Thuốc giảm cân có hiệu quả như quảng cáo? Làm thế nào để chọn và dùng thuốc giảm cân đúng cách?
Hiện nay trên thị trường đang có rất nhiều các loại thuốc, thảo dược hay thực phẩm chức năng được quảng cáo là có tác dụng giảm cân hiệu quả, được bán rộng rãi trên thị trường (Nhưng lại không có đơn của bác sỹ) mà nhiều loại thuốc lại không rõ nguồn gốc. Có một số thuốc giảm cân hiệu quả là do tác dụng gây rối loạn tiêu hoá , dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải. Tuy có giảm cân nhưng thật sự rất có hại cho sức khoẻ.
– Thuốc điều trị phải được dùng song song với chế độ ăn uống và vận động khoa học. Thuốc chỉ nhằm giúp người bệnh thực hiện được chế độ ăn kiêng thích hợp, luyện tập thể lực và những nguyên tắc thay đổi hành vi.
– Không nên hiểu lầm về những tác dụng “thần kỳ” mà thuốc giảm cân có thể mang lại. Trên thực tế không một trường hợp nào thành công bằng uống thuốc đơn thuần mà không kết hợp chế độ ăn kiêng và luyện tập thể lực.
– Thuốc điều chỉnh cân nặng không điều trị được bệnh béo phì; khi ngừng thuốc, cân nặng sẽ tăng trở lại.
– Thuốc điều chỉnh cân nặng phải dùng theo chỉ định và sự theo dõi của bác sỹ chuyên khoa.
– Thuốc phải được cân nhắc ở từng giai đoạn của một quá trình dài điều trị, và phải được bác sỹ chỉ định riêng cho từng người. Các yếu tố nguy cơ của điều trị thuốc phải được cân nhắc phòng chống trong những trường hợp béo phì trong thời gian dài.
– Thuốc chỉ được tiếp tục nếu cân nhắc thấy an toàn và hiệu quả trên người bệnh đó.
Cần cân nhắc điều trị béo phì bằng thuốc khi người bệnh ở những mức độ sau:
– BMI > 30 và điều trị bằng chế độ ăn, tập luyện, thay đổi hành vi không thành công.
-BMI > 25 có bệnh tật đi kèm như rối loạn dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, hoặc nhiều biến chứng do béo phì đã xuất hiện như viêm xương khớp, ngừng thở khi ngủ…
– Các thuốc điều trị giảm cân không khuyến cáo dùng cho trẻ em. Chống chỉ định cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Hiện trên thị trường Việt Nam có hai loại thuốc giảm cân được FDA – Hiệp hội thực phẩm và dược Hoa Kỳ), Tổ chức Y tế thế giới công nhận, là Orlistat và Sibutramin.
Lý giải việc trọng lượng tăng trở lại, thậm chí vượt chỉ số cân nặng ban đầu sau khi ngừng sử dụng thuốc giảm cân là do thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn giúp giảm số lượng thực phẩm ăn vào nhưng nếu tổng năng lượng trong bữa đó không giảm thì vẫn không thể làm giảm béo. Vì vậy, nếu không có chế độ ăn đúng, người sử dụng vẫn có thể nhận một số calo rất lớn từ một lượng thức ăn có vẻ không đáng kể.
Bên cạnh đó, phần lớn thuốc giảm cân có tác dụng chống hấp thu mỡ dựa vào tác dụng trên men lipase nên chỉ giảm hấp thu được 30% lượng chất béo ăn vào. Do vậy, nếu dùng thuốc mà vẫn ăn nhiều thì tổng lượng chất béo đưa vào cơ thể vẫn không giảm.
Theo cảnh báo của các chuyên gia, thuốc giảm cân chỉ có tác dụng “hỗ trợ” chứ không thể phát huy hết tác dụng nếu không được kết hợp với một chế độ ăn uống khoa học hay luyện tập thường xuyên.
Nếu người sử dụng trên 60 tuổi hay dưới 18 tuổi, muốn dùng thuốc giảm cân phải hỏi ý kiến bác sĩ. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc giảm cân nhưng về hiệu quả thì có loại vẫn chưa có một cơ quan chuyên môn có thẩm quyền nào xác nhận. Bạn nên tham khảo ý kiếm bác sĩ trước khi sử dụng thuốc giảm cân.
Lời khuyên
Cách tốt nhất để giảm cân hiệu quả là điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và thường xuyên tập thể dục đều đặn. So với việc sử dụng các loại thuốc giảm béo, phương pháp giảm béo này tuy chậm hơn nhưng là cách giảm cân an toàn nhất.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh