Bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ em

Cột sống của người bình thường có độ uốn cong tự nhiên để phân phối đều sức nặng của cơ thể. Tuy nhiên trong tật cong vẹo cột sống, cột sống bị cong sang hai bên so với trục sinh lý của cơ thể và các thân đốt sống bị vẹo theo trục của mặt phẳng ngang, khác với tình trạng gù hoặc ưỡn là biến dạng của cột sống theo trục trước sau.

Theo ước tính, cứ 25 trẻ em gái vị thành niên thì có 1 trẻ bị vẹo cột sống và tỷ lệ ở trẻ em trai vị thành niên là 1/200. Hình ảnh chụp X quang của những trẻ bị cong vẹo cột sống cho thấy, cột sống hình thành hình chữ S khá rõ ràng. Một đứa trẻ sẽ được chẩn đoán là vẹo cột sống nếu độ cong của cột sống lớn hơn 10 độ.

Cong vẹo cột sống có thể là biến chứng của bệnh bại liệt, teo cơ và các rối loạn thần kinh trung ương khác, tuy nhiên theo ước tính có 4 trên 5 trường hợp bị cong vẹo cột sống ở trẻ em gái là không rõ căn nguyên. Thông thường thì trẻ bị cong vẹo cột sống cũng sẽ có một thành viên trong gia đình khác gặp phải tình trạng này.

Các triệu chứng của cong vẹo cột sống bao gồm:

  • Tình trạng cong vẹo rõ ràng của phần trên cơ thể
  • Vai không đều nhau, thường đẩy lên cao ở một bên
  • Ngực lõm
  • Có xu hướng nghiêng người sang một bên
  • Đau lưng (hiếm gặp hơn)

Tình trạng cong vẹo cột sống có thể diễn tiến từ vài tháng đến vài năm, do vậy bệnh này thường chỉ được phát hiện khi trẻ được kiểm tra sức khỏe tổng quát bao gồm cả khám phần lưng. Bệnh thường tiến triển nhanh hơn hẳn trong thời kỳ dậy thì, là giai đoạn cơ thể trẻ có phát triển vượt trội về chiều cao, với tỷ lệ là cứ 7 trẻ thì có 1 trẻ bị cong vẹo cột sống nghiêm trọng và cần phải điều trị.

Chẩn đoán

  • Qua kiểm tra thân thể và hỏi tiền sử bệnh
  • Chụp X quang xương

 

Điều trị

Chỉnh hình đôi – nẹp

Hầu hết trẻ bị cong vẹo cột sống sẽ không tiến triển nặng tới mức cần điều trị. Những trẻ này sẽ được các bác sỹ lên lịch kiểm tra cột sống mỗi 6 tháng một lần từ năm 15 tuổi cho tới 20 tuổi.

Khi khám thấy trẻ có độ cong vẹo trên 25 độ sẽ yêu cầu phải chỉnh hình đôi – nẹp. Có hai dạng chỉnh hình đôi – nẹp cho lưng:

  • Phương pháp Milwaukee: sử dụng một chiếc nẹp cổ cứng để nắn chỉnh lại độ cong bình thường của cột sống ở bất cứ vị trí nào.
  • Phương pháp sử dụng khung cố định cột sống ngực thắt lưng cùng: để điều chỉnh các dị tật liên quan đến các đốt sống vùng ngực và phần dưới. Thiết bị được đặt dưới cánh tay vào bao quanh phần xương sườn, hông và lưng dưới.

Các bệnh nhân sẽ được yêu cầu sử dụng những thiết bị nẹp cố định này ít nhất vài tiếng một ngày cho tới khi xương cột sống ngừng phát triển, tức là vào khoảng 17 – 18 tuổi đối với nữ và 18 – 19 tuổi đối với nam. Phần nẹp cố định này thường không bị lộ ra ngoài và có thể che phủ bằng quần áo, do vậy không quá ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Việc đeo nẹp chỉ ảnh hưởng đôi chút đến các hoạt động hàng ngày, do vậy nên hạn chế chơi các môn thể thao tương tác trong thời gian điều trị.

Phẫu thuật

Thủ thuật nối đốt sống từ phía sau là một phẫu thuật chỉnh hình cột sống thường được khuyến cáo khi độ cong cột sống vượt quá 50 độ. Trong quá trình phẫu thuật, các đốt sống bị ảnh hưởng sẽ được nối lại sử dụng những dây kim loại và đinh vít để cố định  cột sống cho tới khi nó liền lại hoàn toàn. Thông thường thì sẽ mất khoảng 12 tháng.

Mặc dù những trẻ phải phẫu thuật sẽ gặp một số khó khăn trong hoạt động thể chất nhưng bù lại, sẽ không cần phải mang nẹp trên người.

 

Giúp trẻ lấy lại sự tự tin

Chỉ khoảng 50% trẻ bị cong vẹo cột sống cần điều trị phải sử dụng nẹp để định hình cột sống. Đây là một công việc không dễ chịu, do vậy trẻ thường gặp những mặc cảm về bản thân, ngại sự cười đùa, chê trách của bạn bè và những người xung quanh. Do vậy, cha mẹ cần có cách thích hợp để trợ giúp trẻ vượt qua những ráo cản, khó khăn tâm lý này.

Hãy giúp trẻ hiểu rằng, trong thời gian điều trị, việc mang một cái nẹp lưng có thể tạm thời ảnh hưởng đến hình ảnh của bản thân trẻ, một điều gì đó trông khác người và không mấy dễ chịu. Tuy nhiên, việc điều trị là cần thiết để khỏi hẳn căn bệnh này. Hãy trao đổi cặn kẽ, chi tiết với trẻ về tầm quan trọng của việc tuân thủ các hướng dẫn của bác sỹ. Hãy giúp trẻ hiểu được tác động to lớn của căn bệnh này đối với sự phát triển của cơ thể trẻ và hậu quả trong tương lai. Giúp trẻ thấy được việc điều trị có thể giúp trẻ lâu dài sau này về sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm trong việc tư vấn trẻ em mắc phải một số căn bệnh mãn tính. Sự hỗ trợ của gia đình và các chuyên gia chính là chìa khóa giúp trẻ vượt qua được sự thiếu tự tin về bản thân và tích cực hợp tác trong quá trình điều trị để có thể có được một cơ thể bình thường như bao bạn bè. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top