Tắc ruột bẩm sinh là một cấp cứu ngoại khoa hàng đầu ở trẻ, đặc biệt là ở độ tuổi sơ sinh. Tắc ruột bẩm sinh khiến dịch và thức ăn trong lòng ruột của trẻ bị tắc nghẽn lưu thông, khiến trẻ gặp các triệu chứng như: bụng trướng, ọc sữa, nôn ói dịch xanh vàng, bí đại tiện.
Tắc ruột sơ sinh là hội chứng cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có 3 nhóm nguyên nhân chính đó là:
Nguyên nhân gây tắc ruột có từ bên trong lòng ruột bao gồm các bệnh lý: teo ruột và tắc ruột phân su.
Nguyên nhân ngoại lai – nguyên nhân gây tắc ruột từ bên ngoài chèn vào
Tắc ruột do bất thường dây chằng hoặc dính bẩm sinh.
Viêm phúc mạc bào thai.
Nguyên nhân cơ năng
Bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh hay còn gọi là bệnh Hirschsprung.
Hội chứng nút nhầy phân su.
Ngoài ra cũng có thể xảy ra trường hợp bệnh nhân sơ sinh bị tắc ruột do nhiều nhiều nguyên nhân cộng lại Ví dụ: viêm phúc mạc bào thai kết hợp với teo ruột.
Hội chứng này thường xảy ra trong vòng 15 ngày sau sinh với những biểu hiện của trẻ như:
Nôn mửa: trẻ bị nôn ra mật từ trước hoặc ngay sau lần cho ăn đầu tiên, trong chất nôn thường có lẫn dịch mật vàng hoặc xanh, có khi nôn ra cả dịch ruột, giống như màu phân.
Ọc sữa: Trẻ thường bị ọc sữa dù không bú nhiều.
Chậm đào thải phân su: trẻ bị tắc ruột thường không xuất hiện phân su sau 6- 8 tiếng hoặc không có phân su đen như bình thường.
Bụng trướng hoặc xẹp: là dấu hiệu xuất hiện muộn, dấu hiệu này phụ thuộc vào vị trí tắc, nếu tắc cao thì thường bụng không trướng mà thường xẹp lại.
Để kết luận chính xác nguyên nhân gây bệnh là gì, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sơ sinh chụp Xquang bụng, siêu âm, thực hiện một số xét nghiệm: chụp thực quản-dạ dày-ruột có cản quang, Ion đồ, công thức máu, chức năng đông máu…
Tất cả các trường hợp tắc ruột bẩm sinh đều cần phải được chẩn đoán và điều trị tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa tiêu hóa uy tín, có đủ các điều kiện khám và điều trị.
Dựa vào các kết quả xét nghiệm và triệu chứng lâm sang, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị thích hợp cho trẻ: điều trị bảo tồn, hoặc phẫu thuật.
Điều trị bảo tồn: được áp dụng khi trẻ được chẩn đoán tắc ruột nhưng chưa có biến chứng
Truyền dịch bù lại nước, điện giải cho trẻ thông qua một đường truyền tĩnh mạch.
Đặt một ống thông qua mũi vào dạ dày giúp giải nén ruột.
Trường hợp trẻ bị teo ruột non: các bác sĩ sẽ khâu nối ruột, đặt ống thông hỗng tràng nuôi ăn, trẻ có thể được làm hậu môn tạm.
Trường hợp trẻ bị xoắn ruột: ruột còn hồng sẽ được tháo xoắn, ruột xoắn lâu bị hoại tử sẽ được cắt bỏ, khâu nối ruột hoặc làm hậu môn tạm nếu tình trạng ổ bụng xấu.
Các trường hợp khác như Hirschprung, tắc ruột phân su: trẻ được làm hậu môn tạm, sinh thiết ruột làm giải phẫu bệnh lý.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh