✴️ 4 điều ba mẹ cần lưu ý khi cắt amidan cho trẻ

Nội dung

1. Khi nào trẻ cần cắt amidan cho trẻ?

Amidan là khối mô ở hai bên thành sau cổ họng giúp hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Viêm amidan xảy ra khi bộ phận này bị nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn xâm nhập, gây ra các triệu chứng sốt cao, đau họng, nuốt vướng… 

Viêm amidan dễ tái phát nhiều lần, trở thành viêm amidan mạn tính, gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống hàng ngày của trẻ. Nếu không điều trị dứt điểm, viêm nhiễm amidan thường xuyên, kéo dài, có thể dẫn tới áp xe quanh amidan, nặng hơn có thể dẫn đến những biến chứng như viêm tai, viêm mũi xoang, viêm cầu thận, viêm tim…

Trẻ có chỉ định cắt amidan khi:

– Amidan sưng to, làm tắc nghẽn đường thở, gây khó thở. Trẻ gặp tình trạng ngáy ngủ đến mức làm tắc nghẽn đường thở và gây ra chứng ngưng thở thời gian ngắn khi ngủ. 

– Viêm amidan tái diễn thường xuyên, 7 lần trong 1 năm, hoặc 5 lần/1 năm liên tiếp trong 2 năm, hoặc 3 lần/năm liên tiếp 3 năm. 

– Độ tuổi thích hợp để cắt amidan là trên 4 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện ngưng thở khi ngủ thì cần cắt sớm bởi tiềm ẩn nguy hiểm như đột tử do thiếu oxy.

Viêm amidan

Trẻ được chỉ định cắt amidan khi viêm amidan tái phát nhiều lần trong năm, có nguy cơ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.

 

2. Phương pháp cắt amidan an toàn nhất cho trẻ

Trước quyết định cắt amidan cho trẻ, hẳn nhiều phụ huynh sẽ rất lo lắng, chẳng hạn như đau sau phẫu thuật, hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Tuy nhiên, với công nghệ cắt amidan hiện đại nhất ngày nay – Plasma Plus, sự lo lắng này là không cần thiết bởi công nghệ Plasma sở hữu rất nhiều ưu việt:

– Khả năng hàn mạch, cầm máu rất tốt. Trẻ hầu như không chảy máu trong khi mổ. 

– Sóng năng lượng Plasma với tần số phù hợp để loại bỏ amidan bị viêm mà không gây bỏng hay tổn thương các mô lành xung quanh. Nhiệt độ được sử dụng khoảng 65-90 độ C, giúp thu hẹp phạm vi tổn thương các mô xung quanh, giảm tối đa biến chứng hậu phẫu, quá trình lành thương diễn ra nhanh hơn.

– Dao mổ sử dụng 1 lần, dành riêng cho mỗi bệnh nhân, nên tránh được hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm trong phòng mổ

– Kính nội soi được sử dụng trong quá trình phẫu thuật giúp bác sĩ dễ dàng quan sát, phóng to, thu nhỏ khu vực viêm để xác định chính xác vùng cần loại bỏ. 

– Thời gian thực hiện phẫu thuật ngắn hơn nhiều so với phương pháp truyền thống, chỉ khoảng 30-45 phút.

– Do thời gian thực hiện phẫu thuật ngắn nên trẻ được gây mê nội khí quản với liều lượng thuốc mê rất ít, do vậy đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ. Sau phẫu thuật trẻ có thể bị đau nhẹ và bác sĩ sẽ tư vấn cách chăm sóc sức khỏe cho bé phù hợp.

– Quá trình hồi phục nhanh chóng, chỉ khoảng 1-2 ngày sau cắt amidan, trẻ có thể sinh hoạt và đi lại bình thường.

 

3. Cần chuẩn bị gì trước ca phẫu thuật cắt amidan cho trẻ?

– Ba mẹ cần cung cấp đầy đủ thông tin về các loại thuốc, thậm chí thực phẩm chức năng mà trẻ đang sử dụng.

– Cho bác sĩ biết tiền sử dị ứng với thuốc gây mê, thuốc kháng sinh hoặc chứng rối loạn đông máu của trẻ và gia đình.

– Không cho bé dùng aspirin hoặc các loại thuốc chứa aspirin 2 tuần trước khi bé phẫu thuật.

– Không cho trẻ ăn, hoặc nhai kẹo cao su, hay uống sữa, nước ép trái cây còn nguyên bã trong vòng 6 giờ trước phẫu thuật.

– Lên kế hoạch và sắp xếp thời gian để trẻ được nghỉ ngơi và phục hồi khoảng 2 tuần sau phẫu thuật. Mặc dù khoảng 1-2 ngày sau bé có thể sinh hoạt bình thường, tuy nhiên để sức khỏe phục hồi hoàn toàn thì cần thời gian lâu hơn.

 

4. Những lưu ý chăm sóc sau phẫu thuật amidan cho trẻ

Chế độ ăn uống sau cắt amidan

Cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng và nguội sau phẫu thuật để tránh làm tổn thương tới vùng phẫu thuật.

– Sau khi hết thuốc gây mê và tỉnh dậy, hầu hết trẻ sẽ cảm thấy hơi đau họng. Tình trạng này có thể sẽ kéo dài khoảng vài ngày đầu tiên, điều này là bình thường. Ba mẹ cho bé dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Trẻ sẽ mất khoảng 10-12 ngày để khỏi đau hoàn toàn. 

– Cho trẻ nghỉ học khoảng 2 tuần sau khi cắt amidan.

– Cho trẻ dùng thuốc giảm đau đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

– Khuyến khích trẻ uống nhiều nước sau phẫu thuật để tránh mất nước.

– Ba mẹ nên tránh cho con dùng ống hút, cho dù là uống sữa. Nên dùng bằng thìa để đút cho bé, bởi việc dùng ống hút có thể gây sặc vào đường thở, do bé mới gây mê cũng như vừa trải qua ca phẫu thuật.

– Cho trẻ ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, mềm, nêm nhạt và để nguội. Tuyệt đối không cho trẻ ăn thực phẩm cay, nóng, nhiều axit, cứng, hoặc giòn, dễ làm vùng phẫu thuật đau, chảy máu.

– Cho trẻ nghỉ ngơi tại giường vài ngày sau phẫu thuật, tránh các hoạt động tốn nhiều sức lực. Ba mẹ cần lưu tâm trong sinh hoạt hàng ngày của bé, không để bé chạy nhảy, đi lại hay hò hét quá nhiều, sẽ dẫn tới những diễn biến bất lợi cho sức khỏe của bé.

– Phụ huynh nên hướng dẫn và nhắc nhở con súc miệng nước muối nhiều lần trong ngày, không nên cho con dùng các loại nước súc miệng khác để tránh lạ miệng, bé khó hợp tác’ 

Khi nào cần gọi bác sĩ hoặc đi khám ngay?

Ba mẹ cần cho con đi khám khi gặp các dấu hiệu dưới đây:

– Chảy máu từ mũi hoặc họng, hoặc nôn ói ra máu đỏ tươi hoặc máu đông.

– Sốt từ 38 độ trở lên.

– Mất nước, tiểu ít, khát nước, mắt trũng, môi khô và dính…

– Trẻ bị khó thở.

Tóm lại, với công nghệ mới hiện đại và tân tiến nhất, việc cắt amidan cho trẻ tương đối an toàn, ít ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Phụ huynh chỉ cần lưu ý những chăm sóc trước và sau phẫu thuật để đảm bảo bé hồi phục sức khỏe nhanh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top