✴️ Viêm amiđan ở trẻ em

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa

Amiđan là 2 mô lympho lớn nằm ở thành bên họng.Viêm amiđan là sự viêm nhiễm vùng mô amiđan.

Nguyên nhân

Virus là tác nhân phổ biến nhất, bao gồm adenovirus, rhinovirus, cúm, coronavirus, và virus hợp bào hô hấp.

15-30% trường hợp là do vi khuẩn, tác nhân thường gặp là Streptococcus pyogenes (Streptococcusbeta tán huyết nhóm A).

Tần suất

Viêm amiđan ít gặp ở trẻ <2 tuổi.

Viêm amiđan do vi khuẩn Streptococcus thường gặp ở lứa tuổi 5-15, còn tác nhân virus thường gặp ở trẻ nhỏ hơn.

Phân loại

Theo thời gian:

Viêm amiđan cấp: kéo dài từ 3- 4 ngày đến 2 tuần.

Viêm amiđan tái diễn: viêm amiđan cấp nhiều lần trong năm.

Viêm amiđan mãn: kéo dài trên 2 tuần.

Theo hình thể:

Thể quá phát: amiđan to như hai hạt hạnh nhân ở hai bên thành họng lấn vào làm hẹp khoang họng.

Thể xơ teo: amiđan nhỏ, mặt gồ ghề, lỗ chỗ hoặc chằng chịt xơ trắng biểu hiện bị viêm nhiễm nhiều lần. Màu đỏ sẫm, trụ trước đỏ, trụ sau dầy. Amiđan mất vẻ mềm mại bình thường, ấn vào amiđan có thể thấy phòi mủ hôi ở các hốc.

 

CHẨN ĐOÁN

Bệnh sử

Bệnh nhân thường đến khám vì sốt, đau họng, khó thở…

Triệu chứng lâm sàng

Viêm amiđan cấp: sốt, đau họng, thở hôi, nuốt khó, nuốt đau, nổi hạch vùng cổ, các triệu chứng tắc nghẽn hô hấp trên do amiđan phì đại như thở miệng, ngáy, ngưng thở khi ngủ, suy nhược mệt mỏi.

Viêm amiđan mãn: đau họng kéo dài, hôi miệng, nổi hạch cổ kéo dài.

Cận lâm sàng

Phết họng tìm Streptococcus.

Công thức máu: bạch cầu tăng khi có nhiễm trùng.

 

ĐIỀU TRỊ

Điều trị nội khoa

Điều trị nâng đỡ: nghỉ ngơi, uống nhiều nước, sử dụng thực phẩm mềm, dễ tiêu, súc họng với nước muối, dùng các loại thuốc ngậm giảm đau họng tại chỗ, tránh khói thuốc và các sản phẩm tẩy rửa gây kích thích họng, giảm đau hạ sốt bằng Paracetamol hoặc Ibuprofen.

Corticoide: làm giảm thời gian sốt và viêm họng trong bệnh viêm họng tăng bạch cầu đơn nhân do Epstein-Barr virus, ngoài ra còn được chỉ định khi có triệu chứng tắc nghẽn đường thở.

Dùng kháng sinh khi nghi ngờ tác nhân vi khuẩn như viêm amiđan mủ, sốt, công thức máu có tăng bạch cầu, tiếp xúc với người được ghi nhận nhiễm Streptococcus nhóm A.

Kháng sinh: Penicillin uống trong 10 ngày, hoặc amoxicillin, các kháng sinh nhóm cephalosporin, nhóm macrolides và clindamycin.

Điều trị ngoại khoa

Chỉ định phẫu thuật:

Amiđan viêm mạn tính nhiều lần (thường là 5 - 6 lần trong một năm).

Amiđan viêm mạn tính gây biến chứng viêm tấy, áp xe quanh amiđan. 

Amiđan viêm mạn tính gây biến chứng viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tấy hạch dưới hàm hoặc thành bên họng…

Amiđan viêm mạn tính gây biến chứng xa: viêm màng trong tim, viêm cầu thận, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn huyết.

Amiđan viêm mạn tính quá phát gây khó thở (hội chứng ngạt thở khi ngủ - hội chứng Pickwick sleep), khó nuốt, giọng nói như miệng ngậm một vật gì (khó nói).

Các phương pháp cắt amiđan

Cắt lạnh:

Bóc tách và cột chỉ.

Phương pháp Guilotine.

Cắt trong bao với debrider.

Harmonic.

Dao plasma.

Kĩ thuật cryosurgery.

Cắt nóng:

Dao điện : monopolar, bipolar.

Laser.

Coblator.

Sóng radio.

 

THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM SAU CẮT AMIĐAN 

Theo dõi sau cắt amiđan bao gồm việc theo dõi các biến chứng sớm và muộn.

Biến chứng sớm:

Chảy máu tiên phát: trong vòng 24h sau mổ.

Tổn thương trụ amiđan, lưỡi gà, khẩu cái mềm, lưỡi, cơ siết họng trên.

Chấn thương răng.

Hít phải máu.

Phù mặt.

Biến chứng muộn:

Chảy máu thứ phát (thường từ ngày 5 đến ngày 10).

Nhiễm trùng.

Biến chứng phổi do hít phải máu, dịch tiết hoặc mảnh mô.

Sẹo ở khẩu cái mềm, trụ amiđan.

Phì đại amiđan đáy lưỡi.

Tái khám sau mổ để theo dõi các biến chứng muộn, thường từ 5-10 ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top