✴️ Tắc ruột ở trẻ: Bệnh nguy hiểm, chớ chủ quan

Nội dung

1. Tắc ruột ở trẻ là bệnh gì? Bao gồm mấy loại?

1.1. Tắc ruột ở trẻ là gì?

Tắc ruột là hiện tượng các chất có trong lòng ruột (ruột non và đại tràng) bị tắc nghẽn. Các chất ứ đọng lâu ngày có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở và dẫn tới biến chứng nguy hiểm như hoại tử ruột, thậm chí đe dọa tính mạng trẻ nhỏ.

Bệnh tắc ruột xảy ra ở mọi lứa tuổi. Với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi nguyên nhân chủ yếu là do lồng ruột, do thức ăn, giun sán,…. nếu chậm trễ điều trị có thể gây mất nước, nôn, trụy mạch, hạ huyết áp…

Tắc ruột ở trẻ thường khó phát hiện do có những biểu hiện giống với bệnh táo bón, rối loạn tiêu hóa.

Tắc ruột ở trẻ thường khó phát hiện do có những biểu hiện giống với bệnh táo bón, rối loạn tiêu hóa

 

1.2. Bệnh tắc ruột ở trẻ bao gồm mấy loại?

Tắc ruột thông thường được chia làm 2 loại: Tắc ruột cơ học và tắc ruột cơ năng.

– Tắc ruột cơ học: Ruột bị thắt lại hoặc xoắn lại như dây chằng gây tắc nghẽn. Nguyên nhân chủ yếu do giun, bã thức ăn, khối u, sỏi mật, nút phân su…

– Tắc ruột cơ năng: Gặp trong các trường hợp dãy sợi mô trong bụng bị dính sau phẫu thuật, viêm ruột, viêm túi thừa, ung thư đại tràng, thoái vị…

có nhiều nguyên nhân gây tắc ruột ở trẻ

Ở trẻ nhỏ, nguyên nhân chính gây tắc ruột là lồng ruột và thức ăn

 

2. Nguyên nhân

Ở trẻ nhỏ, nguyên nhân chính gây tắc ruột là lồng ruột và bã thức ăn. Lý do là bởi ruột trẻ thẳng và dài như chiếc ống, có một phần trong lồng ruột trượt vào bên trong đoạn ruột ở gần.

Một số nguyên nhân khác gây ra chứng bệnh này bao gồm:

– Khối u, khối Polyp.

– Viêm ruột, viêm túi thừa.

– Thoát vị.

– Xoắn đại tràng.

– Trẻ có tiền sử lồng ruột dễ tái phát bệnh.

 

3. Dấu hiệu trẻ tắc ruột thường hay bị nhầm với bệnh khác

Cha mẹ nên chú ý quan sát trẻ nhỏ, nếu con có 4 dấu hiệu sau đây cần cảnh giác với bệnh tắc ruột nguy hiểm.

– Đau bụng: Cơn đau thường xảy ra ở vùng bụng trên rốn, vùng chậu, bên phải hoặc bên trái bụng. Cơn đau có thể xảy ra đột ngột, dữ dội kéo dài vài phút rồi giảm dần và lặp lại. Tần suất các cơn đau tăng dần.

– Nôn ói: Trẻ có thể bị nôn cùng với các cơn đau. Lúc đầu trẻ nôn ra thức ăn, sau đó là dịch mật, dịch tiêu hóa. Nôn thường là do tăng nhu động và phản nhu động. Nếu trẻ nôn sớm và nhiều là biểu hiện tắc ruột ở cao. Nếu trẻ nôn ra phân, kèm chướng bụng là tắc ruột ở thấp hoặc tắc ruột đã để quá muộn. Nôn ói khiến trẻ mệt mỏi, mất nước, kém vận động.

– Chướng bụng: Được phát hiện qua thăm khám lâm sàng như nghe, sờ, nắn, nhìn…

– Táo bón: Táo bón là một triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán tắc ruột nhưng lại khó xác định. Táo bón là do ngưng trệ lưu thông các chất trong lòng ruột. Vì thường bị nhầm lẫn với táo bón thông thường nên dấu hiệu này rất dễ bị cha mẹ chủ quan bỏ qua.

Không phải tất cả trẻ em khi bệnh tắc ruột đều có 4 dấu hiệu trên. Ngược lại, có một số trẻ bị tắc ruột nhưng không có biểu hiện cụ thể hoặc có thêm nhiều triệu chứng khác như: tiêu chảy, đi ngoài ra máu, trẻ li bì, sốt…. Phụ huynh cần quan sát, theo dõi trẻ cẩn thận. Khi thấy con có các dấu hiệu bất thường gây khó chịu kéo dài thì nên đưa trẻ đi khám.

đau bụng lồng ruột có thể là dấu hiệu tắc ruột ở trẻ

Đau bụng, nôn ói liên tục là những dấu hiệu điển hình ở bệnh tắc ruột

 

4. Tắc ruột ở trẻ có nguy hiểm không?

Bệnh tiến triển nhanh và khá nguy hiểm nếu không được phát hiện điều trị kịp thời. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu bệnh thường khó nhận biết do có những biểu hiện giống với bệnh táo bón, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn thông thường. Việc chẩn đoán bệnh cũng gặp khó khăn do siêu âm bụng không thấy được bã thức ăn.

Mức độ và hậu quả của bệnh nhỏ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

– Vị trí tắc ruột: ở ruột non hay đại tràng, ở ruột cao hay ruột thấp.

– Mức độ tắc ruột: tắc hoàn toàn hay tắc một phần.

– Loại tắc ruột cơ năng hay cơ học.

– Cơ chế tắc ruột do bít tắc hay thắt ruột.

Tắc ruột khiến cho đoạn ruột trên phần bị tắc tổn thương, căng trướng, áp lực lòng ruột tăng lên gây ứ trệ tĩnh mạch, giảm tưới máu mao mạch dẫn tới niêm mạc ruột tổn thương, xung huyết, phù nề, giảm hấp thụ chất dinh dưỡng.

Hiện tượng trẻ nôn ói để giảm ứ dịch trên chỗ tắc có thể gây ra tình trạng mất nước, rối loạn chất điện giải, có thể gây suy thận cơ năng nguy hiểm.

Nếu trẻ bị tắc ruột do thức ăn ứ đọng không xử trí kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng như ăn kém, trẻ bỏ ăn, sụt cân, lâu ngày sẽ gây viêm ruột, thậm chí thủng ruột.

trẻ ăn rau

Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, lành mạnh, phù hợp với trẻ có thể giúp phòng tránh bệnh tắc ruột.

 

5. Phòng tránh như thế nào?

Bệnh tắc ruột  có thể phòng tránh cho trẻ nếu như cha mẹ có hiểu biết đúng về căn bệnh, thực hiện chế độ ăn uống hợp vệ sinh, phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Một số phương pháp phòng tránh trẻ bị lồng ruột dưới đây có thể giúp ngăn ngừa trẻ mắc bệnh.

– Thức ăn nên nấu chín, ninh nhừ cho trẻ.

– Nên cho trẻ ăn nhiều chất xơ, các loại rau có độ nhớt cao như rau lang, mồng tơi, rau đay…chống táo bón rất hiệu quả.

– Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày của trẻ, không nên ép trẻ ăn quá nhiều.

– Tránh các loại đồ ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ, chất béo.

– Rèn luyện cho trẻ nhai kỹ, nhai chậm khi ăn.

– Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày.

– Hạn chế cho trẻ ăn các loại quả nhiều nhựa như hồng xiêm, quả sung, quả hồng,… nhất là lúc trẻ đói.

– Khám sức khỏe định kỳ cho bé.

Nếu nhận thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như đau bụng, nôn mửa liên tục, mệt lả, ít vận động, đại tiện ra máu…cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện nhanh chóng nhằm phát biện bệnh và ngăn ngừa các biến chứng khó lường. Các bác sĩ chuyên môn sẽ kiêm tra lâm sàng, tiến hành chụp X Quang, chụp CT, siêu âm.. để chẩn đoán bệnh tắc ruột ở trẻ.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top