✴️ Quy trình kỹ thuật đo huyết động bằng máy USCOM (UlTRASOUND CARDIAC OUTPUT MONITOR)

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG/ĐỊNH NGHĨA

Máy USCOM hoạt động theo nguyên lý siêu âm doppler liên tục để đo vận tốc của dòng động mạch chủ hay động mạch phổi khi nó ra khỏi tim. Thông qua thuật toán nội suy tính ra đường kính của van động mạch chủ và van động mạch phổi dựa vào chiều cao và cân nặng của bệnh nhân. Nếu như biết được độ lớn của ống van, tốc độ của dòng máu chảy qua ống và biết được lưu lượng của dòng máu, chúng ta có thể tính được cung lượng tim. Ngoài ra máy USCOM còn cho phép đo được nhiều thông số huyết động đánh giá tiền gánh và hậu gánh và độ bão hòa oxy. Với ưu thế là một phương pháp đo huyết động không xâm lấn và dễ thực hiện nên phạm vi ứng dụng của USCOM rất rộng rãi tại các khoa hồi sức tích cực, khoa cấp cứu, gây mê hồi sức.

 

CHỈ ĐỊNH

Bệnh nhân sốc: 

Bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn.

Bệnh nhân sốc tim.

Bệnh nhân sốc giảm thể tích.

Bệnh nhân đa chấn thương .

Bệnh nhân bỏng.

Bệnh nhân có tình trạng sốc chưa xác định được nguyên nhân.

Bệnh nhân đa chấn thương

Bệnh nhân bỏng

Bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển

Bệnh nhân phẫu thuật tim

Theo dõi đáp ứng với điều trị ở những bệnh nhân sốc.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Thăm dò huyết động USCOM là một phương pháp không xâm lấn nên không có chống chỉ định, tuy nhiên cần lưu ý trong một số trường hợp sau:

Bệnh nhân có bệnh lý về van tim: cần tiến hành siêu âm tim trước, đo đường kính các van động mạch, rồi nhập kết quả trực tiếp vào máy USCOM để cho ra các kết quả chính xác chứ không thể tính kích thước van động mạch chủ và động mạch phổi căn cứ vào chiều cao cân nặng của bệnh nhân .

Bệnh nhân có tổn thương lồng ngực hoặc có bệnh lý phổi (tràn khí màng phổi, ARDS, COPD,…): có thể sẽ gặp khó khăn khi đo ở vị trí van động mạch phổi do tín hiệu siêu âm bị suy giảm. Nên để đầu do ở vị trí van động mạch chủ

Bệnh nhân mở nội khí quản hoặc có tổn thương vùng cổ: sẽ khó lấy tín hiệu từ van động mạch chủ tại vị trí hõm chữ V. Nên đo tại vị trí hõm trên xương đòn hoặc từ van động mạch phổi để cho kết quả đo tốt nhất.

Bệnh nhân bị dị dạng lồng ngực bẩm sinh:  sẽ khó thăm dò được vị trí của động mạch.

 

CHUẨN BỊ 

Cán bộ chuyên khoa: 

01Bác sỹ hoặc kỹ thuật viên đã được đào tạo về kỹ thuật theo dõi huyết động bằng máy USCOM

01 điều dưỡng chỉnh tư thế bệnh nhân và máy thở, máy theo dõi

Chuẩn bị bệnh nhân.

Giải thích cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân

Đo chiều cao, cân nặng của bệnh nhân.

Đo huyết áp của bệnh nhân ở mỗi thời điểm làm siêu âm

Phương tiện

Máy theo dõi huyết động USCOM.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Bước 1: Chuẩn bị máy

Chuẩn bị đầu dò, kết nối đầu dò với máy USCOM

Kết nối đầu đo SpO2 nếu máy có option Oxycom

Kiểm tra sẵn sàng kết nối dây nguồn điện nếu nguồn pin dự phòng không đủ.

Bước 2: Chuẩn bị bệnh nhân

Đo chiều cao xác định cân nặng bệnh nhân nhập các thông tin bệnh nhân vào máy.

Bệnh nhân ở tư thế nằm

Lau sạch vùng hõm ức nếu đo động mạch chủ, và lau sạch vùng ngực sườn bên trái của bệnh nhân  nếu đo động mạch phổi.

Bước 3: Khởi động máy

Ấn nút khởi động máy chờ máy khởi động.

Kiểm tra nguồn pin dự phòng nếu không đủ phải cắm cáp nguồn điện với ổ cắm.

Đăng nhập người dùng và tạo dữ liệu bệnh nhân mới, nhập các thông tin bệnh nhân (Tên tuổi, ID).

Bước 4: Tiến hành đo

Bôi gel siêu âm vừa đủ lên đầu dò, đo SpO2 cho bệnh nhân (nếu có option Oxycom).

Lựa chọn tham số chính cần hiển thị  tức thời.

Để đo cung lượng tim trái: đầu dò Doppler được đặt trên hõm ức, hướng theo trục dọc của động mạch chủ lên, cắt qua van động mạch chủ.

Cung lượng tim phải được đo tương tự qua van động mạch phổi, đặt đầu dò tại vị trí van động mạch phổi ở khoang liên sườn 3-4, đường cạch ức trái. 

Điều chỉnh di chuyển đầu dò hợp lý để phù hợp với từng bệnh nhân sao cho kết quả tín hiệu huyết động rõ ràng nhất.

Trong quá trình đo có thể điều chỉnh độ tương phản, âm thanh, thang đo, cường độ sóng để có kết quả tốt nhất.

Ghi lại kết quả đo.

Bước 5: Xử lý kết quả

Đo huyết áp không xâm lấn cho bệnh nhân bằng cách chạm vào dòng tham số SVR để nhập các giá trị đo được.

Chạm vào bảng tham số để xem được toàn bộ các tham số đã đo và tính toán được.

Ghi lại các kết quả nếu cần thiết và ghi lại dữ liệu vào máy một lần nữa.

Bước 6: Kết thúc ca bệnh

Vệ sinh đầu dò và bệnh nhân bằng bông tẩm cồn nhẹ hoặc khăn mềm.

Tắt máy bằng cách chọn  OFF trên màn hình chính sau đó chọn OK.

Cắm điện sạc pin cho máy trong thời gian chờ ca  tiếp theo.

 

TAI BIẾN

Theo dõi huyết động bằng máy USCOM là một phương pháp không xâm lấn nên không có tai biến xảy ra.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top