✴️ Bệnh chàm: Là gì? Tại sao? Khi nào? Bằng cách nào?

LÀ GÌ?

Bệnh chàm thường được biết đến như “ngứa rồi phát ban” vì cơn ngứa bắt đầu trước và tiếp theo đó là phát ban. Trong chu kỳ ngứa và gãi luẩn quẩn của bệnh chàm, ngứa gây ra nhu cầu gãi để tạm thời ngăn chặn cảm giác khó chịu. Ngứa bắt nguồn một phần do việc giải phóng các phân tử gây viêm, như là histamine, kích thích các thụ thể thần kinh, sau đó gửi tín hiệu đến não (1). Các vùng kiểm soát vận động và động lực của não phản ứng với cảm giác ngứa bằng cách gãi để giảm ngứa.

Thật không may, sự giảm ngứa trong thời gian ngắn này chỉ làm tăng cảm giác ngứa và thúc đẩy hành động gãi (3). Gãi kéo dài dẫn đến hoạt động quá mức trong đường dẫn của não cũng như ở vùng vận động của não làm tồn tại lâu dài hành vi ngứa và gãi (2), gây kích ứng da, và làm vỡ cấu trúc da. Vùng da bị viêm, hở có hàng rào tự nhiên da bị tổn thương, cho phép sự xâm nhập của các chất kích ứng, chất gây dị ứng và nhiễm trùng, làm tình trạng da bị viêm và ngứa nhiều hơn.

 

TẠI SAO?

Các bậc cha mẹ có thể thường thấy những mảng chàm ở bên trong khuỷu tay và đầu gối của trẻ và đánh dấu chúng như là một phần phải trải qua của tuổi thơ. Tuy nhiên, một số trẻ có thể không dễ dàng khỏi bệnh chàm sau khi phát triển, đặc biệt là những trẻ bị đột biến gen filaggrin. Một số có thể bị chàm kéo dài đến tuổi trưởng thành (4). Filaggrin là một loại protein rất quan trọng trong việc duy trì hàng rào bảo vệ của da bình thường.(5)

Khoảng 25% trẻ em bị ảnh hưởng bởi bệnh chàm (6), và khoảng 60% trường hợp mắc bệnh chàm bắt đầu trong năm đầu đời ở độ tuổi 3-6 tháng, tỷ lệ mắc cao hơn ở những trẻ có điều kiện kinh tế xã hội cao hơn(6,7).

Một nghiên cứu kéo dài cho thấy rằng khoảng từ 38% đến 60% trẻ em bị bệnh chàm được cải thiện vào thời điểm dậy thì, nhiều người tiếp tục bị bệnh chàm khi trưởng thành (8).

Từ Điều tra Phỏng vấn Y tế Quốc gia năm 2010, bệnh chàm phổ biến ở khoảng 10% người lớn và khoảng 13% trẻ em từ 0 - 17 tuổi (9).

Bệnh chàm ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, càng làm nổi bật tầm quan trọng của việc điều trị thích hợp. Trong một nghiên cứu khảo sát, khoảng 60% trẻ em mắc bệnh chàm bị rối loạn giấc ngủ liên quan đến bệnh của chúng (10). Thiếu ngủ có thể góp phần gây ra các vấn đề về hành vi, dẫn đến giảm hiệu quả học tập và tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn tăng động- giảm chú ý (11)

Trẻ em mắc bệnh chàm bị giảm giấc ngủ được ghi nhận có thành tích học tập kém hơn (12), giảm đáng kể về khả năng ngôn ngữ, khả năng suy luận, và trí nhớ giảm nhẹ nhưng đáng kể. Những đứa trẻ này thậm chí có thể bị giảm chỉ số IQ khoảng 16 điểm so với những đứa trẻ không bị chàm và mất ngủ (13).

Trong nghiên cứu về sức khỏe tâm thần, những người mắc bệnh chàm có mức độ lo âu cao hơn so với những người khỏe mạnh. Các mối quan hệ với bạn học cũng như giáo viên có thể bị ảnh hưởng xấu bởi bệnh chàm do lo sợ bị nhiễm trùng, ngoại hình, hoặc sự hạn chế tham gia hoạt động thể thao (14).

