Viêm tai giữa là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong độ tuổi dưới 5 tuổi, do đặc điểm giải phẫu và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Tình trạng này có thể diễn biến cấp tính hoặc mạn tính và trong một số trường hợp có thể dẫn đến biến chứng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Bài viết sau đây cung cấp thông tin về phân loại, triệu chứng, nguyên nhân, tiên lượng và các biện pháp dự phòng viêm tai giữa ở trẻ nhỏ.
Viêm tai giữa là tình trạng viêm do vi khuẩn hoặc virus, xảy ra khi dịch tiết tích tụ phía sau màng nhĩ. Dựa trên diễn tiến lâm sàng và đặc điểm dịch viêm, viêm tai giữa được chia thành ba thể lâm sàng chính:
Viêm tai giữa cấp tính: là thể phổ biến nhất. Tai giữa bị viêm, sung huyết và có dịch mủ tích tụ phía sau màng nhĩ. Trẻ thường có sốt và đau tai cấp tính.
Viêm tai giữa có tràn dịch (otitis media with effusion): xảy ra sau giai đoạn cấp, khi nhiễm trùng đã hết nhưng dịch vẫn tồn đọng trong hòm nhĩ.
Viêm tai giữa mạn tính có tràn dịch: khi dịch tồn tại kéo dài trong hòm nhĩ (>3 tháng) hoặc tái phát nhiều lần mà không kèm triệu chứng viêm cấp.
Mặc dù đa số trường hợp viêm tai có thể tự giới hạn hoặc đáp ứng điều trị nội khoa, một số tình huống có thể tiến triển thành biến chứng nặng, bao gồm:
Giảm hoặc mất thính lực dẫn đến chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ
Xuất hiện cholesteatoma (u biểu mô lành tính trong tai giữa)
Viêm xương chũm, tổn thương chuỗi xương con
Liệt dây thần kinh mặt
Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu các triệu chứng kéo dài hoặc tiến triển xấu.
Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa nếu xuất hiện các dấu hiệu sau:
Khóc nhiều, kích thích, khó dỗ
Đang dùng kháng sinh nhưng vẫn sốt >48 giờ
Đau tai tăng dần hoặc không thuyên giảm sau 3 ngày
Có dịch mủ chảy tai tiếp tục sau 72 giờ điều trị
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa có khả năng mô tả cảm giác đau nên các biểu hiện viêm tai có thể không đặc hiệu. Một số dấu hiệu gợi ý bao gồm:
Quấy khóc, khó ngủ, bỏ bú
Sốt
Kéo tai hoặc chà sát tai
Dịch chảy ra từ ống tai ngoài
Có biểu hiện giảm phản ứng với âm thanh xung quanh
Viêm tai giữa chủ yếu xảy ra sau nhiễm trùng đường hô hấp trên, khi vi khuẩn hoặc virus lan truyền qua vòi nhĩ từ vòm mũi họng vào tai giữa. Các vi khuẩn thường gặp bao gồm Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae và Moraxella catarrhalis. Virus như RSV, rhinovirus, và adenovirus cũng là các tác nhân phổ biến.
Chẩn đoán viêm tai giữa dựa trên:
Khám lâm sàng: quan sát màng nhĩ qua đèn soi tai. Màng nhĩ có thể xung huyết, phồng, di động kém hoặc có dịch mủ phía sau.
Đo áp lực tai (tympanometry): giúp đánh giá tình trạng dịch trong tai giữa và mức độ thông khí qua vòi nhĩ.
Các biện pháp hiệu quả trong dự phòng viêm tai giữa bao gồm:
Tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là vắc xin cúm và phế cầu
Duy trì vệ sinh tay cá nhân và môi trường sống
Tránh khói thuốc lá và ô nhiễm không khí
Nuôi con bằng sữa mẹ tối thiểu 6 tháng đầu đời
Không cho trẻ bú bình khi đang nằm ngửa
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh hô hấp cấp
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng tần suất và mức độ viêm tai ở trẻ gồm:
Tuổi <5
Dị dạng vùng sọ mặt như hở hàm ếch, hội chứng Down
Không được bú mẹ
Trẻ đi nhà trẻ sớm
Dị ứng hoặc viêm mũi xoang mạn tính
Thường xuyên sử dụng núm vú giả
Tiếp xúc với khói thuốc lá
Viêm tai giữa có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng. Trong một số trường hợp nhẹ, có thể chỉ cần theo dõi trong 48–72 giờ trước khi quyết định sử dụng kháng sinh. Khi dùng kháng sinh, thời gian điều trị trung bình từ 5 đến 10 ngày tùy theo độ tuổi và mức độ nghiêm trọng.
Trẻ cần được tái khám sau điều trị để đánh giá sự lưu thông của tai giữa, đặc biệt nếu trước đó có tràn dịch hoặc chậm phát triển ngôn ngữ. Trường hợp viêm tai tái phát nhiều lần hoặc dịch kéo dài, có thể cần đặt ống thông khí màng nhĩ.
Ti giả có làm tăng nguy cơ viêm tai không?
Có. Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng ti giả thường xuyên có thể làm tăng gấp 2–3 lần nguy cơ viêm tai giữa, có thể do ảnh hưởng đến chức năng vòi nhĩ và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vùng hầu họng.
Cho trẻ bú nằm có làm tăng nguy cơ viêm tai không?
Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ này, đặc biệt là ở trẻ bú mẹ, tuy nhiên nên cho trẻ bú ở tư thế đầu cao để hạn chế nguy cơ sặc hoặc trào ngược.
Nước tắm hoặc nước hồ bơi có gây viêm tai không?
Viêm tai giữa không xảy ra do nước từ bên ngoài vào tai giữa. Tuy nhiên, nước đọng trong ống tai ngoài có thể gây viêm tai ngoài (viêm tai vận động viên bơi lội). Vệ sinh và làm khô tai sau khi tắm hoặc bơi là biện pháp dự phòng cần thiết.