✴️ Chàm sữa ở trẻ phải làm sao?

Nội dung

1. Nhận biết chàm sữa ở trẻ

Chàm sữa còn gọi lác sữa, là bệnh hay gặp ở trẻ em độ tuổi từ 2 tháng đến 2 tuổi. Đặc tính của bệnh là viêm da dị ứng.

Bệnh không nguy hiểm cho sức khỏe của bé nhưng khiến vùng da bị tổn thương khô căng, nứt nẻ, chảy máu gây khó chịu, ngứa ngáy, có khi bội nhiễm. Tổn thương thường 2 bên má, đối xứng, có thể lan ra cằm, trán nhưng không có ở mắt, mũi, có thể lan ra thân mình và tứ chi nhưng vùng tã lót, vùng nách không có.

Chàm sữa là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh

Chàm sữa là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân gây chàm sữa rất phức tạp, có thể do bụi nhà, phấn hoa, thức ăn (sữa trứng, đồ biển…).

2. Chàm sữa ở trẻ phải làm sao?

Chàm sữa là một bệnh rất dễ tái phát khi ăn, uống những chất gây dị ứng hay thời tiết thay đổi, vì vậy cha mẹ cần lưu ý chăm sóc trẻ và điều trị trẻ bị chàm sữa như sau:

– Chế độ dinh dưỡng của trẻ

Trong chế độ dinh dưỡng của trẻ, các mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Tránh cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như thực phẩm lên men, đồ biển, trứng, đậu phộng, cà chua,…

  • Các mẹ duy trì sữa mẹ trong thời gian lâu nhất có thể, chỉ đa dạng các loại thức ăn cho bé từ 6 tháng trở đi.

– Sử dụng thuốc điều trị chàm sữa cho trẻ

Sau đây là những gợi ý về cách dùng thuốc đúng cách để điều trị chàm sữa cho trẻ:

  • Khi tổn thương đang nổi đỏ hoặc chảy dịch: cha mẹ có thể bôi các loại thuốc dạng dung dịch màu mang tính sát trùng nhẹ.

  • Khi tổn thương da khô, đỏ, tróc vẩy: cha mẹ có thể bôi các loại kem trong thời gian ngắn từ 7 – 10 ngày.

  • Khi tổn thương da khô, dầy sừng nhiều: cha mẹ có thể dùng các loại mỡ chứa corticosteroid hoặc phối hợp chất tiêu sừng

Thoa kem trị chàm sữa cho trẻ

Thoa kem trị chàm sữa cho trẻ

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần lưu ý những điều sau trong việc chữa trị chàm sữa cho con:

  • Không dùng kháng sinh liều cao để điều trị chàm sữa cho con, trừ khi bội nhiễm nhưng phải hết sức thận trọng vì dễ gây sốc phản vệ do dùng thuốc.

  • Không nên tiêm chủng ngừa cho bé trong thời gian này, nhất là tiêm chủng đậu mùa vì có thể dẫn đến bệnh mụn mủ dạng thủy đậu. Khi đó, trẻ sẽ có những triệu chứng như sốt cao, sẩn, mụn nước, bóng nước, cuối cùng thành mụn mủ lõm ở giữa, quanh mụn mủ có quầng viêm đỏ, khi lành để lại sẹo làm mặt rỗ.

  • Không được tự ý mua thuốc bôi cho trẻ vì việc sử dụng thuốc không đúng cách có thể gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, cũng không nên đắp lá, thuốc theo dân gian vì sẽ làm bệnh nặng thêm. Tốt nhất, khi muốn sử dụng thuốc cho con thì cha mẹ nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ để được tư vấn về cách dùng thuốc và cách bôi phù hợp, đảm bảo an toàn cho bé.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp 

return to top