Sốc insulin là gì?

Nếu một người bệnh bỏ qua các dấu hiệu hạ đường huyết nhẹ và vẫn tiêm insulin hoặc bỏ bữa, kết quả là họ sẽ mắc một tình trạng bệnh rất nghiêm trọng, được gọi là sốc insulin. Sốc insulin là một tình trạng cấp cứu, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, nếu không được điều trị có thể dẫn đến bất tỉnh vì tiểu đường, tổn thương não hoặc thậm chí tử vong.

Insulin hoạt động như thế nào?

Khi chúng ta ăn hoặc uống những thực phẩm có chứa carbohydrate, các loại tinh bột, cơ thể sẽ chuyển hóa chúng thành đường glucose. Glucose là một loại đường có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động bình thường. Insulin là hormone hoạt động như một chiếc chìa khóa. Insulin sẽ mở cánh cửa của các tế bào trong cơ thể để các tế bào có thể hấp thu glucose và dùng glucose biến thành năng lượng.

Người bị tiểu đường có thể bị thiếu insulin hoặc các tế bào không có khả năng sử dụng insulin như các tế bào bình thường. Nếu các tế bào trong cơ thể không thể hấp thu được glucose thì lượng glucose trong máu sẽ tăng lên. Tình trạng này được gọi là đường huyết cao và có liên quan với rất nhiều vấn đề sức khỏe khác. Đường huyết cao có thể gây ra các vấn đề về mắt và chân, gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh về thận và tổn thương thần kinh...

Tiêm insulin giúp người mắc tiểu đường sử dụng glucose hiệu quả hơn. Tiêm insulin trước khi ăn giúp cơ thể có khả năng hấp thu và sử dụng đường glucose có trong thức ăn. Kết quả là sẽ giúp cho cơ thể có lượng đường huyết được duy trì cân bằng và khỏe mạnh. Thông thường, việc này là rất hiệu quả. Tuy nhiên, đôi khi, mọi thứ lại không diễn ra như vậy.

 

Nguyên nhân sốc insulin là gì?

Có quá nhiều insulin trong máu có thể dẫn đến việc có quá ít glucose. Nếu lượng đường huyết trong máu quá thấp, cơ thể sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động bình thường. Trong các trường hợp sốc insulin, cơ thể sẽ rất thiếu năng lượng, do vậy, các hoạt động chức năng bắt đầu giảm hoặc ngừng.

Nếu bạn bị tiểu đường và sử dụng insulin để kiểm soát đường huyết, rất có thể có quá nhiều insulin trong máu do bạn tiêm quá nhiều insulin hoặc do bạn quên không ăn sau khi tiêm insulin. Tình trạng này sẽ khiến cơ thể bạn bị mất cân bằng.

Các nguyên nhân khác có thể bao gồm:

  • Không ăn đủ
  • Luyện tập thể thao nhiều hơn bình thường
  • Uống rượu mà không ăn

 

Sốc insulin ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Nếu lượng đường huyết trong máu hạ xuống dưới ngưỡng bình thường, bạn có thể sẽ có các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, bao gồm:

  • Chóng mặt
  • Run chân tay
  • Vã mồ hôi/ da dính ướt
  • Đói, mệt xỉu
  • Lo lắng, bồn chồn
  • Mạch nhanh

Trong giai đoạn này, bạn có thể thực hiện ngay cách sau để có thể hồi phục: bạn có thể ăn 15 gam carbohydrate tác dụng nhanh, ví dụ như viên uống glucose hoặc các loại thực phẩm nhiều đường như nước hoa quả, mật ong, kẹo. Mục đích của việc này là để cung cấp glucose cho cơ thể, từ đó giúp giữ cân bằng đường huyết và giảm các triệu chứng. Nếu bạn cảm thấy khá hơn trong vòng 15 phút, bạn gần như đã có thể hồi phục hoàn toàn. Nếu không, bạn sẽ phải tiếp tục ăn 15 gam carbohydrate cho đến khi đường huyết của bạn tăng lên, và đảm bảo rằng bạn sẽ ăn bữa chính ngay sau đó.

Nếu bạn bị sốc insulin, bạn có thể có các triệu chứng kể trên, nhưng các triệu chứng sẽ tiến triển nhanh hơn. Hạ đường huyết cũng có thể gây ra:

  • Đau đầu
  • Lú lẫn
  • Choáng ngất
  • Tập trung kém, dễ vấp ngã
  • Run cơ
  • Co giật
  • Bất tỉnh

Sốc insulin có thể xảy ra vào giữa đêm với các triệu chứng:

  • Gặp ác mộng
  • Khóc trong khi ngủ
  • Tỉnh dậy trong trạng thái lú lẫn hoặc rất bồn chồn
  • Vã rất nhiều mồ hôi
  • Có các hành vi gây hấn, tức giận

 

Điều trị sốc insulin

Hạ đường huyết mức độ nhẹ hoặc trung bình có thể điều trị bằng cách thông thường là ăn đường. Nhưng nếu bạn bắt đầu có các triệu chứng hạ đường huyết nặng, đó chính là lúc bạn nên được điều trị ngay. Nếu bạn hoặc người thân bắt đầu bị sốc insulin, hãy làm theo các bước sau:

  • Gọi cấp cứu, đặc biệt là khi người bệnh bất tỉnh
  • Tìm cách đưa đường vào cơ thể ngay lập tức (như đã nói ở trên)
  • Nếu có thể, bạn tiêm ngay có bệnh nhân bị bất tỉnh một mũi glucagon. Nếu bạn không có, nhân viên cấp cứu có thể sẽ có. Không cho bệnh nhân đã bất tỉnh thứ gì đó để nuốt bởi sẽ làm họ bị nghẹn.

 

Dự phòng sốc insulin

Sốc insulin không phải là một trải nghiệm dễ chịu và có rất nhiều cách bạn có thể làm để ngăn chặn nó diễn ra. Làm theo những cách sau để giảm nguy cơ hạ đường huyết nặng và các vấn đề liên quan:

  • Luôn giữ các viên uống glucose bên mình hoặc hình thành thói quen mang một vài viên kẹo cứng theo, đề phòng những trường hợp đường huyết xuống quá thấp.
  • Luôn ăn sau khi tiêm insulin.
  • Đảm bảo rằng bạn đã hỏi bác sỹ về cách dùng một loại thuốc mới
  • Nếu bạn luyện tập thể thao, hãy ăn nhẹ các đồ ăn chứa đường. Bạn có thể tham khảo ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng về các loại đồ ăn tốt nhất nên ăn trước khi luyện tập.
  • Rất thận trọng khi uống rượu
  • Chú ý khi luyện tập các bài tập cường độ mạnh bởi nó có thể làm hạ đường huyết sau nhiều giờ luyện tập
  • Thường xuyên kiểm tra lượng đường huyết
  • Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng khi đang lái xe, hãy dừng xe và tấp vào lề đường ngay lập tức.
  • Thông báo cho bạn bè và người thân trong nhà về các triệu chứng hạ đường huyết để họ có thể giúp đỡ bạn nếu bạn xuất hiện triệu chứng
  • Hỏi ý kiến bác sỹ về glucagon bởi tất vả những người sử dụng insulin đều luôn có sẵn glucagon.

Với những chú ý trên đây, bạn có thể kiểm soát bệnh tiểu đường và lượng insulin của bạn để có lượng đường huyết luôn ở mức cân bằng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top