuật và gây mê (nếu chọn làm nội soi có gây mê). Nếu bạn đã hiểu về quy trình thực hiện, các rủi ro có thể có… và chấp nhận thực hiện thủ thuật thì ban phải kí cam kết đồng ý.
Làm sạch đường tiêu hóa của bệnh nhân để giúp cho bác sĩ quan sát và đánh giá tổn thương được tốt nhất. Trước khi nội soi bệnh nhân đã được dặn nhịn ăn từ 6 – 8 tiếng, khi đến viện thực hiện nội soi trước khi vào làm thủ thuật 10 – 30 phút bệnh nhân sẽ được cho uống dung dịch làm sạch bọt và nhày trong dạ dày.
Một lưu ý quan trọng nữa trước khi nội soi là bệnh nhân cần ngừng dùng một số loại thuốc nhất định như thuốc chống đông vài ngày trước khi nội soi vì chúng sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất huyết (trong trường hợp cần làm một số thủ thuật trong quá trình nội soi). Nếu bệnh nhân có bệnh lý mãn tính (tiểu đường, bệnh tim mạch hay huyết áp cao) thì bác sĩ gây mê sẽ hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân về các loại thuốc đang dùng.
Quá trình nội soi
Bệnh nhân được hướng dẫn nằm nghiêng bên trái, chân trên co, chân dưới thẳng. Nếu nội soi qua đường miệng bệnh nhân sẽ được cho ngậm một dụng cụ bằng nhựa giúp bảo vệ răng miệng và giữ miệng luôn mở.
Các thiết bị hỗ trợ để theo dõi mạch, huyết áp, nhịp tim sẽ được gắn trên người bệnh nhân. Nếu chọn hình thức nội soi gây mê thì thuốc mê sẽ được truyền qua đờng tĩnh mạch trên cánh tay.
Bác sĩ đưa ống nội soi vào, trên đầu ống nội soi có gắn một camera nhỏ sẽ truyền hình ảnh tới màn hình bên ngoài để bác sĩ quan sát tìm ra các dấu hiệu bất thường, sau đó chụp và ghi lại để kiểm tra.
Sau khi nội soi
Nếu làm nội soi có gây mê, bệnh nhân sẽ được đưa ra nằm tại vị trí hồi tỉnh một thời gian khoảng 30 phút.
Bác sĩ đọc kết quả, kê đơn thuốc (nếu cần), tư vấn cho bệnh nhân chế độ dinh dưỡng cũng như cách chăm sóc sức khỏe, hẹn tái khám (nếu cần).
Nội soi dạ dày có đau không?
Nội soi dạ dày thường không đau, tuy nhiên một số người thường sợ nội soi dạ dày do có cảm giác buồn nôn khi bác sĩ luồn ống nội soi vào.
Việc luồn ống nội soi qua họng làm nhiều người có cảm giác như bị móc họng, gợn vướng ở cổ họng nên sẽ cố nôn ọe. Việc nôn ọe sẽ làm xước, đau họng mặt khác làm thời gian nội soi bị kéo dài, từ đó hình thành tâm lý sợ, ám ảnh khi nội soi dạ dày.
Nếu chọn hình thức nội soi dạ dày có gây mê thì bệnh nhân sẽ dễ chịu hơn. Do trước khi nội soi bệnh nhân đã được gây mê hoàn toàn nên không có bất cứ cảm giác khó chịu buồn nôn nào trong lúc thực hiện nội soi. Để đảm bảo an toàn cho việc gây mê, bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm trước đó. Còn sau khi nội soi bệnh nhân có thể hơi choáng do thuốc mê nên cần có người thân đi cùng khi lựa chọn hình thức nội soi này.
Với hình thức nội soi dạ dày qua đường mũi sẽ hạn chế cảm giác khó chịu buồn nôn như khi nội soi qua đường miệng. Khi tiến hành nội soi, vùng mũi của bệnh nhân đã được gây tê nên không có cảm giác đau, nhột khi luồn ống nội soi vào bên trong.
Lưu ý trước và sau khi nội soi
Trước khi nội soi
Cần nhịn ăn tối thiểu 6 tiếng trước khi thực hiện nội soi dạ dày. Việc nay để tránh tình trạng trong quá trình nội soi bị trào ngược, sặc thức ăn và cũng đảm bảo thức ăn trong dạ dày đã tiêu hóa hết giúp việc quan sát, đánh giá những tổn thương bên trong được dễ dàng, chính xác hơn.
Riêng trường hợp người thực hiện nội soi bị hẹp môn vị, cần nhịn ân lâu hơi từ 12 – 24 tiếng hoặc phải đặt ống bơm rửa dạ dày trước khi nội soi.
Nếu chọn phương pháp nội soi gây mê thì cần nhịn uống ít nhất 2 tiếng trước khi nội soi để tránh khi nội soi xảy ra tình trạng trào ngược vào phổi.
Vào buổi sáng ngày thực hiện nội soi không uống sữa, các loại đồ uống có màu, thuốc cản quang để tránh việc ảnh hưởng đến khả năng quan sát khi tiến hành nội soi.
Trước khi nội soi cần cung cấp cho bác sĩ tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc, các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ nắm được và đảm bảo an toàn khi thực hiện thủ thuật.
Sau khi nội soi
Sau khi nội soi 1 tiếng, không nên ăn uống bất kì thứ gì. Sau 2 tiếng có thể ăn các món mềm, lỏng, dễ tiêu hóa. Không nên uống đồ quá nóng, ăn các đồ cay nóng vì có thể làm tổn thương dạ dày.
Sau khi nội soi dạ dày có thể khiến bạn khó chịu ở cổ họng và có cảm giác buồn nôn do việc luồn ống nội soi vào sâu. Nên tránh khạc nhổ và nên ngậm, súc miệng với nước muối pha loãng.
Sau khi thực hiện nội soi bạn có thể cảm thấy một vài dấu hiệu như:
Khó chịu, đau rát ở cổ họng và có cảm giác buồn nôn do việc luồn ống nội soi vào sâu. Nên tránh khạc nhổ và nên ngậm, súc miệng với nước muối pha loãng.
Đầy hơi, tức bụng do trong quá trình nội soi không khí được bơm nhẹ vào thực quản để làm căng phồng ống tiêu hóa giúp cho ống nội soi di chuyển dễ dàng hơn và bác sĩ có thể quan sát rõ hơn những nếp gấp của ống tiêu hóa.
Mệt mỏi và buồn ngủ do tác dụng phụ của thuốc mê (trong trường hợp làm nội soi có gây mê). Để đảm bảo an toàn, sau khi nội soi bạn không nên lái xe và làm các công việc phức tạp hay đòi hỏi tập trung cao và nên có người thân đi cùng.
Những dấu hiệu này sẽ hết từ từ mà không cần can thiệp gì, nếu cảm thấy quá chịu bạn có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh