Nguyên nhân tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ
Khi thời tiết chuyển mùa cũng là lúc trẻ em dễ mắc bệnh nhất, là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng gây bệnh phát triển. Trong đó, tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp nhất và dễ có nguy cơ phát triển thành dịch.
Tại Việt Nam, tác nhân gây tiêu chảy cấp nhập viện thường gặp nhất là Rotavirus. Theo một khảo sát tại BV. Nhi đồng 1, Rotavirus là nguyên nhân của 67,4% số trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp.
Hầu hết, trẻ em đều bị nhiễm Rotavirus ít nhất một lần trước 5 tuổi. Hằng năm, tiêu chảy cấp do Rotavirus tước đi sinh mạng hơn 600.000 trẻ em trên toàn thế giới và tỷ lệ trẻ tử vong vì bệnh này rất cao ở các nước đang phát triển. Rotavirus tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ làm trẻ bị tiêu chảy, nôn ói và dẫn đến mất nước nhanh chóng và có thể tử vong nếu không được bù nước kịp thời.
Siêu vi-rút này có thể tồn tại rất lâu trong môi trường và đề kháng với các chất tẩy rửa thông thường như cồn, nước Javel nên có khả năng lây nhiễm rất cao. Rotavirus lây truyền chủ yếu qua con đường phân, miệng và tay. Chúng được thải ra ngoài theo phân của bệnh nhi và tồn tại nhiều ngày trên bề mặt các đồ vật xung quanh trẻ như bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, các vật dụng trong nhà.
Trẻ càng nhỏ, bệnh càng nặng. Các bé từ 3 – 24 tháng tuổi là đối tượng bị Rotavirus tấn công mạnh nhất. Nguy cơ nhiễm bệnh của các trẻ nhỏ là rất cao vì các bé có xu hướng hay ngậm tay mà vẫn còn chưa biết rửa tay.
Các triệu chứng tiêu chảy cấp
Trong trường hợp điển hình, khi bị nhiễm Rotavirus trẻ nhỏ bị sốt, quấy khóc sau đó nôn ói dữ dội và tiêu chảy. Nôn ói và tiêu chảy có thể đến 20 lần một ngày, phân thường nhiều nước, có thể có đàm không có máu.
Vì trẻ vừa nôn ói vừa tiêu chảy nhiều lần trong ngày nên cơ thể trẻ dễ bị mất nước và phải nhập viện để điều trị. Thời gian bệnh thường kéo dài từ 3 – 9 ngày nhưng để hồi phục hẳn có khi phải mất đến ba tuần. Nếu không được điều trị bù nước kịp thời và thích hợp trẻ sẽ mất nước nặng, toan máu thậm chí tử vong. Sau đợt bệnh, trẻ dễ có nguy cơ suy dinh dưỡng dù đã được nâng đỡ dinh dưỡng thích hợp.
Điều trị và phòng ngừa tiêu chảy cấp
Kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước, bù nước bằng đường uống và chế độ dinh dưỡng thích hợp. Do trẻ vừa bị tiêu chảy vừa nôn ói nhiều lần trong ngày nên bù dịch bằng đường uống thường gặp khó khăn. Trong những trường hợp này, trẻ phải nhập viện để truyền dịch bằng tĩnh mạch
Tiêu chảy do Rotavirus là căn bệnh có tính lây nhiễm rất cao và không thể phòng ngừa được bằng các biện pháp thông thường như rửa tay đúng cách, cung cấp nước sạch hay cải thiện vệ sinh môi trường.
Điều đáng mừng là hiện đã có vắc-xin để phòng ngừa bệnh tiêu chảy do Rotavirus. Vì bệnh thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ nên trẻ cần được chủng ngừa càng sớm càng tốt.
Các bậc phụ huynh có con dưới 6 tháng tuổi nên gặp ngay bác sĩ từ lần khám đầu tiên tại các bệnh viện sản, nhi hoặc các trung tâm y tế dự phòng quận huyện để được tư vấn về uống vắc xin chủng ngừa cho con mình tránh khỏi hậu quả khôn lường từ Rotavirus.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh