✴️ Nhận biết và chữa trị bệnh chàm ở trẻ cần nhận biết sớm

Bệnh chàm ở trẻ nguyên nhân do đâu?

Thực tế nguyên nhân chính xác gây bệnh chàm sữa ở trẻ chưa được xác định. Theo các chuyên gia nghiên cứu  bệnh chàm thường xuất hiện ở trẻ có cha mẹ tiền sử mắc các bệnh lý mề đay, dị ứng, dị ứng thời tiết,…

Bệnh chàm thường khá phổ biến và lành tính với trẻ

Bệnh chàm thường khá phổ biến và lành tính với trẻ

Bệnh có liên quan đến sự phối hợp của hai yếu tố: cơ địa dị ứng và chất gây dị ứng. Các chất gây dị ứng có thể được tạo ra từ những thay đổi trong quá trình chuyển hóa bên trong cơ thể hoặc có nguồn từ bên ngoài như bọ chét, nấm mốc, bụi… thường có trong chăn, gối, nệm, khăn trải giường, thảm. Ngoài ra, lông chó, lông mèo, gián cũng có thể gây dị ứng…

Bệnh cũng có liên quan đến những rối loạn về tiêu hóa, thức ăn (sữa, trứng…), cách cho bú, nhiễm trùng…

Cách nhận biết chàm sữa ở bé

Bệnh thường xuất hiện khi trẻ khoảng 3 tháng tuổi trở đi, thường xuất hiện ở mặt, hai bên má, có thể lan ra thân mình và tứ chi. Ban đầu là những mẩn đỏ, rồi trở thành mụn nước nhỏ li ti, đỏ, nứt da, rịn nước (một số bé có da rất khô), đóng mài và tróc vảy.

Nếu không giữ vệ sinh tốt, da bé rất dễ bị nhiễm trùng, khiến việc điều trị sẽ khó khăn hơn, đồng thời sẽ để lại sẹo, ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ sau này. Những vết chàm vỡ không bị nhiễm trùng sẽ để lại vảy kết trên mặt da.

Bệnh sẽ thuyên giảm dần và có thể tự khỏi sau 4 tuổi. Nếu sau 4 tuổi trẻ vẫn chưa khỏi, bệnh sẽ tiến triển kéo dài, hay tái phát và trở thành chàm thể tạng.

Bệnh chàm ở trẻ điều trị như thế nào?

Chăm sóc chữa trị cho trẻ đúng cách tránh làm tổn thương vùng da bị chàm của trẻ

Chăm sóc chữa trị cho trẻ đúng cách tránh làm tổn thương vùng da bị chàm của trẻ

Những trẻ có cơ địa dễ bị dị ứng thì sẽ rất dễ tái phát bệnh chàm sữa này. Vì thế cha mẹ cần có cách chăm sóc hợp lý, đúng cách cho con với một vài lưu ý như sau

– Chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Không nên cho con ăn thực phẩm dễ gây dị ứng như đồ biển, thực phẩm lên men, trứng, đậu phộng, cà chua, đồ biển…

– Nếu vết chàm đang nổi đỏ hoặc chảy dịch thì có thể bôi các loại thuốc dạng dung dịch màu mang tính sát trùng nhẹ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu để tránh gây tổn thương vùng da non của trẻ

– Khi tổn thương da khô, đỏ, tróc vẩy thì có thể bôi các loại kem phù hợp với da của trẻ để hạn chế tổn thương.

– Khi tổn thương da khô, dầy sừng nhiều thì có thể dùng các loại mỡ chứa corticosteroid hoặc phối hợp chất tiêu sừng nhưsalicylic acid.

– Không nên tiêm chủng ngừa cho bé nhất là tiêm chủng đậu mùa vì có thể dẫn đến bệnh mụn mủ dạng thủy đậu. Lúc này, trẻ có biểu hiện sốt cao, sẩn, mụn nước, bóng nước, cuối cùng thành mụn mủ lõm ở giữa, quanh mụn mủ có quầng viêm đỏ, khi lành để lại sẹo làm mặt rỗ.

– Không dùng kháng sinh liều cao để điều trị chàm sữa, trừ khi bội nhiễm nhưng phải hết sức thận trọng vì dễ gây sốc phản vệ do dùng thuốc.

– Hãy cho trẻ đi khám và được sử dụng thuốc đúng cách, không nên tự ý mua thuốc hay dùng lá cây đắp lên sẽ làm bệnh thêm trầm trọng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp 

return to top