✴️ Chuyên gia tư vấn cách chữa bệnh suy giáp

1. Tổng quan về bệnh suy giáp

Tuyến giáp là một tuyến nằm ở cổ, hình bướm và có chức năng sản sinh ra hormone T3 (triiodothyronine) và T4 (thyroxine). 2 hormone này đóng vai trò hỗ trợ cơ thể dự trữ và sử dụng năng lượng. Tuyến yên và vùng hạ đồi ở não là hai bộ phận kiểm soát chức năng của tuyến giáp.

Cụ thể hơn,  tuyến giáp sẽ có nhiệm vụ điều phối, cung cấp năng lượng đến mọi cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa và tim mạch. Nếu bệnh nhân bị thiếu hụt hormone tuyến giáp thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sống tại các cơ quan khác.

Phụ nữ là đối tượng có tỷ lệ bị suy giáp cao hơn so với nam giới và bệnh có thể bắt gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng độ tuổi có nguy cơ cao hơn là trên 60. 

 

2. Dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang bị suy giáp

Trước khi bước vào tìm hiểu các cách chữa bệnh suy giáp, chúng ta cần “đọc vị" được những triệu chứng đặc trưng của bệnh. 

Không phải ai cũng có biểu hiện suy giáp giống nhau. Ban đầu người bệnh thường bị mệt mỏi kéo dài, tăng cân. Bởi vì đây không phải là các dấu hiệu điển hình của bệnh (ngay cả những người không bị suy giáp cũng có thể bị mệt mỏi và tăng cân) nên ở giai đoạn đầu bệnh rất khó được phát hiện. 

Rất khó để phát hiện bệnh suy giáp ở giai đoạn đầu

Theo thời gian, bệnh sẽ càng lộ dần những triệu chứng rõ ràng hơn, do vậy sẽ dễ chẩn đoán hơn. Các dấu hiệu chung của bệnh bao gồm: uể oải, mệt mỏi, hơi tăng cân, mất tập trung, hay sợ lạnh, trầm cảm, mau quên, chậm chạp.  Biểu hiện ở từng cơ quan:

  • Mắt: suy giáp làm vùng quanh mắt bị sưng nhẹ. Sau khi điều trị suy giáp bệnh nhân còn có thể gặp các phản ứng phụ như chuyển động mắt kém, mắt bị lồi ra;

  • Da, móng và lông tóc: sự giảm tiết mồ hôi do suy giáp có thể khiến da bị dày và khô hơn, tóc mỏng hoặc thô, móng tay giòn và rụng lông mày;

  • Tim mạch: suy giáp khiến chức năng co bóp  của tim bị suy giảm dẫn tới chậm nhịp tim, ngoài ra còn gây tăng cholesterol trong máu và tăng huyết áp. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với những người có bệnh nền là tim mạch;

  • Hệ tiêu hóa: chức năng hệ tiêu hóa suy giảm dễ gây táo bón;

  • Hệ thống sinh sản: nữ giới kinh nguyệt không đều, khó thụ thai và nguy cơ sảy thai trong giai đoạn đầu mang thai là rất cao;

  • Hệ hô hấp: thiếu hụt hormone tuyến giáp còn khiến cho phổi hoạt động kém hiệu quả, bệnh nhân dễ mệt mỏi, vận động kém và khó thở khi hoạt động, giọng khàn hơn, lưỡi to, thậm chí là bị ngưng thở khi ngủ nên nhiều người thường cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày nhưng lại khó ngủ vào ban đêm;

  • Hôn mê: suy giáp nặng còn có nguy cơ làm người bệnh bị hạ thân nhiệt và mất ý thức, rơi vào trạng thái hôn mê.

 

3. Nguyên nhân dẫn tới suy giáp 

Có nhiều nguyên nhân khiến hormone tuyến giáp không được sản xuất đủ:

  • Bệnh viêm giáp: thường là do virus hoặc bệnh tự miễn gây nên. Viêm giáp sẽ phóng thích hormone ồ ạt trong cùng một lúc, gây hiện tượng cường giáp trong thời gian ngắn. Sau đó tuyến giáp nhanh chóng trở nên hoạt động kém hiệu quả dẫn tới suy giáp;

  • Mắc bệnh tự miễn: hệ miễn dịch có vai trò như một hàng rào giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn,... Tuy nhiên lại có những trường hợp hệ miễn dịch nhầm lẫn giữa tác nhân lạ và tế bào tuyến giáp nên đã quay trở lại tấn công chính các tế bào này. Do đó tuyến giáp không thể sản sinh đủ trữ lượng hormone cần thiết. Tình trạng tự miễn có thể xảy ra đột ngột hoặc tiến triển âm thầm trong nhiều năm với 2 dang phổ biến nhất là viêm giáp teo và viêm giáp Hashimoto;

  • Thuốc: ở những người bị di truyền bệnh viêm tuyến giáp tự miễn khi sử dụng các thuốc như lithium, amiodarone, interleukin-2 và interferon alpha có nguy cơ bị suy giáp. Nguyên nhân là vì những thuốc này có  tác dụng phụ là hạn chế chức năng tiết hormone của tuyến giáp;

  • Suy giáp bẩm sinh: có những trẻ em sinh ra đã bị suy giáp là do khi còn trong bụng mẹ tuyến giáp chỉ được hình thành một phần hoặc không phát triển. Cũng có những trường hợp trẻ mặc dù có tuyến giáp nhưng tuyến này lại không hoạt động hay hoạt động không hiệu quả;

Tình trạng suy giáp bẩm sinh

  • Điều trị bằng iod phóng xạ: ở những bệnh nhân điều trị bệnh bướu cổ, bệnh Grave, ung thư tuyến giáp, ung thư hạch, bệnh Hodgkin hoặc ung thư vùng đầu cổ bằng iod phóng xạ sẽ khiến chức năng tuyến giáp bị biến mất một phần hoặc toàn bộ;

  • Phẫu thuật cắt tuyến giáp: cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp trong điều trị bệnh Grave, ung thư hoặc u tuyến giáp dễ khiến bệnh nhân gặp phải tình trạng suy giáp;

  • Thiếu hụt hoặc dư thừa Iod: iod là một chất rất quan trọng đối với việc tạo ra hormone tuyến giáp. Vì vậy nếu chất này được cung cấp không đúng cách rất dễ khiến cơ thể bị suy giáp;

  • Tổn thương tuyến yên: phẫu thuật, phóng xạ hoặc khối u làm tổn thương tuyến yên thì sẽ làm ảnh hưởng tới việc sản xuất hormone ở tuyến giáp. Vì tuyến yên là cơ quan chịu trách nhiệm chỉ đạo tuyến giáp tiết hormone.

 

4. Các cách chữa bệnh suy giáp 

Nhiều người khi nghe đến việc mình bị mắc suy giáp thì đều tỏ ra khá lo lắng và  tìm hiểu cách chữa bệnh suy giáp. Thực tế bệnh hoàn toàn có cơ hội được điều trị khỏi bằng thuốc với mục đích chính là tạo ra hormone tuyến giáp ngoại sinh để bù vào lượng hormone mà cơ thể đang bị thiếu hụt, giúp cân bằng lại các chức năng của các cơ quan khác.

Bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc nội tiết có thành phần tương tự với loại hormone do tuyến giáp sản xuất.

Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán mắc bệnh suy giáp sẽ dùng thuốc để điều trị

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tiến hành xét nghiệm máu và cách 6 - 8 tuần sau lần xét nghiệm lần đầu tiên sẽ cần phải thực hiện lại. Sau đó sẽ giãn dần khoảng thời gian cần phải xét nghiệm máu, có thể là từ 6 tháng - 1 năm một lần khi đã đạt được hiệu quả điều trị mong muốn.

Thuốc là cách chữa bệnh suy giáp hiệu quả nếu bệnh nhân tuân thủ đúng theo phác đồ và hướng dẫn điều trị. Bệnh nhân không nên tự ý điều chỉnh liều dùng, tự đổi thuốc hoặc ngưng sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.

Nhìn chung suy giáp là một bệnh lý phổ biến và nên được điều trị càng sớm càng tốt. Vì vậy mỗi người nên đi khám sức khỏe định kỳ để lường trước được các bệnh lý tiềm ẩn, từ đó có phương án xử trí kịp thời, tránh nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top