✴️ Trẻ bị rôm sảy ở cổ: nguyên nhân và cách khắc phục ba mẹ cần biết

Nội dung

Rôm sảy ở trẻ là bệnh gì?

Rôm sảy là một bệnh lý ngoài da, với những nốt mẩn đỏ như đầu kim, có hình tròn hoặc lấm tấm. Thông thường, đầu nốt rôm có một chút nước, đỏ ở xung quanh. Rôm sảy thường mọc nhiều nhất ở những vùng da tiếp xúc nhiều với quần áo, hoặc vùng da có nhiều nếp gấp như cổ, ngực, lưng… Nhiều bé mọc rôm ở đầu.

Những khu vực mọc rôm nhiều thường có màu đỏ, ngứa ngáy và cảm giác nóng rát. Vì thế, trẻ hay gãi và dễ làm vùng da đó bị tổn thương, lở loét do viêm nhiễm.

Rôm sảy ở trẻ có 3 dạng chính là:

  • Rôm đỏ: Thường mọc khi thời tiết nóng ẩm

  • Rôm dạng tinh thể: Loại rôm này thường xảy ra ở trẻ do ống tuyến mồ hôi chậm phát triển. Loại này không gây viêm và để lại các mảng da bị bong sau khi khỏi bệnh.

  • Rôm sâu: Xảy ra khi tuyến mồ hôi của bé bị tổn thương nặng, thường là sau khi trẻ bị rôm đỏ kéo dài.

Vì sao trẻ bị rôm sảy ở cổ?

Trẻ nhỏ có thể bị rôm sảy ở nhiều vùng da trên cơ thể. Trong đó, cổ là vùng rất nhiều trẻ bị mọc rôm. Nguyên nhân là do:

Vùng cổ có nhiều nếp gấp

Phần da ở vùng cổ có nhiều nếp nhăn hơn những vùng da khác nên mồ hôi và bụi bẩn rất dễ đọng lại ở những nếp gấp. Khi không được lau rửa thường xuyên, lỗ chân lông vùng cổ sẽ bị bít tắc và gây rôm sảy. Nhất là vào mùa hè, mồ hôi đọng ở vùng cổ nhiều cũng gây rôm sảy.

rôm sảy ở cổ

Nhiều trẻ gặp phải tình trạng rôm sảy ở cổ vào mùa hè

Do sữa, thức ăn chảy xuống cổ

Khi cho bé ăn, sữa hoặc nước bọt của trẻ dễ bị chảy xuống cổ và đọng lại vùng nếp gấp. Chính vì điều này đã tạo nên môi trường ẩm ướt, khiến bụi bẩn dễ dính và vào vi khuẩn cũng dễ phát triển hơn, tấn công da bé gây bệnh rôm sảy.

Tuyến mồ hôi của bé chưa phát triển

Nguyên nhân khiến trẻ bị rôm sảy ở cổ phải kể đến nữa là do tuyến mồ hôi của bé chưa phát triển hoàn thiện. Vì thế, khi thời tiết nóng bức, cơ thể bé tiết mồ hôi nhưng lại không thoát hết ra ngoài được, nhất là vùng cổ. Mồ hôi bị giữ lại gây bít tắc lỗ chân lông và là nguyên nhân khiến bé bị rôm sảy.

Vùng cổ dễ dính bụi

Vùng cổ không được che chắn bởi quần áo nên rất dễ dính bụi bẩn. Đây cũng là nguyên nhân khiến lỗ chân lông của bé bị bít tắc và gây rôm sảy.

Do bé chưa cứng cổ

Ở trẻ sơ sinh, cột sống cổ chưa cứng cáp nên bé chưa tự giữ thẳng cổ được. Lúc này, đầu của bé áp sát vào vai hoặc cúi xuống ngực nên sẽ khiến vùng cổ nóng, chảy nhiều mồ hôi. Dần dần gây rôm sảy ở cổ.

Biểu hiện khi trẻ bị rôm sảy ở cổ

Trẻ bị rôm sảy ở cổ sẽ có những biểu hiện dưới đây:

  • Xuất hiện nhiều nốt nhỏ li ti, mẩn màu đỏ hoặc hồng, đầu mụn có nước hoặc không.

  • Trẻ ngứa, hay gãi lên vùng mẩn đỏ.

  • Các nốt nhỏ li ti ngày càng phát triển rộng hơn, thành mảng có mụn ở trên.

  • Mụn rôm có thể có mủ, loét nếu không can thiệp sớm.

rôm ở cổ

Rôm sảy khiến bé ngứa ngáy, khó chịu

Cách khắc phục rôm sảy ở cổ cho bé

Rôm sảy ở khiến bé khó chịu, quấy khóc. Vì vậy, ba mẹ cần khắc phục sớm tình trạng này để con cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy áp dụng các biện pháp sau:

Không để sữa, thức ăn chảy xuống cổ bé

Sữa mẹ, thức ăn chảy xuống cổ gây bít lỗ chân lông, ẩm ướt khiến tình trạng rôm sảy nặng nề hơn. Vì thế, mẹ cần tránh để thức ăn, sữa chảy xuống cổ bé. Sau khi bé ăn xong, ba mẹ cần lau sạch cổ cho con. Lau cho bé bằng khăn mềm, thấm ít nước rồi vắt kiệt.

Ngoài ra, mẹ có thể đeo khăn hoặc yếm vào cổ bé để tránh sữa, thức ăn dính vào cổ. Khi khăn bẩn thì tháo ra giặt sạch rồi đeo khăn mới cho bé.

Vệ sinh cổ thường xuyên

Vùng da quanh cổ cần được vệ sinh thường xuyên để đảm bảo khô thoáng, sạch sẽ, giúp ngăn ngừa và cải thiện hiệu quả tình trạng trẻ bị rôm sảy ở cổ. Khi tắm cho bé, ba mẹ nên chú ý vệ sinh kỹ vùng cổ của bé bằng khăn mềm. Sau đó, lau khô rồi mới mặc quần áo cho con.

Hoặc khi con ra ngoài về, ba mẹ cũng nên vệ sinh cổ cho bé để tránh mồ hôi, bụi bẩn dính vào cổ con, dễ gây rôm sảy hơn.

Mặc áo không cổ hoặc cổ mềm mại

Mùa hè nóng bức là thời điểm trẻ thường xuyên bị rôm sảy. Vì vậy, ba mẹ hãy chọn những loại quần áo mềm mại, thoáng mát, chất vải thấm hút mồ hôi để con không bị nóng, bí. 

Đặc biệt, mùa hè thì nên mặc áo ba lỗ, áo không cổ cho con vì nếu mặc áo có cổ sẽ cọ sát vào vùng da cổ bé, khiến tình trạng rôm sảy nặng nề hơn.

Ở phòng thoáng mát

Phòng của bé cần đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Nhất là vào mùa hè, ba mẹ nên bật điều hòa thường xuyên để bé cảm thấy dễ chịu và tránh được hiện tượng rôm sảy.

bị rôm ở cổ

Vệ sinh sạch sẽ cho con hằng ngày để ngăn ngừa rôm sảy

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị rôm sảy

Trẻ bị rôm sảy ở cổ không có gì đáng lo ngại quá mức nếu ba mẹ biết cách chăm sóc cho bé tại nhà. Khi chăm sóc trẻ, ba mẹ cần lưu ý một vài vấn đề dưới đây:

Không tự ý dùng thuốc

Nhiều trường hợp trẻ bị rôm sảy ở cổ nặng, ba mẹ lo lắng nên ra hiệu thuốc để mua thuốc về điều trị cho con. Đây là điều không nên làm vì sử dụng thuốc với trẻ cần đặc biệt lưu ý về thành phần, liều lượng… Nếu không sử dụng đúng cách có thể gây hại cho bé.

Vì thế, nếu thấy tình trạng rôm sảy của con nặng nề, hãy đưa bé đi khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được tự ý mua thuốc về dùng cho con.

Tắm nước lá loãng, không nấu đặc

Khi bé bị rôm sảy, nhiều người chọn cách dân gian là tắm lá để điều trị cho con. Họ có thể cho con tắm lá khế, tắm lá bôm bốp, tắm lá sài đất vì cho rằng chúng sẽ làm dịu da bé, giúp cải thiện hiệu quả tình trạng rôm sảy.

Tuy nhiên, khi tắm lá, ba mẹ cần rửa sạch lá để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn có thể gây hại cho da bé. Và hãy nấu nước thật loãng, không nấu đặc quá để tắm cho bé vì nước lá quá đặc có thể gây tác dụng phụ như cơ thể bé không toát được mồ hôi… gây bít tắc lỗ chân lông khiến rôm sảy nặng hơn.

Nếu tắm lá và thấy con có các biểu hiện như dị ứng, mưng mủ thì hãy dừng ngay lại.

Không cho trẻ ra ngoài khi trời nắng gắt

Từ 10h sáng đến 15h chiều là thời điểm ánh nắng chứa tia UV mạnh nhất. Vì vậy, hãy hạn chế cho trẻ ra ngoài vào khoảng thời gian này để tránh tổn thương da bé. Nhất là khi bé đang bị rôm sảy, cho trẻ ra ngoài khiến con nóng rát, khó chịu và khiến tình trạng rôm sảy nghiêm trọng hơn.

Không sử dụng sữa tắm người lớn cho trẻ

Nhiều gia đình có thói quen cả nhà dùng chung một lọ sữa tắm. Điều này là không nên vì da của trẻ nhỏ mỏng manh, nhạy cảm hơn nhiều nên cần sử dụng loại sữa tắm dịu nhẹ dành riêng cho bé. 

Sữa tắm người lớn thường chứa nhiều hóa chất hơn, khiến da bé dễ bị kích ứng, rôm sảy trở nên nặng hơn. Vì thế, ba mẹ không nên cho con sử dụng sữa tắm người lớn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top