Trong một nghiên cứu khảo sát ở trẻ em và người lớn mắc bệnh chàm, 47% cho biết thường xuyên hoặc luôn cảm thấy thất vọng về căn bệnh của mình, 39% cảm thấy thường xuyên hoặc luôn xấu hổ vì vẻ ngoài của mình, và 35% cảm thấy thường xuyên hoặc luôn tức giận về ngoại hình của mình (15).

Những người chăm sóc trẻ bị chàm cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Họ có thể phải dành khoảng 1,5 đến 3 giờ mỗi ngày cho việc điều trị bệnh chàm của con mình (16,17). Điều này có thể gây căng thẳng cho gia đình có nhiều việc cũng như sự ổn định về tài chính vì thời gian cần thiết để chăm sóc trẻ bị chàm có thể khiến cha mẹ nghỉ việc hoặc thậm chí không làm việc hoàn toàn (16).

Ngoài gánh nặng về thời gian, điều trị bệnh chàm có thể tạo ra gánh nặng tài chính lớn vì chi phí điều trị có thể dao động từ 100 đến hơn 2.000 đô la Mỹ cho mỗi bệnh nhân mỗi năm (18,19). Bằng chứng này cho thấy sự cần thiết phải điều trị bệnh chàm sớm và hiệu quả ở trẻ em , để hạn chế gánh nặng bệnh chàm cho cá nhân, gia đình và cộng đồng(19,20).

 

KHI NÀO?

Nên bắt đầu điều trị bệnh chàm khi mới sinh cho trẻ sơ sinh có nguy cơ cao. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao là trẻ có một trong hai hoặc cả cha và mẹ có cơ địa dị ứng. Cơ địa dị ứng bao gồm một số tình trạng: hen suyễn, chàm, và viêm mũi dị ứng (sốt cỏ khô) (21). Trẻ em có cha mẹ có tiền sử bệnh chàm có nguy cơ cao nhất bị bệnh chàm; do đó, can thiệp sớm bằng việc sử dụng kem dưỡng ẩm là điều cần thiết ở nhóm này. Trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh chàm (cha hoặc mẹ bị bệnh chàm) giảm 50% nguy cơ phát triển bệnh chàm khi thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày khi trẻ được 3 tuần tuổi (22).

Có bằng chứng ủng hộ việc sử dụng các biện pháp can thiệp sớm và chi phí phù hợp để ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh chàm. Sử dụng dưỡng ẩm sớm ngay từ khi mới sinh có thể làm giảm đáng kể sự khởi phát của bệnh chàm. Một nghiên cứu cho thấy giảm hơn 32% số trẻ sơ sinh bị chàm khi bôi dưỡng ẩm hàng ngày từ sơ sinh đến 32 tuần tuổi (23). Sử dụng dưỡng ẩm sớm không chỉ là một biện pháp can thiệp có lợi mà còn tiết kiệm chi phí. Bôi dưỡng ẩm hàng ngày trong 6 tháng đầu đời có thể làm giảm gánh nặng tài chính chung của bệnh chàm sau này trong suốt cuộc đời (24).

 

BẰNG CÁCH NÀO?

Corticosteroid tại chỗ

Trẻ sơ sinh dễ bị viêm hơn do hàng rào bảo vệ da của chúng chưa phát triển đầy đủ khi mới sinh (25). Phòng ngừa bệnh chàm thường bao gồm dưỡng ẩm hàng ngày và chăm sóc da nhẹ nhàng phù hợp (26). Khi bệnh chàm xuất hiện trên da, phương pháp điều trị chính thường là corticosteroid tại chỗ để giảm tình trạng viêm da (27).

Tuy nhiên, hơn 80% bệnh nhân hoặc người chăm sóc lo ngại về việc bôi steroid tại chỗ và khoảng 1/3 bệnh nhân chàm không sử dụng steroid bôi do lo ngại về các tác dụng phụ có thể xảy ra (28).

Sử dụng Steroid an toàn để tránh các tác dụng phụ

Steroid thường cần thiết để điều trị các vùng da đang bị chàm để giảm viêm, ngứa và có thể nhiễm trùng. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vẫn lo ngại về việc sử dụng steroid (27,29- 31). Các bậc cha mẹ thường lo lắng về việc con mình trở nên nghiện hoặc phụ thuộc vào steroid (“steroid addiction”) cũng như việc mất tác dụng của steroid do sử dụng kéo dài (29,32).

The National Eczema Association Task Force đã công bố một đánh giá hệ thống vào năm 2015 chỉ ra rằng chúng ta hiện chưa hiểu rõ về nghiện và cai nghiện steroid bôi tại chỗ, vì vậy vẫn cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn liệu việc cai hoặc nghiện steroid bôi tại chỗ có xảy ra không, mức độ phổ biến của nó và những gì chúng ta có thể làm để phát hiện, ngăn ngừa và điều trị nó (32).

Mối quan tâm

Phần lớn mối quan tâm của cha mẹ xoay quanh các tác dụng phụ của steroid: mỏng da, rạn da, thay đổi màu da, tăng mạch máu nhỏ có thể nhìn thấy (giãn mạch) và sự hấp thụ vào máu (30,33). May mắn là những tác dụng phụ tương đối không phổ biến nếu steroid tại chỗ được sử dụng chặt chẽ đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ và thường chỉ xảy ra khi sử dụng steroid tại chỗ không đúng cách.

Các vị trí nhạy cảm hơn trên cơ thể như mặt, cổ, nách và bẹn là những vùng dễ bị mỏng da hơn, do đó bác sĩ nên kê đơn thuốc bôi steroid nhẹ hơn hoặc thuốc chống viêm không steroid cho những vị trí này để tránh tác dụng phụ (34).

Ngay cả khi sử dụng lâu dài, được định nghĩa là hơn 12 tuần, nghiên cứu đã chỉ ra rằng steroid tại chỗ có tác dụng thấp đến trung bình là an toàn và hiệu quả ở trẻ em bị bệnh chàm nếu được sử dụng đúng cách (35).

Mục tiêu

Mục tiêu của liệu pháp steroid là làm giảm tình trạng viêm bằng các đợt ngắn steroid tác dụng mạnh bôi tại chỗ. Khi tình trạng viêm giảm và các tổn thương chàm được cải thiện, bác sĩ sẽ giảm tác dụng của steroid bôi tại chỗ. Người chăm sóc có thể học cách tăng hoặc giảm thuốc bôi bằng cách thảo luận với bác sĩ và cùng lên kế hoạch điều trị dành cho từng cá nhân bị chàm. Một kế hoạch điều trị được cá nhân hoá cho bệnh nhân chàm có thể đơn giản hóa việc điều trị và giúp người chăm sóc tin tưởng vào việc kiểm soát bệnh chàm của con họ (36).

Các loại Steroid bôi tại chỗ

Không phải mọi loại steroid bôi tại chỗ đều giống nhau, có sự khác biệt quan trọng giữa chúng. Một số được kê đơn cho các bộ phận khác nhau của cơ thể. Mức độ nghiêm trọng của chàm và vị trí tổn thương cũng sẽ quyết định loại steroid nào phù hợp nhất.

Thuốc steroid tại chỗ tác dụng mạnh hơn được ưu tiên sử dụng trên những vùng da dày, như da đầu, thân, bàn tay, bàn chân, và những vùng bị chàm nặng hơn. Steroid tại chỗ tác dụng nhẹ hơn được sử dụng trên các vùng da mỏng hơn như cổ, mặt, nách và bẹn và những vùng bị chàm ít nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra còn có các dạng khác nhau khi sử dụng: thuốc mỡ, kem, lotion và gel. Các dạng được sử dùng tuỳ theo vị trí trên cơ thể, mức độ nghiêm trọng của bệnh chàm và sở thích của bệnh nhân (37).

Dưới đây là một số steroid bôi tại chỗ thường được kê đơn và tác dụng của chúng:

Bác sĩ nên kê toa loại steroid tại chỗ bằng cách xem xét vị trí của tổn thương chàm và mức độ nghiêm trọng của chàm. Dựa trên những yếu tố này, bác sĩ cũng sẽ chọn loại steroid có tác dụng thích hợp cùng với dạng sử dụng (thuốc mỡ, kem, lotion, dung dịch, gel, bọt, v.v.). Thông thường, thuốc mỡ có tác dụng mạnh hơn kem và kem bôi có tác dụng mạnh hơn lotion, dung dịch, gel và bọt.

Cuối cùng, steroid bôi tại chỗ được kê đơn sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với bệnh chàm của trẻ. Nếu được sử dụng theo đúng chỉ định và đúng cách, trẻ sẽ không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, cũng như sự phụ thuộc hoặc mất tác dụng của steroid, và sẽ thấy bệnh chàm của trẻ được cải thiện.

Chất ức chế

Một lựa chọn điều trị tại chỗ không steroid là chất ức chế calcineurin, ngăn chặn sự kích hoạt của các tế bào viêm gây ra viêm da và ngứa trong bệnh chàm, chẳng hạn như tế bào T và tế bào mast (39,40)

Hai loại chất ức chế calcineurin tại chỗ được chấp thuận cho bệnh chàm: Protopic ointment (tacrolimus) và pimecrolimus cream. Vì không gây mỏng da, các chất ức chế calcineurin thường được bác sĩ khuyên dùng cho những vùng da mỏng hơn hoặc khi cần điều trị liên tục trong thời gian dài (41,42).

Các chất ức chế calcineurin tại chỗ đã cho thấy sự cải thiện đối với bệnh chàm ở trẻ dưới 2 tuổi cũng như trẻ lớn hơn (6). Các nghiên cứu đã so sánh trực tiếp steroid bôi tại chỗ và chất ức chế calcineurin trong bệnh chàm ở trẻ em. Protopic ointment nói chung được coi là có hiệu quả tương đương với một số steroid tại chỗ có tác dụng nhẹ và thậm chí có thể có lợi như một phương pháp điều trị xen kẽ với steroid tại chỗ (43,44).

Một lựa chọn điều trị khác cho bệnh chàm là thuốc mỡ Crisaborole (45), hoạt động bằng cách ức chế giải phóng các phân tử gây viêm là cytokine (46). Khi được nghiên cứu trong khoảng thời gian 48 tuần, những bệnh nhân sử dụng thuốc mỡ Crisaborole có tác dụng phụ của thuốc tương đối thấp (47).

Hiện tại không có nghiên cứu so sánh nào xem xét hiệu quả giữa chất ức chế PDE4 và steroid bôi tại chỗ hoặc chất ức chế calcineruin. Tuy nhiên, nó có thể so sánh được về tác dụng với steroid tại chỗ tác dụng nhẹ và chất ức chế calcineurin.

Điều trị toàn thân

Có nhiều lựa chọn điều trị có sẵn bên cạnh thuốc chống viêm tại chỗ, bao gồm chất kháng khuẩn, liệu pháp ánh sáng và điều trị toàn thân. Khi bệnh nặng và không thể kiểm soát theo mong đợi bằng các lựa chọn điều trị tại chỗ và bổ sung khác, có thể cần điều trị toàn thân.

Tuy nhiên, hiện tại không có thuốc điều trị toàn thân được FDA chấp thuận cho bệnh chàm ở trẻ em, tuy nhiên, các bác sĩ thường sử dụng ngoài chỉ định (off-label) thuốc toàn thân để điều trị thành công bệnh chàm nặng ở trẻ em. Dupilumab là một loại thuốc tiêm nhắm mục tiêu đã được phê duyệt để điều trị bệnh chàm vừa đến nặng ở người lớn, và các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để nghiên cứu tác dụng và độ an toàn của nó ở trẻ em.

Làm thế nào để bắt đầu điều trị bệnh chàm cho con bạn

Có nhiều lựa chọn điều trị bệnh chàm khác nhau, mức độ nghiêm trọng và vị trí của bệnh chàm cũng rất khác nhau. Vì những lý do này, điều quan trọng là phải trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch điều trị phù hợp cho từng cá nhân. Cả cha mẹ và bác sĩ cần tìm hiểu nhu cầu và mong đợi của nhau để có sự hợp tác thành công. Các nhà nghiên cứu vẫn đang giải mã nguyên nhân gây ra bệnh chàm và phát triển các lựa chọn mới cho trẻ em, nhưng chúng ta cũng đã biết rất nhiều điều.

Ba điểm quan trọng nhất là:

Bệnh chàm tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gia đình và cộng đồng.

Điều trị sớm bằng chất dưỡng ẩm là điều tối quan trọng, đặc biệt là ở trẻ em có nguy cơ cao.

Mỗi bệnh nhân là khác nhau; do đó, điều quan trọng là phải hợp tác với bác sĩ để có kế hoạch kiểm soát phù hợp và cá nhân hoá đối với bệnh chàm của con bạn. Chỉ cần tuân thủ hướng dẫn điều trị, tác dụng phụ của thuốc là không phổ biến.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top