Các triệu chứng trẻ 3 tuổi bị táo bón
Trẻ bị táo bón đi tiêu không thường xuyên hoặc phân khô, cứng.
Các triệu chứng có thể xảy ra một chút khác nhau ở mỗi trẻ. Trẻ 3 tuổi bị táo bón có thể bao gồm các triệu chứng sau:
Trẻ không đi tiêu trong vài ngày
Đi ngoài phân khô, cứng
Bụng đầy hơi, đau bụng hoặc co thắt
Trẻ không cảm thấy đói
Có dấu hiệu cố gắng giữ phân, chẳng hạn như nghiến răng, bắt chéo chân, ép mông vào nhau, mặt đỏ bừng
Vết phân lỏng hoặc mềm nhỏ trên quần lót của trẻ
Nguyên nhân khiến trẻ 3 tuổi bị táo bón
Táo bón thường xảy ra nhất khi chất thải hoặc phân di chuyển quá chậm qua đường tiêu hóa, khiến phân trở nên cứng và khô.
Nhiều yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng trẻ 3 tuổi bị táo bón, bao gồm:
Chủ động bỏ qua nhu cầu
Trẻ bỏ qua nhu cầu đi tiêu vì sợ đi vệ sinh hoặc không muốn nghỉ chơi. Một số trẻ em không chịu đi khi không ở nhà vì chúng không thoải mái khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Đặc biệt, ở độ tuổi lên 3, trẻ có nhiều thay đổi về thể chất, nhận thức với thế giới bên ngoài. Sự ham thích khám phá, mải chơi sẽ khiến trẻ đôi khi bỏ qua nhu cầu của mình.
Một nguyên nhân khác có thể là do mỗi lần trẻ đi tiêu đau đớn do phân cứng và lớn cũng có thể dẫn đến trẻ sợ đi tiêu và trốn khỏi nhà vệ sinh.
Không quen với việc dùng nhà vệ sinh
Trước 3 tuổi, nhiều trẻ em còn đeo bỉm hoặc chưa có thói quen đi bô hay dùng nhà vệ sinh mỗi lần đi tiêu. Vì vậy, ở thời điểm 3 tuổi cha mẹ mới tập cho con thói quen dùng nhà vệ sinh nó có thể trở thành một cuộc chiến khó khăn đối với cha mẹ.
Chế độ ăn uống không hợp lý
Chế độ ăn uống không đủ trái cây và rau quả giàu chất xơ hoặc chất lỏng trong có thể gây táo bón. Một trong những thời điểm phổ biến hơn khiến trẻ bị táo bón là khi chúng chuyển từ chế độ ăn toàn chất lỏng sang chế độ ăn bao gồm thức ăn đặc.
3 tuổi, trẻ có thể không muốn uống sữa hay ăn cháo mà chuyển sang ăn cơm hạt, đồ ăn thô. Thậm chí nhiều trẻ ghét việc ăn rau xanh và quên uống nước vì mải chơi. Điều đó bất lợi cho hệ tiêu hóa và có thể gây táo bón.
Thay đổi thói quen
Trẻ đang ở nhà bỗng dưng được đến trường hoặc đi chơi, đi du lịch thậm chí sự thay đổi về môi trường sống hay thời tiết nơi ở cũng khiến cho trẻ căng thẳng và ảnh hưởng đến chức năng ruột có thể gây ra táo bón.
Thuốc men
Một số loại thuốc có thể góp phần gây táo bón chẳng hạn như kháng sinh hoặc thực phẩm chức năng chứa sắt.
Dị ứng sữa bò
Dị ứng với sữa bò hoặc tiêu thụ quá nhiều sản phẩm từ sữa (pho mát và sữa bò) đôi khi dẫn đến táo bón.
Di truyền
Những trẻ có người nhà từng bị táo bón sẽ dễ bị táo bón hơn. Điều này có thể là do các yếu tố di truyền hoặc môi trường sống chung.
Bẩm sinh
Hiếm khi táo bón ở trẻ em nói chung và trẻ 3 tuổi bị táo bón là kết quả của một dị dạng giải phẫu tuy nhiên vẫn có khả năng có thể xảy ra. Phần lớn táo bón là một vấn đề về hệ thống chuyển hóa hoặc tiêu hóa hoặc là hệ quả của một tình trạng tiềm ẩn khác.
Việc nên làm để khắc phục trẻ 3 tuổi bị táo bón
Uống nước
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước mỗi ngày. Chủ yếu là nước lọc hoặc nước hoa quả. Sữa có thể gây táo bón cho một số trẻ có dị ứng với sữa và điều này cần có đánh giá từ sơ sinh.
Vận động
Cho trẻ di chuyển, vận động thường xuyên. Tập thể dục kích thích tiêu hóa và giúp ngăn ngừa táo bón.
Chế độ ăn với thực phẩm giàu chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt giúp giữ cho ruột hoạt động tốt bằng cách di chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa với tốc độ ổn định. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng trẻ sẽ ăn trái cây giàu chất xơ (táo và lê là những lựa chọn tuyệt vời), rau (đặc biệt là rau xanh đậm) và ngũ cốc nguyên hạt (chẳng hạn như yến mạch, kê và lúa mạch).
Tập thói quen bằng khen thưởng
Một phần thưởng nhỏ không phải thức ăn cho việc trẻ biết tè vào bô, chẳng hạn như lời hứa về một chuyến đi chơi đặc biệt kèm với một lời khen ngợi sẽ khiến trẻ rất hào hứng.
Chất bôi trơn
Nếu trẻ bị táo bón, hãy thoa một chút Vaseline hoặc chất bôi trơn chẳng hạn một chút mật ong, dầu dưỡng xung quanh hậu môn. Không chỉ chất bôi trơn sẽ giúp cho quá trình đi tiêu trơn tru hơn, kích thích thêm có thể kích thích nhu động ruột. Và nếu tình trạng táo bón đã dẫn đến các vết nứt (vết nứt trên da ở trong và xung quanh hậu môn), hãy thoa một ít kem trị hăm tã lên chúng để giúp quá trình lành vết thương.
Việc nên tránh khi trẻ 3 tuổi bị táo bón
Tức giận với trẻ
Việc la mắng hoặc khiến trẻ cảm thấy xấu hổ sẽ chỉ tạo ra một cuộc chiến tranh mà trẻ em thường giành chiến thắng. Hãy nhớ tránh tức giận. Nếu trẻ tè ra quần, hãy bình tĩnh dẫn trẻ vào phòng tắm, xả sạch đồ và giải thích cũng như hướng dẫn trẻ dần dần việc đi vệ sinh vào bô.
Bắt trẻ ngồi bô cho đến khi trẻ ị mới thôi
Nhu động ruột đến khi cơ thể đã sẵn sàng, trẻ sẽ có nhu cầu đi tiêu. Thay vì để trẻ ngồi trên bồn cầu và ép chúng “cố gắng”, hãy lưu ý những dấu hiệu đầu tiên mà trẻ thực hiện trước khi đi ị để đưa trẻ vào nhà vệ sinh đúng thời điểm.
Bắt trẻ phải rặn quá sức
Rặn khi đi ị là một hành động không sai nhưng nó chỉ nên khi trẻ dễ dàng đi sau một vài lần rặn. Nếu nó quá sức điều đó có thể khiến trẻ sợ hãi, mệt mỏi. Giúp trẻ ị tốt hơn bằng các cho trẻ một ly nước ấm, một ly nước trái cây tốt cho đường ruột (đào, lê hoặc mận khô) và sau đó thử đưa trẻ vào nhà vệ sinh lại vào khoảng 30 phút sau.
Để trẻ nạp vào cơ thể những thực phẩm gây táo bón
Đường và carbohydrate tinh chế hoặc các thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh được coi là thủ phạm gây táo bón ở trẻ 3 tuổi. Hãy cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học và hạn chế các loại thực phẩm này.
Không tập cho trẻ dùng bô và nhà vệ sinh
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng trẻ còn nhỏ, cứ để cho trẻ đi vệ sinh khi nào chúng thích một cách tự nhiên và chúng sẽ tự biết dùng nhà vệ sinh khi lớn lên. Nhưng điều đó không đúng. Trẻ 3 tuổi thậm chí là nhỏ hơn có thể làm quen và chủ động đi vệ sinh theo giờ giấc. Cha mẹ nên dành thời gian khuyến khích trẻ bằng những bước nhỏ. Hãy để trẻ ị trong tã nhưng hãy dẫn trẻ vào phòng tắm khi trẻ đi tiêu. Khi trẻ đã quen với việc tè tã trong phòng tắm, hãy để trẻ ngồi vào bô mà không có tã. Trẻ sẽ quen dần và thích thú với điều đó.
Phòng ngừa táo bón ở trẻ 3 tuổi
Để giúp ngăn ngừa táo bón ở trẻ em 3 tuổi, cha mẹ hãy:
Cho trẻ ăn thức ăn giàu chất xơ
Chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp cơ thể của trẻ hình thành phân mềm và không quá cỡ. Cho trẻ ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ hơn, chẳng hạn như trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì. Nếu trẻ không quen với chế độ ăn nhiều chất xơ, hãy bắt đầu bằng cách chỉ bổ sung vài gam chất xơ mỗi ngày để ngăn ngừa đầy hơi và chướng bụng.
Lượng chất xơ được khuyến nghị là 14 gam cho mỗi 1.000 calo trong chế độ ăn của trẻ.
Đối với trẻ nhỏ, điều này có nghĩa là tiêu thụ khoảng 20 gam chất xơ mỗi ngày.
Khuyến khích trẻ uống nhiều nước
Nước lọc thông thường là tốt nhất. Tuy nhiên, cha mẹ cũng có thể bổ sung nước trái cây, sữa tiệt trùng, nước canh trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ.
Thúc đẩy hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp kích thích chức năng ruột bình thường.
Tạo thói quen đi vệ sinh
Thường xuyên dành thời gian sau bữa ăn cho trẻ đi vệ sinh. Nếu cần thiết, hãy cung cấp một bệ để chân để trẻ có thể thoải mái khi ngồi trên bồn cầu và có đủ lực để tống phân ra ngoài.
Nhắc trẻ chú ý làm theo nhu cầu
Một số trẻ em mải chơi đến mức bỏ qua nhu cầu đi tiêu. Nếu sự chậm trễ như vậy xảy ra thường xuyên, chúng có thể góp phần gây ra táo bón.
Hãy khuyến khích và khen thưởng
Khen thưởng những nỗ lực của trẻ chứ không phải kết quả. Cho trẻ những phần thưởng nhỏ khi cố gắng đi tiêu. Phần thưởng có thể là trò chơi đặc biệt sau giờ đi vệ sinh. Đừng trừng phạt một đứa trẻ chỉ vì chúng chưa biết cách dùng nhà vệ sinh hay đi vệ sinh đúng giờ.
Xem xét các loại thuốc
Nếu trẻ đang dùng thuốc gây táo bón, hãy hỏi bác sĩ về các lựa chọn khác để giảm thiểu tình trạng này nhất là khi trẻ đã có tình trạng táo bón từ trước đó.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh