✅ Giảm sắc tố da là gì?

Nội dung

Giảm sắc tố da là tình trạng mất màu da do mắc bệnh hoặc chấn thương. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến mọi người từ khi sinh ra hoặc trong quá trình phát triển.

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về các loại giảm sắc tố da khác nhau, bao gồm bệnh bạch tạng và bệnh bạch biến, cũng như lý do tại sao chúng xảy ra.

 

Giảm sắc tố da là gì?

Để hiểu về giảm sắc tố da, cần biết bình thường da có màu sắc như thế nào. Melanocyte là các tế bào sắc tố sản xuất ra melanin. Melanin là protein giúp da, tóc và mắt có sắc tố hay màu sắc,

Lượng sắc tố trên da thường khác nhau phụ thuộc vào sự tiếp xúc ánh nắng mặt trời và yếu tố di truyền. Nhưng rối loạn sắc tố cũng có thể ảnh hưởng đến độ đậm hay nhạt của da.

Giảm sắc tố da là tình trạng mất sắc tố hoặc màu da, có thể xảy ra trên khắp cơ thể hoặc chỉ khu trú.

Trong giảm sắc tố da khu trú, có nhiều mảng hoặc vùng trên da có màu trắng. Kích thước và hình dạng các mảng này có thể rất đa dạng.

Ở những người bị giảm sắc tố da, có sự giảm lượng tế bào melanocyte hoặc ngay cả melanin.

Sự sụt giảm axit amin tyrosine cũng có thể dẫn đến giảm sắc tố. Tế bào melanocyte sử dụng tyrosine để tạo ra melanin.

Giảm sắc tố da có thể xảy ra ở mọi người thuộc mọi chủng tộc nhưng có thể dễ nhận thấy hơn ở những người có làn da sẫm màu hơn vì sự tương phản giữa màu da tự nhiên và các mảng trắng.

 

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây giảm sắc tố da. Tình trạng này thường phát triển do tổn thương hoặc chấn thương trên da.

Các vết phồng rộp, bỏng và nhiễm trùng đều có thể làm tổn thương da và dẫn đến giảm sắc tố. Các phương pháp điều trị da thẩm mỹ, như tẩy tế bào chết hóa học hoặc laser, cũng có thể gây giảm sắc tố da nếu quy trình được thực hiện không đúng cách.

Một số tình trạng bệnh lý mãn tính cũng có thể gây giảm sắc tố. Trong trường hợp giảm sắc tố là do tình trạng mãn tính thì giảm sắc tố thường xuất hiện ngay từ khi mới sinh.

 

Phân loại

Các loại giảm sắc tố da bao gồm:

Bệnh bạch tạng

Bệnh bạch tạng được coi là một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp. Theo Tổ chức Bệnh bạch tạng và Giảm sắc tố Hoa Kỳ, khoảng 1 trong số 20.000 người mắc một số dạng bệnh bạch tạng ở Hoa Kỳ.

Bệnh bạch tạng xảy ra do một khiếm khuyết trong gen ảnh hưởng đến sản xuất melanin. Kết quả là làm giảm sắc tố melanin.

Vì những người bị bệnh bạch tạng không thể sản xuất melanin nên họ bị thiếu sắc tố da. Da và tóc có màu trắng và họ có thể có ít sắc tố hơn trong tròng đen của mắt.

Bệnh bạch biến

Nguyên nhân chính xác của bệnh bạch biến còn chưa được hiểu rõ nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng có thể do một bệnh tự miễn gây tổn thương các tế bào sản xuất melanin.

Bệnh bạch biến gây ra các mảng trắng, mịn trên da, có thể xảy ra ở khắp cơ thể hoặc những vùng cụ thể, như cánh tay hoặc vùng mặt.

Ngoài ảnh hưởng tới da, các mảng trắng cũng có thể phát triển bên trong miệng và tóc.

Vảy phấn trắng (pityriasis alba)

Vảy phấn trắng thường xuất hiện ở trẻ em có làn da sẫm màu và bao gồm các mảng trắng, hơi nhô cao trên mặt. Nguyên nhân của bệnh vảy phấn trắng hiện chưa rõ nhưng có thể liên quan đến bệnh chàm.

Phân loại

 

Điều trị

Điều trị giảm sắc tố da tùy thuộc vào nguyên nhân. Nhiều người chọn không điều trị giảm sắc tố da nếu nó không gây ra các triệu chứng gây khó chịu.

Không có cách chữa bệnh bạch tạng. Tuy nhiên, những người mắc bệnh bạch tạng có nguy cơ cao bị ung thư da hơn. Họ nên tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời và luôn sử dụng kem chống nắng.

Những người bị bệnh bạch tạng cũng có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về thị giác, vì vậy họ nên đeo kính mát và nón rộng vành khi cần thiết.

Trong những trường hợp khác, điều trị có thể không cần thiết. Ví dụ như, Những người bị giảm sắc tố da do một chấn thương có thể nhận thấy da của mình trở lại màu sắc bình thường sau một thời gian mà không cần điều trị.

Giảm sắc tố da do bệnh vảy phấn trắng cũng có thể không cần điều trị. Trong nhiều trường hợp, các mảng trắng sẽ tự biến mất.

Bạn có thể chọn sử dụng một loại kem steroid tại chỗ có thể giúp giảm sự đổi màu da. Kem dưỡng ẩm cũng có thể có ích, giúp giảm tình trạng khô và ngứa thường xảy ra với tình trạng này.

Mặc dù không có cách chữa cho bệnh bạch biến những một số phương pháp điều trị có thể giúp giảm các mảng trắng trên da.

Theo Viện Da liễu Hoa Kỳ, một số thuốc corticosteroids tại chỗ và liệu pháp ánh sáng có thể hiệu quả.

Bôi corticosteroid lên da có thể giúp thêm màu sắc nhưng cũng có những tác dụng phụ và khiến da trở nên khô và mỏng manh hơn.

Bệnh bạch biến cũng có thể được điều trị bằng laser, áp dụng lên vùng da hai đến ba lần mỗi tuần trong nhiều tuần. Ở một số người, kết quả chỉ tạm thời và các mảng trắng sẽ tái phát sau một thời gian.

Liệu pháp kết hợp sử dụng thuốc psoralen và liệu pháp ánh sáng cũng có thể được sử dụng để điều trị giảm sắc tố da. Thuốc được bôi lên vùng da hoặc dùng đường uống trước khi sử dụng liệu pháp ánh sáng trên vùng da bị ảnh hưởng.

Phương pháp điều tị này thường cần lặp lại hai đến ba lần mỗi tuần trong vòng tới một năm. Psoralen kết hợp liệu pháp ánh sáng có xu hướng hiệu quả hơn là chỉ dùng liệu pháp ánh sáng.

 

Tổng kết

Các tình trạng liên quan đến giảm sắc tố da, như bệnh bạch tạng và bệnh bạch biến, không làm giảm tuổi thọ. Một người bị bệnh bạch tạng sẽ cần thực hiện các bước bảo vệ da và mắt khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời nhưng họ có thể có có một cuộc sống bình thường và khỏe mạnh.

Mặc dù giảm sắc tố da không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó có thể làm thay đổi cuộc sống và dẫn đến các vấn đề về cảm xúc, chẳng hạn như sự kém tự tin và thiếu lòng tự trọng.

Việc giáo dục, hỗ trợ từ bạn bè và tìm hiểu về các lựa chọn điều trị có thể giúp giảm sự mặc cảm về xã hội và tình cảm, từ đó cải thiện kết quả điều trị.

 

Giới thiệu Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.

Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thông tin liên hệ

return to top