Bệnh viêm túi mật ngày càng có xu hướng trẻ hoá, xuất hiện ở cả trẻ em mà nguyên nhân chủ yếu là do thói quen ăn uống thiếu khoa học. Nhận biết được nguyên nhân và các dấu hiệu nghi ngờ viêm túi mật ở trẻ em giúp bố mẹ chủ động bảo vệ con, tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Túi mật là một cơ quan của hệ thống gan mật, nằm dưới gan có nhiệm vụ dự trữ dịch mật do gan tạo ra và tiết vào ruột khi thức ăn được đưa vào. Dịch mật tiêu hoá các loại chất béo trong thức ăn và vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K). Viêm túi mật ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng túi mật mà nguyên nhân chính là do thói quen ăn uống không khoa học của trẻ. Viêm túi mật nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến thủng túi mật.
Ở trẻ nhỏ, thói quen ăn không đúng bữa, bỏ bữa sáng sẽ ảnh hưởng đến quá trình bài tiết dịch mật. Túi mật sẽ không co bóp để đẩy dịch mật xuống tá tràng giúp tiêu hóa thức ăn nên rất dễ dẫn đến tình trạng ứ trệ dịch mật và tạo thành sỏi mật. Sỏi mật theo chuyển động gây cọ xát vào thành túi mật hoặc kẹt ở cổ túi mật khiến cho túi mật bị viêm.
Ngoài ra, chế độ ăn dư thừa chất dinh dưỡng hay thiếu nước ở trẻ cũng là nguyên nhân gây viêm túi mật. Chính vì vậy, bố mẹ cần khuyến khích trẻ bổ nhiều chất xơ, vitamin có trong rau củ, trái cây; hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ. Và đặc biệt là cần cho trẻ uống nhiều nước mỗi ngày.
Khi túi mật ở trẻ bị viêm. triệu chứng điển hình thường thấy là đau hạ sườn phải, đau xuyên ra sau lưng hoặc lên vai phải. Đôi khi có thể đau vùng thường vị nên dễ bị nhầm với đau dạ dày – tá tràng. Trong lúc đau nếu ăn hay uống thì mức độ đau sẽ tăng lên do đường mật bị tăng kích thích.
– Sốt thường xuất hiện sau các cơn đau kèm theo rét run và vã mồ hôi.
– Một triệu chứng khác dễ nhận thấy khi vị viêm túi mật là vàng da, vàng mắt. Vàng da nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn của dịch mật.
– Ngoài ra, trẻ có thể có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn,..
Viêm túi mật ở trẻ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Túi mật bị viêm do sự tích tụ mật nếu không điều trị sớm có thể làm các mô trong túi mật bị hoại tử, lâu ngày sẽ có nguy cơ thủng túi mật.
Trường hợp viêm túi mật cấp có thể chưa gây thủng túi mật nhưng làm cho túi mật căng phồng, thành túi mật yếu, giãn nở, gây thấm mật vào ổ bụng dẫn đến viêm phúc mạc mật. Viêm phúc mạc mật là một biến chứng rất nguy hiểm có thể khiến trẻ bị sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, trụy tim mạch và tử vong. Thủng túi mật có thể dẫn đến suy tuần hoàn, chảy máu nội tạng, có lỗ rò vào đường tiêu hóa rất nguy hiểm cho tính mạng. Viêm túi mật cũng có thể gây ra tình trạng viêm mủ, áp-xe đường dẫn mật.
Có 2 phương pháp để điều trị viêm túi mật nói chung là dùng thuốc (điều trị nội khoa) và phẫu thuật cắt bỏ túi mật (điều trị ngoại khoa). Việc chỉ định phương pháp điều trị nào cho trẻ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tình trạng bệnh, sức khỏe của trẻ, biến chứng,..
Trường hợp trẻ chưa xuất hiện các biến chứng của viêm túi mật có thể được điều trị bằng thuốc mà chưa cần can thiệp ngoại khoa. Thuốc được lựa chọn ban đầu là các thuốc giảm đau, kháng sinh, chống viêm để cải thiện triệu chứng. Sau khi điều trị ổn định trẻ sẽ được xuất viện và kết hợp theo dõi thêm tại nhà.
– Thuốc kháng sinh: để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng,hạn chế những biến chứng nguy hiểm.
– Thuốc giảm đau: thuyên giảm tình trạng đau do viêm túi mật gây ra.
Lưu ý: thông tin về các loại thuốc điều trị nêu trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không tự ý sử dụng khi không có chỉ định.
Nếu việc điều trị viêm túi mật bằng thuốc không đáp ứng tốt hoặc trẻ xuất hiện các biến chứng của viêm túi mật thì cần phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Hiện nay phương pháp nội soi cắt bỏ túi mật đang được áp dụng phổ biến với ưu điểm viết mổ nhỏ, ít đau và thời gian phục hồi nhanh hơn. Phẫu thuật mổ hở cắt túi mật chỉ được thực hiện khi không áp dụng được phương pháp mổ nội soi.
Khi túi mật bị cắt bỏ, mật sẽ chảy trực tiếp từ gan vào ruột non thay vì lưu trữ tại túi mật như trước kia. Thời gian đầu sau mổ, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng do rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, táo bón, tiêu chảy,…Tuy nhiên các triệu chứng này sẽ thuyên giảm dần và biến mất.
Bởi vì nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm túi mật ở trẻ em là do chế độ ăn uống không khoa học dẫn đến hình thành sỏi. Vì vậy để giảm nguy cơ mắc phải căn bệnh này, bố mẹ cần chú ý những vấn đề sau:
– Không cho trẻ bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tạo sỏi mật.
– Cho trẻ uống đủ nước, ăn nhiều chất xơ, bổ sung vitamin và khoáng chất từ rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các đồ ăn nhanh, chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ.
– Khuyến khích trẻ tham gia thể dục thể thao hàng ngày trong tuần. Tập luyện không chỉ giúp trẻ phát triển thể chất mà còn hạn chế quá trình tạo sỏi.
– Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp. Trẻ bị béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ tạo sỏi mật. Tuy nhiên nếu cần phải giảm cân cần cho trẻ giảm cân từ từ. Việc xuống cân quá nhanh cũng có thể tạo thành sỏi và còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Viêm túi mật đã không chỉ là bệnh của người trưởng thành mà nay trẻ em cũng có thể mắc phải. Khi trẻ có các biểu hiện đau hạ sườn phải, sốt, vàng da bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, chế độ ăn uống khoa học và tập luyện đều đặn là biện pháp hữu ích để phục hồi và phòng tránh tình trạng viêm túi mật ở trẻ em.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh