✴️ Nhận diện các triệu chứng của bệnh sởi – quai bị – rubella ở trẻ em

Sởi – quai bị – rubella là ba loại bệnh gây ra bởi siêu vi trùng và rất dễ lây lan. Trẻ có thể mắc bệnh khi tiếp xúc với dịch tiết bắn ra khi người bệnh ho, hắt hơi, nhảy mũi. Vì vậy, việc nhận biết các triệu chứng của sởi – quai bị – rubella sẽ giúp các bậc phụ huynh phát hiện và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

 

Bệnh sởi ở trẻ

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… Bệnh có thể gặp ở trẻ em và người lớn nhưng đa phần hay gặp ở trẻ em do hệ miễn dịch còn non kém. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng có các biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng…

Triệu chứng của bệnh sởi

Khoảng 10 – 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, trẻ sẽ có các biểu hiện sau:

– Sốt;

– Ho khan;

– Chảy nước mũi;

– Mắt đỏ;

– Không chịu được ánh sáng;

– Những nốt nhỏ có trung tâm màu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má. Những nốt này có tên là đốm Koplik;

– Các nốt sởi bắt đầu mọc ở sau tai, lan dần sang hai bên má, cổ, xuống ngực, sang hai cánh tay. Trong 24h kế tiếp, nốt sởi lan rộng ra lưng, hông, xuống chân dưới với tình trạng màu hồng nhạt, nhưng sau đó sẽ đỏ dần lên. Thậm chí các nốt sởi lan nhanh và bắt đầu gây ngứa cho người bệnh, nhiệt độ cơ thể tăng gây nóng, khó chịu.

Nhận diện nhanh các triệu chứng của bệnh sởi - quai bị - rubella ở trẻ em

Các nốt sởi bắt đầu mọc ở sau tai, lan dần sang hai bên má, cổ, xuống ngực, sang hai cánh tay

 

 Chăm sóc trẻ bị sởi

– Cách ly trẻ tránh nơi đông người;

– Để trẻ nằm trong phòng thoáng khí, đủ ánh sáng;

– Cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ;

– Vệ sinh răng miệng, thân thể cho trẻ, giữ ấm khi trời lạnh;

– Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý 9% hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3-4 lần/ngày;

– Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng;

Nhận diện nhanh các triệu chứng của bệnh sởi - quai bị - rubella ở trẻ em

Khi trẻ bị sởi, mẹ nên cho bé ăn các món lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, soup

 

– Cho trẻ uống đủ nước, ORS hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy cho trẻ bú nhiều hơn, chú ý bù đủ nước và điện giải;

– Chườm ấm khi trẻ sốt nhẹ, uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao;

– Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ;

– Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu: Trẻ mệt, li bì hoặc kích thích, bú kém, bỏ bú; sốt cao, ho nhiều, thở nhanh, khó thở, tiêu chảy; ban lặn hết mà trẻ còn sốt.

 

Bệnh quai bị

Triệu chứng của bệnh quai bị

– Sốt cao đột ngột;

– Chán ăn;

– Đau đầu;

– Sau khi sốt 1-3 ngày; tuyến nước bọt đau nhức, sưng to, có thể sưng ở một hoặc cả hai bên, khiến khuôn mặt bệnh nhân bị biến dạng, khó nhai, khó nuốt. Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh quai bị;

Nhận diện nhanh các triệu chứng của bệnh sởi - quai bị - rubella ở trẻ em

Tuyến nước bọt đau nhức, sưng to ở bệnh nhân mắc quai bị

 

– Buồn nôn, nôn;

– Đau cơ, nhức mỏi toàn thân;

– Mệt mỏi;

– Có thể sưng bìu và đau tinh hoàn;

– Biến chứng: Viêm tinh hoàn với xác suất 1/5 nếu bệnh xảy ra ở trẻ lớn và người lớn, tình trạng này có thể dẫn đến vô sinh về sau nhưng với một tỷ lệ rất nhỏ. Ngoài ra bệnh còn có thể gây viêm màng não, nhổi máu phổi, viêm tụy cấp tính, viêm cơ tim và gây chứng điếc vĩnh viễn.

Chăm sóc trẻ bị quai bị

Bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu vẫn là điều trị hỗ trợ, chăm sóc và phòng ngừa các biến chứng của bệnh:

– Khi có dấu hiệu đau vùng mang tai, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác, vì viêm tuyến nước bọt không nhất thiết do virus quai bị gây ra mà có thể do các virus hoặc vi khuẩn khác gây ra.

– Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau để giảm nhẹ các triệu chứng.

– Uống nhiều nước để bù nước và chất điện giải.

Trẻ mắc quai bị nên uống nhiều nước để bù nước

 

– Chườm mát để tuyến nước bọt bớt sưng, đau.

– Hạn chế các loại thực phẩm cứng, thức ăn nhiều gia vị, cay nóng hoặc có tính acid. Chọn thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt như cháo, súp.

– Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi nghi ngờ bội nhiễm và phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

– Người bệnh hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh để hạn chế nguy cơ lây lan, đặc biệt là đối tượng trẻ em.

 

Bệnh Rubella

Triệu chứng bệnh Rubella

Theo thống kê, có khoảng 90% trẻ sơ sinh mắc rubella bẩm sinh nếu như thai phụ bị rubella khi mang thai (đặc biệt là trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ), trẻ sinh ra sẽ có những triệu chứng rubella như sau:

– Sốt nhẹ, khoảng 38 độ C, kèm đau đầu, mệt mỏi, đau người, sau khi phát ban thì sốt bắt đầu giảm;

– Phát ban: Ban có màu hồng hoặc hơi đỏ, hình tròn hoặc hình bầu dục, kích thước 1-2mm bắt đầu nổi ở mặt sau đó lan xuống toàn thân, có thể kèm theo ngứa;

– Nổi hạch ở vùng chẩm, cổ, bẹn, ấn đau. Hạch xuất hiện trước khi phát ban, tồn tại vài ngày sau khi ban bay hết;

Nhận diện nhanh các triệu chứng của bệnh sởi - quai bị - rubella ở trẻ em

Ban ở rubella có màu hồng hoặc hơi đỏ, bắt đầu nổi ở mặt sau đó lan xuống toàn thân, có thể kèm theo ngứa

– Có thể xuất hiện đau khớp, viêm kết mạc;

Thông thường trẻ nhiễm rubella có triệu chứng nhẹ và tự khỏi, ít khi xảy ra biến chứng. Một số biến chứng của bệnh rubella có thể xảy ra như viêm khớp, viêm não, viêm tai… Ngoài ra, những trẻ sinh ra từ người mẹ mắc rubella còn có thể bị xuất huyết, lách to…

Chăm sóc trẻ sơ sinh bị rubella

Bệnh rubella không có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý.

– Nếu trẻ sốt nhẹ hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm ấm ở nách, bẹn và cổ. Trẻ đang bú mẹ thì cần cho trẻ bú nhiều hơn.

– Trẻ sốt trên 38,5 độ C hạ sốt bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

– Không kiêng gió và nước, trẻ có thể ra ngoài trời và tắm rửa sạch sẽ.

 

Phòng ngừa sởi – quai bị – rubella ở trẻ em

Sởi – quai bị – rubella đều là những căn bệnh dễ lây truyền qua nhưng có thể phòng ngừa được bằng tiêm phòng vắc-xin. Vắc-xin MMR kết hợp giúp phòng cả 3 bệnh sởi – quai bị – rubella cho cả người lớn và trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên.

Vắc-xin MMR là vắc-xin sống, giảm độc lực. Vắc-xin được điều chế từ virus sởi chủng Edmonston, virus quai bị chủng Jeryl Lynn và virus rubella chủng Wistar RA 27/3 sống, giảm độc lực.

Vắc-xin MMR kết hợp giúp phòng cả 3 bệnh sởi – quai bị – rubella cho cả người lớn và trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên

 

Về lịch tiêm và liều lượng của vắc-xin MMR như sau:

– Trẻ ≥ 12 tháng tuổi: Tiêm 2 liều 0.5 ml cách nhau 4 năm.

– Người lớn: Tiêm 1 liều 0.5ml duy nhất.

Khi có dịch sởi: Tiêm MMR cho trẻ từ 9 tháng tuổi hoặc tiêm vắc-xin sởi đơn MVVAC hay MMR từ 6-12 tháng tuổi, 6 tháng sau nhắc lại MMR (khoảng 15 tháng tuổi) và 4 năm sau (4-6 tuổi) mũi 2 nhắc lại mũi 3 (tổng 3 liều).

Khi tiếp xúc với người bị bệnh nên tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 72 giờ sau phơi nhiễm.

Vắc-xin MMR có thể được tiêm cùng với vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản Imojev, DTP, TT, DT, Td, BCG và vắc-xin Polio, Haemophilus influenzae tuýp B, vắc-xin phòng sốt vàng, vắc-xin phòng viêm gan B.

Vắc-xin MMR phòng sởi – quai bị – rubella là một trong số vắc-xin hiện có tại Trung tâm tiêm chủng Hồng Ngọc. Các loại vắc-xin tại trung tâm đều được bảo quản bởi hệ thống tủ làm lạnh hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài ra, trung tâm còn được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu; đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo về xử trí cấp cứu phản vệ nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn tối đa cho khách hàng tiêm chủng. Để được tư vấn và đăng ký tiêm phòng vắc-xin ngừa sởi – quai bị – rubella.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top