✴️ Thuốc thụt hậu môn và các tác dụng phụ nên biết trước khi sử dụng

1. Công dụng và cơ chế hoạt động của thuốc thụt hậu môn

Khi đại tiện khó khăn vì táo bón nhiều người lựa chọn dùng thuốc thụt hậu môn để đi tiêu dễ dàng

Thuốc thụt hậu môn được xem là giải pháp giúp giải quyết nhanh chóng tình trạng táo bón kéo dài và nặng. Thuốc được bào chế dạng gel hoặc dung dịch giúp làm mềm phân để cho quá trình đào thải ra ngoài hậu môn trở nên dễ dàng hơn.

Công dụng chính của loại thuốc này là làm sạch đường tiêu hóa dưới. Khi đi vào hậu môn, thành phần dược tính trong thuốc sẽ làm mềm đầu phân, khiến cho cơ cơ hậu môn giãn ra để việc đại tiện trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, thuốc còn được dùng để làm dịu niêm mạc hậu môn, nhờ đó đẩy lùi đau rát và chảy máu trong quá trình đại tiện. 

Ngoài công dụng trị táo bón, thuốc thụt hậu môn còn được dùng trong y khoa với các mục đích khác như: chụp X-quang phản quang, nội soi đại tràng, làm sạch ống tiêu hóa trước phẫu thuật.

Cơ chế hoạt động của loại thuốc này là dẫn truyền thuốc từ bên ngoài, đi qua hậu môn vào thẳng trực tràng, làm kích thích nhu động ruột và tạo cảm giác muốn đi đại tiện ngay lập tức. 

 

2. Thuốc thụt hậu môn - hướng dẫn dùng và các tác dụng phụ cần lưu ý

2.1. Hướng dẫn dùng thuốc thụt hậu môn

Muốn dùng thuốc thụt hậu môn đúng cách cần thực hiện theo các bước sau:

- Bước thứ nhất: đeo găng tay vào rồi nằm nghiêng người, đầu gối gập lại, tay thả lỏng thật thoải mái.

- Bước thứ hai: vặn bỏ nắp thuốc thụt rồi từ từ di chuyển đầu ống thụt vào hậu môn, qua trực tràng và bóp mạnh cho tới khi toàn bộ dung dịch có trong hộp thuốc đã đi hết vào bên trong.

Tư thế nằm khi dùng thuốc thụt hậu môn

- Bước thứ ba: rút nhanh đầu bơm của ống thụt ra rồi nằm yên trong khoảng 2 - 5 phút rồi đi vệ sinh.

- Bước thứ tư: đi vệ sinh sau đó dùng nước ấm vệ sinh hậu môn sạch sẽ để tránh đau rát, viêm nhiễm hậu môn.

2.2. Các tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn

Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều loại thuốc thụt hậu môn khác nhau, tùy vào loại thuốc, cơ địa và cách sinh hoạt của mỗi người mà tác dụng phụ của thuốc thụt hậu môn có thể gặp phải là:

- Da bị dị ứng, nổi mẩn ngứa.

- Buồn nôn.

- Tiêu chảy.

- Ruột dưới bị kích thích.

- Đau bụng.

- Khát.

- Choáng váng.

- Mất trương lực ruột, giảm kali, mất phản xạ tự nhiên khi đại tiện.

- Khó chịu ở hậu môn.

Ngoài ra, có một số tác dụng phụ hiếm gặp là: rối loạn nhịp tim, tăng đường huyết. Nếu dùng loại thuốc này thường xuyên có thể gây viêm nhiễm, rách, nứt hậu môn, khiến cho cơ thể bị mất phản xạ muốn đi ngoài tự nhiên,... Chính vì thế, thuốc thụt hậu môn được khuyến cáo chỉ dùng như giải pháp cuối cùng, tuyệt đối không nên lạm dụng.

 

3. Khi sử dụng thuốc thụt hậu môn cần lưu ý

Mặc dù trong tình thế nhất định, thuốc thụt hậu môn giúp cải thiện táo bón, hỗ trợ đại tiện dễ hơn và giảm tổn thương hoặc đau rát hậu môn khi đại tiện do táo bón; nhưng thuốc có những tác dụng phụ nhất định và được khuyến cáo không nên lạm dụng. Vì thế, trong quá trình dùng thuốc, cần lưu ý:

- Những người đang bị đau bụng, nôn, buồn nôn, mất nước nặng và bị xuất huyết trực tràng không rõ căn nguyên, liệt ruột cần phải hết sức thận trọng khi dùng thuốc.

Nên tham vấn bác sĩ chuyên khoa để dùng thuốc hiệu quả và tránh gặp tác dụng phụ 

- Nếu dùng thuốc trong thời gian dài có thể bị tăng natri và phosphate, nhiễm toan máu, giảm canxi huyết. Vì thế, tốt nhất chỉ nên dùng thuốc tối đa 7 ngày.

- Người cao tuổi và nhóm bệnh nhân bị tim, thận, gan, thận, tiểu đường, đã từng bị rối loạn điện giải tù trước, lú lẫn hay đang dùng hậu môn giả cần cân nhắc về việc sử dụng thuốc thụt hậu môn.

- Cần xét xem về việc dùng thuốc đối với những người đang dùng các loại thuốc có thể gây tương tác với loại thuốc này như: thuốc tim mạch, thuốc lợi tiểu,...

- Không dùng thuốc kết hợp với các loại thuốc có ảnh hưởng tới nồng độ điện giải hoặc thuốc lợi tiểu.

- Trừ khi được bác sĩ chỉ định, tuyệt đối không dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi.

- Cần thận trọng khi dùng thuốc kết hợp với thuốc chống viêm NSAID vì dễ tăng nguy cơ viêm loét đại tràng.

- Chỉ dùng thuốc thụt hậu môn qua đường trực tràng, tuyệt đối không dùng đường tiêm truyền, đường uống hay sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào khác.

- Người bị suy tim xung huyết, phì đại ruột kết, tắc nghẽn ruột không được dùng thuốc thụt hậu môn.

- Trước khi dùng thuốc thụt hậu môn đồng thời với các loại thuốc nhuận tràng khác cần hỏi ý kiến của bác sĩ để tránh nguy cơ bị tiêu chảy và mất nước trầm trọng.

- Người bị chảy máu trực tràng, mắc bệnh trĩ hay đang mất nước tiến triển không nên dùng thuốc.

- Thai phụ hoặc phụ nữ đang cho con bú, trước khi dùng thuốc nên tham vấn ý kiến bác sĩ.

Về cơ bản, đây là loại thuốc được xem như giải pháp tạm thời, nhanh chóng, tốt nhất không nên lạm dụng. Thuốc chỉ nên dùng khi đại tiện quá khó do phân quá cứng, làm đau rát hậu môn. 

Để trị táo bón đạt hiệu quả tốt, người bệnh nên có chế độ ăn giàu chất xơ, uống nhiều nước, tập thể dục điều độ kết hợp với massage bụng. Nếu trong quá trình dùng thuốc gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào ảnh hưởng đến sức khỏe thì cần nhanh chóng đến bác sĩ thăm khám.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top