✴️ Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

1. Biểu hiện của hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

– Chứng khó nuốt: Người bệnh có thể gặp cảm giác khó nuốt dù ăn chất lỏng hay đặc. Nhiều khi còn kèm theo chứng nuốt đau. Tương tự việc nuốt khó còn có một số dấu hiệu khác của hội chứng trào ngược dạ dày thực quản như: vướng vùng họng, sặc khi nuốt, ho khan kéo dài không rõ nguyên nhân.

– Ợ nóng: Thành phần axit HCL hoặc dịch mật trong dịch dạ dày gây kích thích niêm mạc thực quản. Điều này khiến người bệnh có cảm giác nóng rát lan từ thượng vị lên phía sau xương ức. Cũng có trường hợp, cảm giác nóng rát lan đến vùng họng dưới hoặc lên đến vùng mang tai. Tình trạng ợ nóng thường xuất hiện sau bữa ăn, lúc người bệnh cúi gập người về trước. Nó cũng có thể xảy ra khi người bệnh bị ho vào ban đêm khi nằm ngủ. Ợ nóng càng nhiều khi người bệnh uống rượu, bia hay đồ uống chua.

– Nôn mửa: Tình trạng nôn mửa thường xảy ra do người bệnh thay đổi tư thế hoạt động, nằm ngồi hoặc gắng sức. Dịch nôn thường không mùi vị, không chua và có thể lẫn thức ăn chưa tiêu hóa.

Khó nuốt là một biểu hiện của hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

 

2. Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản nguy hiểm thế nào?

Tình trạng phổ biến nhất mà hội chứng này gây ra là bệnh viêm thực quản do trào ngược. Biến chứng của bệnh này có thẻ là loét, teo hẹp thực quản. Hiện tượng xơ hóa do viêm có thể làm co rút thực quản. Niêm mạc thực quản bị thay thế dần bởi niêm mạc dạ dày gây co ngắn niêm mạc thực quản. Việc này có thể dẫn đến nguy cơ hóa ung thư đoạn niêm mạc bị chuyển sản. Tình trạng loét thực quản có thể gây xuất huyết tiêu hóa.

Ngoài ra còn một số biến chứng ít xảy ra hơn như viêm thanh quản, viêm xoang, viêm mũi họng, viêm phổi do trào ngược dạ dày thực quản xảy ra vào ban đêm.

 

3. Điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

– Phương pháp nội khoa: Sử dụng nhóm thuốc ức chế bơm proton chống tiết acid như: omeprazole, lansoprazole, rabeprazole. Các thuốc này giúp làm giảm các triệu chứng và làm lành viêm thực quản khá hiệu quả.

– Phương pháp ngoại khoa: Sử dụng phẫu thuật thường được chỉ định trong những trường hợp không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị nội khoa. Phẫu thuật bao gồm phương pháp mổ tạo nếp gấp đáy vị, hoặc phẫu thuật nội soi khâu tạo hình cơ vòng dưới thực quản. Bên cạnh đó còn phương pháp tiêm chất sinh học làm tăng khối cơ, hoặc nội soi nong thực quản khi bệnh nhân bị biến chứng hẹp thực quản.

 

4. Phòng tránh bệnh bằng cách nào?

– Chế độ ăn: Giảm các chất kích thích như: rượu, cà phê, thuốc lá, chocolate, ớt, hạt tiêu. Tránh ăn quá no, ăn quá nhiều hoặc quá muộn vào gần giờ ngủ lúc tối, đêm. Không nên uống nhiều nước có ga. Bữa ăn cho người bệnh cần đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết.

– Tránh làm tăng áp lực xoang bụng do mặc áo quá chật… Tránh thức khuya, hoạt động trong và ngay sau khi ăn. Cần rèn luyện thân thể đều đặn hàng ngày, với các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe mỗi người. Luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, nghỉ ngơi khoa học để tránh áp lực và mệt mỏi.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top