Khi nói đến bệnh lý về tiêu hóa, thường mọi người chỉ tập trung vào tiêu chảy, nhưng trên thực tế, táo bón ở trẻ xảy ra phổ biến và hay bị bỏ qua vì nghĩ bệnh không ảnh hưởng nhiều lắm tới sức khỏe. Tuy nhiên, táo bón có thể gây ra những hậu quả khó lường, mà điển hình là trẻ biếng ăn, chậm tăng cân và thậm chí suy dinh dưỡng.
Nhận biết dấu hiệu trẻ bị táo bón
Cha mẹ có thể dễ dàng nhận biết trẻ bị táo bón thông qua các dấu hiệu khác nhau. Tuy nhiên cần nắm rõ các dấu hiệu đặc trưng cho tình trạng táo bón ở trẻ để tránh nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
– Trẻ đang bú bình nhưng trong khoảng 3 ngày không đi vệ sinh, trẻ bú mẹ trong khoảng 1 tuần không đi vệ sinh hoặc nghe trẻ rên nhẹ và mặt ửng đỏ khi đi ngoài.
– Phân trẻ táo bón bị khô cứng, vón cục và kích thước phân lớn hơn bình thường.
– Trẻ tỏ vẻ sợ sệt, khó chịu, quấy khóc khi được bố mẹ cho đi đại tiện.
Theo khái niệm về táo bón dựa vào tiêu chuẩn ROM III, trẻ bị táo tón phải có ít nhất 2 trong số các biểu hiện dưới đây đã xảy ra trong khoảng thời gian tối thiểu 12 tuần:
– Trẻ đi đại tiện dưới 3 lần trong tuần.
– Khi đi đại tiện, trẻ có ít nhất 1 trong các dấu hiệu: căng thẳng; phân khô, cứng, sần; cảm giác chưa đi hết phân ra ngoài; cảm nhận sự tắc nghẽn ở hậu môn và trực tràng; dùng sức để rặn khi đi ngoài.
Táo bón ở trẻ được phân loại thành:
– Trẻ bị táo bón chức năng: nguyên nhân bởi chế độ ăn uống thiếu chất và chế độ sinh hoạt không lành mạnh.
– Trẻ bị táo bón bệnh lý: bên cạnh các triệu chứng bệnh táo bón còn kèm theo xuất hiện những triệu chứng các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, vấn đề về tuyến giáp hoặc những vấn đề quanh hậu môn… Dù tỷ lệ ảnh hưởng của những nguyên nhân chỉ ở mức độ nhỏ nhưng bố mẹ cũng không nên chủ quan để bỏ qua thời điểm phát hiện và điều trị kịp thời cho trẻ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe tổng thể của trẻ.
Nguyên nhân táo bón ở trẻ là gì?
Nguyên nhân táo bón ở trẻ do nhiều yếu tố gây ra và được chia thành 2 nhóm nguyên nhân chính là nguyên nhân thực thể và nguyên nhân chức năng.
Nguyên nhân thực thể gây táo bón ở trẻ
Các vấn đề về cường giáp, bệnh thần kinh cơ ổ bụng, ở ruột… đều nằm trong nhóm nguyên nhân thực thể.
– Bệnh cường giáp ở trẻ ảnh hưởng tới hoạt động cơ ruột, giảm chức năng hoạt động kèm theo các triệu chứng khác.
– Trẻ bị bệnh phì đại tràng bẩm sinh sẽ có cần nặng nhẹ hơn so với trẻ bình thường và có thể bị ói mửa, đi đại tiện ra phân có kích thước nhỏ. Mổ là giải pháp cần thiết để điều trị bệnh phì đại tràng bẩm sinh ở trẻ để tránh biến chứng phình đại tràng nhiễm độc, sốc nhiễm trùng dẫn tới thủng ruột.
– Bệnh đái tháo đường ở trẻ em cũng có thể gây táo bón.
Nguyên nhân chức năng dẫn đến trẻ bị táo bón
Nguyên nhân chức năng phổ biến nhất gây táo bón ở trẻ em là việc trẻ nhịn không chịu đi đại tiện. Nếu trẻ cố nhịn trong thời gian càng dài thì phân ở trong ruột càng lâu và kích thước to hơn làm cho việc đi ngoài của trẻ gặp khó khăn và hậu quả trẻ bị táo bón mạn tính.
Việc phải ăn thức ăn đặc một cách đột ngột, nhất là trẻ sơ sinh cũng sẽ dẫn tới tình trạng táo bón ở trẻ. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở thời điểm trẻ cai sữa mẹ vì khi cai sữa khiến trẻ bị mất nguồn cung cấp nước.
Nguyên nhân khác gây táo bón cho trẻ còn bởi các thành phần protein khác nhau trong sữa công thức. Trẻ sơ sinh bị táo bón do dùng sữa công thức với lượng nhiều thường có phân xanh và cứng.
Những trẻ bị thiếu nước và mất nước sẽ gặp tình trạng cơ thể hấp thụ chất lỏng từ bất cứ đâu trong cơ thể, có cả phân nên khiến phân trở nên rắn và khô, trẻ bị táo bón.
Táo bón còn do chế độ ăn thiếu chất xơ của trẻ, những loại rau củ quả chứa nhiều chất xơ sẽ làm tăng thể tích cho phân, giúp phân mềm, dễ thải ra ngoài hơn.
Hậu quả của táo bón là gì?
Táo bón có thể gây tác hại “tại chỗ” là làm bé đau do nứt hậu môn, nặng hơn thì làm bé bị chảy máu khi đi tiêu.
Bé nín làm phân càng ở lâu trong cơ thể, càng lớn và khô cứng hơn, khiến bé phải gắng sức hơn trong những lần sau lại dễ làm rách hậu môn gây đau và chảy máu. Bé lại nín nhiều hơn.
Cứ thế, tác hại của vòng luẩn quẩn này ngày càng càng lớn và cuối cùng khối phân đóng cứng trong trực tràng lớn dần lên, bé không thể giữ được nữa nên làm són phân ra quần (trong dân gian thường gọi là ị đùn).
Điều này khiến bé thực sự xấu hổ và sợ hãi nên sẽ thu mình lại, không tham gia các hoạt động trường lớp như các bạn cùng lứa. Ngoài ra phân ứ đọng lâu ngày còn có tác hại làm bé biếng ăn, chậm tăng cân, thậm chí suy dinh dưỡng.
Trẻ dễ bị táo bón vào lúc nào?
Táo bón đặc biệt thường xảy ra vào 3 thời điểm: trẻ bắt đầu ăn dặm, trong suốt thời gian tập ngồi bô/bàn cầu, sau khi bắt đầu đi học. Biết được những thời điểm nguy cơ này, phụ huynh sẽ dễ dàng hơn trong việc giúp bé phòng ngừa táo bón.
Giai đoạn khi trẻ bắt đầu ăn dặm
Thời điểm trẻ bắt đầu chuyển dần từ sữa mẹ sang tập ăn thức ăn đặc được gọi là giai đoạn ăn dặm. Thông thường khi trẻ đủ 6 tháng tuổi sẽ bắt đầu bước vào việc ăn dặm vì sữa mẹ không còn đủ dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của trẻ, trẻ cần kết hợp giữa bú mẹ, uống sữa công thức và ăn thực phẩm khác.
Sữa công thức khó tiêu hơn sữa mẹ, chế độ ăn dặm có nhiều thức ăn đặc, giàu chất béo, thiếu chất xơ, trẻ không được bổ sung nhiều nước trong giai đoạn này là nguyên nhân dẫn tới tình trạng táo bón ở trẻ.
Trẻ bị táo bón khi bắt đầu tập ngồi bô hoặc ngồi bồn cầu
Thói quen đi đại tiện của trẻ bị thay đổi khi mẹ cho trẻ tập ngồi bô hoặc ngồi bồn cầu cũng khiến trẻ bị táo bón. Có những trẻ sẽ nhịn đi ngoài vì không muốn hoặc không quen ngồi bô khiến phân không được đẩy ra ngoài, dần tích tụ lại và trở nên cứng khô gây táo bón.
Trẻ bị táo bón càng sợ đi ngoài hơn nên tình trạng táo bón kéo dài lâu hơn, nếu không khắc phục sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ.
Giai đoạn trẻ bắt đầu đi học
Thời điểm trẻ bắt đầu đi học, thay đổi từ môi trường học tập và chỗ đi vệ sinh (nhà vệ sinh không sạch sẽ hoặc có nhiều bạn bè xung quanh) nên không tránh khỏi việc trẻ ngại ngùng, cố nhịn đại tiện ở trường để về nhà mới đi. Thói quen xấu này dẫn tới táo bón nặng nề hơn.
Khắc phục tình trạng táo bón ở trẻ em
Cho trẻ uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ mỗi bữa ăn hằng ngày là hai điều quan trọng nhất để khắc phục tình trạng táo bón ở trẻ em.
Nước sẽ kích thích nhu động ruột hoạt động mạnh mẽ hơn, giúp tiêu hóa và bài tiết thức ăn ra ngoài dễ dàng. Mẹ đặc biệt lưu ý khi nấu đồ ăn dặm cho trẻ, nên chọn món ăn lỏng, mềm và dễ tiêu hóa nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.
Thêm nữa, tập cho trẻ thói quen đi ngoài đúng giờ cũng không kém phần quan trọng. Đi ngoài đúng giờ sẽ phòng ngừa táo bón không chỉ ở trẻ em mà còn ở người lớn. Hãy tập cho trẻ ngồi bô hoặc nhắc nhở trẻ đi ngoài vào đúng 1 khung giờ mỗi ngày khoảng 10 – 15 phút ngay cả khi trẻ chưa muốn.
Chỉ sau vài tuần thực hiện đi ngoài đúng khung giờ nhất định, cơ thể của trẻ sẽ hình thành thói quen đi ngoài theo phản xạ.
Mẹ có thể thực hiện thêm các cách sau ngoài 3 điều trên để giúp trẻ bị táo bón đi ngoài dễ hơn:
– Cho trẻ co duỗi gối và tập động tác đạp xe khi nằm để thúc đẩy hoạt động ruột, có lợi cho quá trình tiêu hóa và dễ đi đại tiện hơn.
– Tắm nước ấm cho trẻ mỗi ngày để trẻ được thư giãn, thả lỏng cơ thể để phân di chuyển ra ngoài dễ dàng.
Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu tình trạng táo bón ở trẻ:
– Kéo dài hơn 2 tuần.
– Chướng bụng và táo bón ở trẻ sơ sinh.
– Trẻ bị táo bón có kèm theo sốt, đi ngoài lần máu, chướng bụng, sụt cân, nôn ói…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh