✴️ Liệu có mối liên hệ giữa biện pháp ngừa thai và nhiễm nấm sinh dục

Nội dung

Nhiễm nấm sinh dục và biện pháp ngừa thai

Các phương pháp ngừa thai đều không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiễm nấm âm đạo. Thay vào đó, sự thay đổi môi trường ở âm đạo khi sử dụng các biện pháp ngừa thai dường như mới là tác nhân chính.

Ngừa thai bằng nội tiết

Các biện pháp ngừa thai có chứa nội tiết dù là dạng kết hợp giữa Estrogen và Progestin hay chỉ chứa đơn thuần Progestin đều làm thay đổi sự cân bằng nội tiết của cơ thể, và điều này tạo cơ hội cho vi nấm phát triển.

Người ta tin rằng Estrogen trong thuốc ngừa thai, miếng dán hoặc vòng đặt âm đạo có thể khiến âm đạo sản xuất nhiều đường hơn, chính lượng đường này góp phần làm cho vi nấm sinh sôi và phát triển mạnh hơn.

Ngừa thai dạng rào chắn

Hình thức ngừa thai dạng vật lí và rào chắn cũng có thể làm cho vi nấm phát triển quá mức.

Các dạng kem diệt tinh trùng có thể thay đổi sự cân bằng của hệ vi khuẩn vùng âm đạo, điều này làm vi nấm dễ dàng phát triển hơn. Thêm vào đó chính dạng kem này cũng tạo ra môi trường ẩm ướt để vi nấm phát triển nhanh hơn.

Màng ngăn, dụng cụ tử cung (IUD) và các thiết bị khác đặt vào trong âm đạo cũng có thể thúc đẩy khả năng sinh sôi và nhiễm trùng.

Những yếu tố nguy cơ khác

Cùng với các biện pháp ngừa thai, những yếu tố nguy cơ sau đây cũng làm vi nấm dễ dàng phát triển:

  • Sử dụng kháng sinh: kháng sinh thường sẽ tiêu diệt những vi khuẩn có hại cho cơ thể, tuy nhiên chúng cũng có thể làm tổn hại đến các vi khuẩn có lợi (chính là yếu tố kiểm soát vi nấm).
  • Đường huyết không kiểm soát (thường ở bệnh nhân đái tháo đường): vi nấm có xu hướng phát triển mạnh trong điều kiện nồng độ đường cao, vì vậy mà những bệnh nhân đái tháo đường không được điều trị hay kiểm soát đường kém là đối tượng nguy cơ cao.
  • Suy giảm miễn dịch: những ai có hệ miễn dịch suy yếu sẽ gặp khó khăn nếu như vi khuẩn hoặc vi nấm phát triển quá mức.
  • Thai kì: mang thai đi kèm với tăng nồng độ Estrogen (cũng tương tự với sử dụng ngừa thai có chứa Estrogen) làm cho nguy cơ nhiễm nấm tăng lên.
  • Hoạt động tình dục: mặc dù hoạt động tình dục không phải là nguyên nhân trực tiếp nhiễm nấm, tuy nhiên nó có thể làm lây nhiễm bệnh giữa các bạn tình.

Các triệu chứng

Hầu hết phụ nữ đều quen thuộc với các triệu chứng của nhiễm nấm sinh dục; theo các con số của Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Hoa Kì thì gần 75% phụ nữ có nhiễm nấm âm đạo ít nhất 1 lần trong đời. Các triệu chứng bao gồm:

  • Khó chịu và ngứa vùng âm đạo;
  • Ra huyết trắng âm đạo dạng đặc tương tự như váng sữa;
  • Nóng rát vùng âm hộ (xung quanh âm đạo);
  • Đau hay khô rát khi quan hệ tình dục;
  • Sưng hoặc đỏ vùng âm đạo, âm hộ.

Những triệu chứng này có thể khá tương tự với các nhiễm khuẩn âm đạo khác, chính vì thế bạn nên khám bác sĩ để xác định tình trạng bệnh, đặc biệt trong trường hợp bạn chưa từng nhiễm nấm âm đạo trước đây. Các bác sĩ có thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng cho bạn.

Điều trị

Gần như các trường hợp nhiễm nấm âm đạo đều rất dễ điều trị, kể cả không cần toa của bác sĩ. Thuốc hoặc kem kháng nấm đều có sẵn ở các nhà thuốc, điều quan trọng là bạn cần làm theo đúng hướng dẫn trên sản phẩm hoặc từ nhân viên y tế.

Clotrimazole và Miconazole là 2 hoạt chất rất hiệu quả nếu nhiễm nấm đơn giản.

Nếu bạn đang nhiễm nấm sinh dục, tốt hơn là nên hạn chế quan hệ tình dục.

Ngoài ra một số thuốc điều trị nấm có thể làm giảm hiệu quả của vài biện pháp ngừa thai, chẳng hạn như bao cao su và mũ chụp cổ tử cung.

Khi nào cần khám bác sĩ

Khi các thuốc bạn tự điều trị không hiệu quả hoặc nếu bạn cứ nhiễm nấm tái đi tái lại, bạn nên khám bác sĩ để được đánh giá.

Các bác sĩ trước hết sẽ xét nghiệm xem có phải vi nấm đang là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hay không.

Bác sĩ có thể kê toa thuốc uống chứa Fluconazole để tiêu diệt vi nấm. Đôi khi có thể cần phải sử dụng những loại thuốc mạnh hơn hoặc sử dụng kéo dài để điều trị.

Nếu vi nấm không phải là nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ cũng sẽ đưa ra các điều trị phù hợp tùy từng tình hướng.

Nếu bạn nhiễm nấm tái phát, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc một đợt kéo dài. Thông thường là một liều mỗi tuần dưới dạng uống hoặc bôi âm đạo.

Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng biện pháp ngừa thai bạn đang sử dụng góp phần làm vi nấm tái phát, có thể bạn sẽ được tư vấn lựa chọn một biện pháp ngừa thai khác. Các lựa chọn bao gồm dạng ngừa thai không nội tiết hoặc liều nội tiết thấp hơn.

Phòng ngừa

Cùng với thay đổi biện pháp ngừa thai phù hợp, một số biện pháp mà người phụ nữ có thể làm để giảm nguy cơ nhiễm nấm bao gồm:

  • Sử dụng đồ lót bằng Cotton;
  • Mặc quần hoặc váy rộng rãi, thoải mái;
  • Tránh sử dụng đồ lót quá chật;
  • Luôn giữ sạch sẽ và khô ráo vùng kín;
  • Thay quần áo sớm sau khi tập thể dục hoặc đi bơi;
  • Tránh tắm bồn nước nóng;
  • Giảm tiêu thụ đường;
  • Sử dụng xà phòng và nước giặt có nguồn gốc tự nhiên;
  • Tránh sử dụng quần lót thường xuyên nếu không cần thiết;
  • Vệ sinh vùng kín theo hướng từ trước ra sau (từ âm đạo về hướng hậu môn).

Nếu bạn nhiễm nấm tái đi tái lại, bạn nên chú ý đến những yếu tố làm bùng phát đợt nhiễm nấm, chẳng hạn như dùng kháng sinh hoặc xà phòng chứa hóa chất. Nếu như biết được yếu tố khởi phát, có thể sẽ giúp bạn phòng ngừa hiệu quả.

Tổng kết

Hầu hết phụ nữ đều sẽ nhiễm nấm âm đạo vào một thời điểm nào đó trong đời.

Một số dạng ngừa thai có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm cũng như làm vi nấm dễ tái phát.

Nếu bạn hoặc bác sĩ của bạn nghi ngờ rằng biện pháp ngừa thai đang sử dụng làm ảnh hưởng tới môi trường khỏe mạnh của âm đạo, bạn nên sử dụng biện pháp ngừa thai khác để giảm nguy cơ nhiễm nấm.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top