Trẻ nhỏ dễ viêm phế quản phổi
Viêm phế quản phổi dễ xảy ra ở trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sinh non và bị suy dinh dưỡng. Triệu chứng bệnh được chia ra làm hai giai đoạn: khởi phát và toàn phát.
Giai đoạn khởi phát:
– Khởi phát từ từ: Thường khó phát hiện và hay nhầm sang các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp khác. Trẻ thường có các biểu hiện sốt nhẹ, ho khan, hắt hơi, ngạt mũi và quấy khóc. Vì triệu chứng ban đầu thường nhẹ nên bố mẹ thường hay chủ quan, tự theo dõi tại nhà. Nếu không được hỗ trợ điều trị kịp thời bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát.
– Khởi phát đột ngột: thường được phát hiện và đưa đi khám sớm do các triệu chứng khá rõ ràng. Trẻ sốt cao, khó thở, tím tái và kèm theo một số rối loạn tiêu hóa như chán ăn, nôn trớ, chướng bụng, tiêu chảy…
Giai đoạn toàn phát: Nếu trẻ không được hỗ trợ điều trị kịp thời vào giai đoạn khởi phát thì sẽ diễn biến đến giai đoạn toàn phát. Trẻ sốt rất cao, thậm chí có thể lên đến 40 độ C, có thể ngủ li bì, co giật, thậm chí hôn mê nếu không hạ sốt kịp thời.
Ho dữ dội và liên tục, ho co thắt, có thể xuất tiết đờm, chảy mũi đặc và vàng.
Ngoài ra, trẻ khó thở, tím tái, rối loạn tiêu hóa (bỏ ăn, chán ăn, chướng bụng, nôn chớ, tiêu chảy…).
Cha mẹ cần phát hiện sớm bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ để kịp thời đưa bé đi khám nhằm chẩn đoán đúng bệnh. Căn cứ vào đó có phác đồ hỗ trợ điều trị phù hợp.
Bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ thế nào?
Việc hỗ trợ điều trị viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ phụ thuộc vào từng nguyên nhân và mức độ nặng, vừa hay nhẹ của từng trẻ. Kết quả hỗ trợ điều trị sẽ tốt hơn nếu bệnh được phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị đúng. Trường hợp không được phát hiện và hỗ trợ điều trị kịp thời, bệnh có diễn biến nhanh và dễ gây tử vong.
Thông thường, những trường hợp viêm phế quản nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà. Cần tiếp tục cho trẻ bú và ăn uống đầy đủ. Cần cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn.
Cha mẹ nên cho trẻ dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh khói thuốc lá và các yếu tố làm bệnh nặng hơn như thời tiết, hóa chất…
Cần đưa trẻ vào viện hỗ trợ điều trị ngay khi có dấu hiệu: khó thở, bú kém, tím tái, có biến chứng suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi…
Chăm sóc và dự phòng bệnh cho trẻ
Nên chăm sóc và dự phòng bệnh cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu để tránh khi các dấu hiệu bệnh toàn phát, trẻ bị nặng hơn sẽ khó chữa, thậm chí sẽ dẫn tới tử vong.
Ngay từ khi có thai các bà mẹ cần chú ý tránh mắc các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi.
Khi trẻ sinh, chú ý chế độ vô khuẩn khi đỡ đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh, đảm bảo rằng môi trường ở phải sạch sẽ, thoáng mát. Cho trẻ bú mẹ nhiều hơn, nếu trẻ không tự bú thì cần vắt sữa ra bình, hoặc cốc, hoặc cho trẻ ăn sữa ngoài nếu mẹ không có sữa.
Bên cạnh đó, có thể bù lại lượng nước đã mất do sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hơn. Tiêm chủng mở rộng phòng bệnh cho trẻ em theo đúng quy định.
Để phòng tránh bệnh tái phát, các mẹ nên giữ ấm cho trẻ, giữ vệ sinh cơ thể trẻ, cho trẻ ở trong phòng sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ. Nếu trẻ hay bị viêm họng, viêm amidan thì phải hỗ trợ điều trị. Trẻ bị viêm phế quản phổi cần được cách ly hoàn toàn với khói thuốc lá, cũng nên hạn chế ra ngoài vì bụi và các ô nhiễm khác khiến bệnh sẽ nặng hơn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh