Con hay nôn trớ, tiêu chảy, mất nước, quấy khóc… là một số biểu hiện của bệnh tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Ba mẹ đừng quá lo lắng, hãy tham khảo ngay cách trị “dứt điểm” căn bệnh này trong bài viết sau đây.
Bệnh tiêu hóa ở trẻ nhỏ, nỗi ám ảnh thường trực của nhiều cha mẹ
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, phổ biến như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi,… Các bệnh tiêu hóa này nếu như không được phát hiện sớm và điều trị triệt để, bé có khả năng hấp thu kém các chất dinh dưỡng, biếng ăn, còi cọc và chậm lớn.
Nguyên nhân phổ biến gây bệnh tiêu hóa ở trẻ nhỏ
– Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hệ tiêu hóa ở trẻ còn kém, nên dễ bị virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây bệnh.
– Một số trường hợp trẻ có thể mắc bệnh do dùng kháng sinh, vì khi đi vào cơ thể kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn tiêu diệt luôn vi khuẩn có lợi. Gây mất cân bằng hệ sinh thái đường ruột, dẫn đến chứng rối loạn tiêu hóa.
– Môi trường vệ sinh kém, nguồn nước ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn cũng gây ra bệnh đường ruột ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, trẻ cũng dễ bị nhiễm bẩn từ tay, đồ chơi do ba mẹ không vệ sinh tay chân sạch sẽ cho bé.
– Thực tế, có nhiều trẻ bị bệnh tiêu hóa do biến chứng từ các bệnh khác như: viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản. Khi trẻ mắc các bệnh này, bé thường tiết nhiều dịch đờm chứa vi khuẩn, thay vì khạc nhổ các con hay nuốt vào và dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa.
– Ngoài ra chế độ dinh dưỡng ít chất xơ, giàu chất đạm, chất béo hay các loại nước có ga, kẹo ngọt cũng dễ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là táo bón.
Giải pháp trị bệnh tiêu hóa hiệu quả ở trẻ nhỏ
Bệnh tiêu hóa ở trẻ em nếu không điều trị triệt để sẽ gây ra một “vòng luẩn quẩn”. Chằng hạn như trẻ bị táo bón, phân trở nên khô cứng và tích tụ to hơn, việc đi ngoài sẽ khiến trẻ đau đớn. Để tránh đau, theo phản xạ tự nhiên, các con thường nhịn đi vệ sinh. Bởi vì khối phân ở trong đại tràng không được thường xuyên thải ra ngoài, chúng tích tụ to hơn đến khi bé “chịu hết nổi” phải đi ngoài thì sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, gây đau nhiều hơn. Kết quả là bé lại có ác cảm nặng nề hơn với chuyện ngoài, lại càng nín nhịn, và lại càng đau hơn trong lần đi đại tiện kế tiếp. Đó chính là “chu kỳ luẩn quẩn” gây khó khăn rất lớn đến cơ quan tiêu hóa ở trẻ. Đặc biệt, trẻ bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa lâu ngày sẽ khiến các hấp thu chất dinh dưỡng kém, trẻ biếng ăn, dễ còi cọc và chậm tăng cân.
Để điều trị triệt để các bệnh lý tiêu hóa ở trẻ em, theo bác sỹ khuyên rằng:
Thứ nhất: Khi con gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, ba mẹ không nên lo lắng quá, cần kiên trì làm giảm ngay các triệu chứng táo bón, đầy hơi hay tiêu chảy ở trẻ nhỏ bằng cách an toàn nhất là cho trẻ đến thăm khám với bác sỹ chuyên khoa. Các bác sỹ sẽ kiểm tra xem bé đang gặp vấn đề gì, đưa ra giải pháp và tư vấn chế độ dinh dưỡng khoa học cho trẻ.
Thứ hai: Ba mẹ tuyệt đối không nên tự mua men vi sinh, men tiêu hóa hay những loại thuốc hỗ trợ đường tiêu hóa cho trẻ khi chưa nhận được sự tư vấn từ phía các bác sỹ chuyên môn.
Thứ ba: Bên cạnh việc thăm khám với bác sỹ chuyên khoa, ba mẹ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học cho trẻ, đó là nên cho con ăn nhiều các thực phẩm có chứa nhiều chất xơ như rau, củ, quả, có thể cho trẻ ăn thêm sữa chua để tăng lượng kháng khuẩn cho đường ruột, uống nhiều nước và thói quen đi vệ sinh hàng ngày, không nín tiểu hay nín đi ngoài.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh