Dấu hiệu suy gan
Các dấu hiệu suy gan ban đầu cũng có thể gặp ở nhiều bệnh lý hay vấn đề sức khỏe khác. Do đó suy gan ở giai đoạn này rất khó chẩn đoán, các dấu hiệu ban đầu có thể là:
– Buồn nôn
– Chán ăn
– Mệt mỏi
– Tiêu chảy
Tuy nhiên khi suy gan tiến triển, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, đòi hỏi phải chăm sóc khẩn cấp. Các dấu hiệu này bao gồm:
– Bệnh vàng da
– Dễ bị chảy máu
– Sưng bụng
– Lú lẫn, mắt mờ mất định hướng, mệt mỏi và yếu cơ (biểu hiện của bệnh não gan)
– Buồn ngủ
– Hôn mê
Bệnh suy gan được điều trị như thế nào?
Khi nhận thấy có các dấu hiệu nghi ngờ suy gan nêu trên, cần nhanh chóng tới bệnh viện để được kiểm tra và tư vấn điều trị kịp thời. Nếu phát hiện sớm suy gan cấp tính do dùng quá liều acetaminophen có thể điều trị được và gan sẽ phục hồi. Tương tự như vậy nếu suy gan do vi rút, người bệnh sẽ được điều trị các triệu chứng cho đến khi vi rút biến mất hoàn toàn trong cơ thể. Trong những trường hợp này, đôi khi gan có thể tự khắc phục các thiệt hại.
Đối với suy gan, mục tiêu của điều trị ban đầu có thể là giữ cho phần gan còn lại hoạt động bình thường. Nếu điều này không thể thực hiện, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật ghép gan.
Phòng ngừa suy gan
Cách tốt nhất để ngăn chặn suy gan là hạn chế nguy cơ phát triển bệnh xơ gan hoặc viêm gan. Dưới đây là một số lời khuyên để phòng ngừa xơ gan và viêm gan:
– Tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan A và B.
– Ăn uống lành mạnh, đa dạng các loại thực phẩm.
– Hạn chế uống rượu, bia.
– Thực hành vệ sinh đúng cách. Luôn rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra rửa tay sạch trước khi chạm tay vào thực phẩm.
– Không tiếp xúc, cầm máu hay các chế phẩm từ máu.
– Không dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu.
– Nếu có ý định xăm hình hoặc xỏ khuyên, cần thực hiện ở các cơ sở uy tín, đảm bảo chỉ sử dụng các thiết bị vô trùng.
– Quan hệ tình dục an toàn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh