Viêm phổi nguyên nhân do đâu?
Triệu chứng viêm phổi ở trẻ có thể xuất hiện tùy từng nguyên nhân gây bệnh. Theo đó, các triệu chứng của bệnh có thể như:
Viêm phổi do virus
Các triệu chứng viêm phổi do virus thường xảy ra từ từ và ít nghiêm trọng hơn so với viêm phổi do vi khuẩn. Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng giống cúm, đau đầu, ho khan, sốt, đau cơ và mệt mỏi. Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể có khó thở và ho khạc đờm trong hoặc màu trắng. Người bị viêm phổi virus cũng có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn.
Viêm phổi do vi khuẩn
Triệu chứng thường xảy ra tương đối nhanh, bao gồm rét run, sốt cao, ra mồ hôi, đau ngực, khó thở, ho đờm đặc màu xanh hoặc màu vàng. Viêm phổi do vi khuẩn thường khu trú ở một vùng (thùy) phổi và được gọi là viêm phổi thùy.
Viêm phổi do Mycoplasma
Các triệu chứng giống như viêm phổi do virus, tuy nhiên thường nhẹ hơn và khó phát hiện.
Viêm phổi do Pneumocystis carinii
Viêm phổi do Pneumocystis carinii là một bệnh nhiễm trùng hay gặp ở người nhiễm HIV/AIDS. Người có hệ miễn dịch suy yếu do ghép tạng, hóa trị liệu hoặc điều trị corticosteroids hay các thuốc ức chế miễn dịch khác cũng có nguy cơ. Triệu chứng của viêm phổi do Pneumocystis carinii bao gồm ho dai dẳng, sốt và khó thở.
Viêm phổi do nấm
Một số loại nấm có thể gây viêm phổi, mặc dù ít gặp. Một số người có thể có rất ít triệu chứng, nhưng một số người có thể bị viêm phổi cấp và dai dẳng.
Chăm sóc khi trẻ bị viêm phổi
Virus cúm, thủy đậu, virus hợp bào hô hấp, virus corona… là những loại virus thường gây viêm phổi cho trẻ. Ở trẻ càng nhỏ thì viêm phổi diễn ra càng nhanh, càng nặng. Các trường hợp viêm đường hô hấp cấp do virus nói chung cần được chẩn đoán và theo dõi điều trị tại các cơ sở y tế.
Sau khi thăm khám, bác sĩ chỉ định chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà, các bậc phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Cho trẻ ăn uống bình thường, có thể làm thông mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch mũi trước khi cho trẻ ăn, cho bú.
Cho trẻ uống nước đầy đủ, tránh để thiếu nước do thở nhanh và sốt.
Tái khám bác sĩ nếu thấy trẻ có cảm giác mệt hơn, thở nhanh, khó thở hoặc co rút lồng ngực, bú kém hoặc không thể uống được.
Cần cho trẻ uống thuốc và theo dõi điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa không được tự ý cho trẻ uống thuốc hoặc thay đổi liều lượng khi không có chỉ định.
Các biện pháp điều trị hỗ trợ như hạ nhiệt dùng paracetamol, chườm mát. Làm thông thoáng đường thở: hút sạch đờm dãi, nằm đầu cao, nới rộng quần áo. Khi trẻ có biểu hiện suy thở thì có thể đặt ống nội khí quản, hô hấp hỗ trợ. Truyền dịch khi trẻ sốt cao kéo dài, biểu hiện mất nước…
Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất, số lượng vừa phải, tránh trào ngược, vệ sinh sạch sẽ, theo dõi sát tình trạng khó thở, tím tái.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh