Ợ nóng là một chứng bệnh thường gặp do nhiều nguyên nhân. Thừa cân, hút thuốc lá, ăn một số loại thực phẩm, ăn nhiều về đêm…có thể dẫn đến chứng ợ nóng. Tìm hiểu về ợ nóng qua một số câu hỏi dưới đây.
Ợ nóng có thể gây đau tim?
Sai. Ợ nóng là cảm giác bỏng rát trong lồng ngực, ngay sau xương ức và có cảm giác đau, nhất là khi nằm hoặc cúi xuống. Dù có thể gây khó chịu ở vùng ngực nhưng chứng ợ nóng không phải do tim và không ảnh hưởng đến tim.
Ợ nóng xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới không hoạt động tốt khiến acid và thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Đi cùng với sự khó chịu ở vùng ngực, người bị ợ nóng còn có thể cảm thấy chua, đắng ở vùng miệng và vùng hầu.
Nhai kẹo cao su có thể làm giảm bớt ợ nóng?
Đúng. Trong một nghiên cứu được công bố năm 2001, các nhà nghiên cứu từ ĐH Wake Forest ở Bắc Carolina, Mỹ đã phát hiện nhai kẹo cao su làm tăng độ pH ở thực quản và hầu họng, dẫn tới làm giảm tác động của ợ nóng. Theo báo cáo trên New York Times, đó là vì kẹo cao su đẩy lùi dịch và làm cho thực quản đầy nước bọt có tính kiềm, giúp trung hòa các acid gây ra ợ nóng liên quan tới chứng khó tiêu.
Ngược lại hút thuốc lá lại khiến chứng ợ nóng nghiêm trọng hơn vì làm giảm tiết nước bọt và tăng acid dạ dày.
Nằm nghiêng sang bên trái có thể cải thiện tình trạng ợ nóng?
Đúng. Những người hay bị ợ nóng khi nằm ngủ vào buổi tối có thể nằm nghiêng sang bên trái để cải thiện tình trạng này. Theo một nghiên cứu đăng trên tờ The Journal of Clinical Gastroenterology, nằm ngủ nghiêng về bên trái là cách tốt nhất để tránh ợ nóng vào buổi tối. Tuy nhiên ngủ nghiêng về bên phải dường như có tác động ngược lại và làm tăng ợ nóng. Điều này có thể là do ngủ nghiêng về bên phải làm tăng thời gian cần để loại bỏ acid ra khỏi thực quản. Nằm thẳng lưng khi ngủ cũng liên quan tới tăng các triệu chứng vì nó làm gián đoạn sự lưu thông của acid từ thực quản.
Giảm cân ở những người béo phì có thể làm giảm ợ nóng?
Áp lực lên bụng do thừa cân, béo phì có thể khiến acid trào ngược lên thực quản. Một nghiên cứu của các bác sĩ tại Đại học Stanford được tiến hành dựa trên 2000 nghiên cứu về chứng ợ nóng cho thấy không có bằng chứng về việc hạn chế sử dụng một số loại thực phẩm nhất định có thể cải thiện chứng ợ nóng. Tuy nhiên việc giảm cân mang có thể giúp làm giảm ợ nóng.
Ợ nóng thường xảy ra khi?
A: Mặc quần áo quá chật
B: Nằm xuống ngay sau khi ăn xong
C: Cả A và B đều đúng
Câu trả lời đúng là C. Ợ nóng có thể xảy ra khi ăn quá no hoặc khi đi nằm. Mặc quần áo quá chật sẽ gây áp lực lên vùng bụng, dẫn tới ợ nóng. Vì thế những người hay bị ợ nóng nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
Uống thuốc kháng acid quá nhiều có thể gây ra:
A: Chuột rút ở chân
B: Táo bón
C: Mệt mỏi
Câu trả lời đúng là B. Thuốc kháng acid có thể làm giảm cơn ợ nóng nhanh chóng nhưng nếu phụ thuộc vào thuốc quá nhiều, người bệnh có thể phải đối mặt với những tác dụng phụ không mong muốn như táo bón hoặc tiêu chảy. Nên tìm những loại thuốc kháng acid và có chứa magiê hydroxide nhôm hydroxit, ít gây ra các vấn đề tiêu hóa.
Đối với các trường hợp ợ nóng thường xuyên, người bệnh có thể sử dụng thuốc ức chế tiết acid dạ dày. Luôn sử dụng thuốc theo hướng dẫn. Nếu ợ nóng quá nhiều, tốt nhất nên tới bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn điều trị.
Sau khi ăn tối xong, nên chờ bao lâu rồi bắt đầu đi ngủ để hạn chế ợ nóng?
A: 1 – 2 giờ
B: 2 – 3 giờ
C: 3 – 4 giờ
Câu trả lời đúng là C. Tuyệt đối không nên đi ngủ ngay sau khi ăn quá no. Đi ngủ khoảng 3 – 4 giờ khi hoàn thành xong bữa tối là thời điểm lý tưởng để tránh cơn ợ nóng.
Đừng ăn quá nhanh và ăn quá nhiều nếu cảm thấy không thoải mái. Hãy thử ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ba bữa chính.
Nên làm gì nếu chứng ợ nóng trở nên tồi tệ hơn sau khi tập thể dục?
A: Ăn thực phẩm có chứa protein
B: Uống nhiều nước
C: Giảm tập thể dục
Câu trả lời đúng là B. Uống nhiều nước sẽ hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả hơn. Nếu ợ nóng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi tập thể dục, nên uống nhiều nước hơn trong quá trình tập luyện.
Có thể bị trào ngược dạ dày – thực quản mà không mắc chứng ợ nóng?
Đúng. Ợ nóng là một triệu chứng của trào ngược dạ dày – thực quản. Tuy nhiên không phải ai cũng có triệu chứng này. Khàn tiếng, ho khan, khó nuốt và triệu chứng hen suyễn cũng là dấu hiệu của trào ngược dạ dày – thực quản.
Nên tới bệnh viện để kiểm tra khi nghi ngờ bị trào ngược dạ dày – thực quản. Điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống kết hợp với sử dụng thuốc có thể được sử dụng để điều trị căn bệnh này.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh