✴️ Khử trùng trong đại dịch Covid ở những nơi không phải đơn vị y tế

Những khu vực nào cần được ưu tiên khử trùng

  • Khử trùng là một hành động rất quan trọng để làm giảm khả năng con người tiếp xúc với vi-rút COVID-19 ở trong các môi trường không phải cơ sở chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như nhà ở, văn phòng, trường học, phòng tập thể dục, các tòa nhà công cộng dễ tiếp cận, các trung tâm cộng đồng, chợ, các phương tiện giao thông hoặc các nhà hàng.
  • Các bề mặt nơi có nguy cơ tiếp xúc cao nhất cần được ưu tiên khử trùng, như tay nắm cửa và cửa sổ, nhà bếp, khu vực chuẩn bị và chế biến thực phẩm, mặt bàn của bếp, bề mặt phòng tắm, nhà vệ sinh và vòi nước, thiết bị cảm ứng cá nhân, bàn phím máy tính cá nhân và bề mặt môi trường làm việc.

Chất khử trùng bề mặt nào có hiệu quả đối với COVID-19

  • Natri hypoclorit (hay còn gọi là thuốc tẩy hoặc chlorine) có thể được sử dụng khuyến nghị là 0,1% hoặc 1,000 ppm (một phần thuốc tẩy gia dụng 5% pha với 49 phần nước). Cồn 70 đến 90 độ cũng có thể được sử dụng để khử trùng bề mặt.
  • Các bề mặt phải được làm sạch bằng nước và xà phòng hoặc chất tẩy rửa trước để loại bỏ chất bẩn, sau đó mới khử trùng. Việc vệ sinh phải luôn bắt đầu từ khu vực ít bẩn nhất đến khu vực nhiều chất bẩn hơn để không làm lây lan chất bẩn.
  • Tất cả các dung dịch khử trùng nên bảo quản trong các hộp tối màu, để ở nơi thông thoáng, có mái che và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Tốt nhất là sử dụng chất khử trùng được pha mới mỗi ngày để đem lại hiệu quả cao nhất.
  • Trong không gian nhà ở, không nên sử dụng thường xuyên chất khử trùng bằng cách phun lên các bề mặt mà chỉ nên lau với miếng vải hoặc khăn đã được ngâm trong dung dịch khử trùng.

 

Cần thực hiện những biện pháp bảo vệ nào khi sử dụng chất khử trùng?

  • Khi sử dụng chất khử trùng, cần chú ý một vài điều sau để giảm các nguy cơ liên quan:
    • Loại chất khử trùng và nồng độ cần được lựa chọn cẩn thận để tránh làm hỏng bề mặt và giảm tác độc tính đối với con người.
    • Tránh kết hợp nhiều loại chất khử trùng, ví dụ như thuốc tẩy và amoniac,vì các hỗn hợp có thể gây kích ứng đường hô hấp và giải phóng một số loại khí gây chết người.
    • Giữ trẻ em, vật nuôi và những người khác tránh xa khỏi những khu vực vừa mới khử trùng cho đến khi khô ráo hoàn toàn và sạch mùi.
    • Nên mở cửa sổ, bật quạt sau khi khử trùng để đảm bảo thông thoáng. Tránh xa khu vực đã khử trùng nếu mùi quá nồng.
    • Rửa tay sau khi sử dụng bất kì chất khử trùng nào, kể cả khăn lau bề mặt.
    • Đậy nắp chặt khi không sử dụng để tránh đổ tràn lan và tai nạn do vô ý.
    • Không cho trẻ em sử dụng khăn lau đã có chất khử trùng. Giữ chất lỏng tẩy rửa và chất khử trùng ngoài tầm với của trẻ em và vật nuôi.
    • Nên vứt bỏ những đồ dùng một lần như găng tay và khẩu trang nếu chúng đã được sử dụng trong quá trình vệ sinh. Không làm sạch và sử dụng lại.
    • Không sử dụng khăn lau có chất khử trùng để lau tay hoặc lau cho em bé.
    • Thiết bị bảo hộ cá nhân được khuyến nghị tối thiểu khi khử trùng trong các cơ sở không thuộc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là găng tay cao su, tạp dề chống thấm nước và giày kín. Cũng có thể cần đến kính bảo vệ mắt và khẩu trang y tế để chống lại các hóa chất đang sử dụng hoặc nếu có nguy cơ bị bắn tung tóe.
    • Luôn đọc và làm theo chỉ dẫn trên nhãn của các sản phẩm vệ sinh và khử trùng để đảm bảo sử dụng an toàn và hiệu quả. 
    • Chỉ dùng đúng lượng khuyến nghị trên nhãn thông tin.
    • Nếu trong chỉ định, cần pha loãng với nước để sử dụng, hãy sử dụng nước ở nhiệt độ phòng (trừ khi có chỉ định khác trên nhãn).
    • Không sử dụng bất kỳ sản phẩm vệ sinh và khử trùng bề mặt nào để lau hoặc tắm cho người hoặc thú cưng.
  • Lưu ý: Trong trường hợp không thể làm sạch và khử trùng thường xuyên do hạn chế về nguồn lực, thì biện pháp rửa tay thường xuyên và tránh đưa tay lên mặt sẽ là phương pháp phòng ngừa chính để làm giảm bất kỳ khả năng lây truyền có nguy cơ.

Đường hầm khử khuẩn/buồng khử khuẩn có an toàn để sử dụng không?

  • Xịt thuốc khử trùng vào người (chẳng hạn như trong đường hầm, tủ hoặc buồng) đều không được khuyến cáo trong bất kỳ trường hợp nào. Hành động này có thể có hại về thể chất và tâm lý và sẽ không làm giảm khả năng lây lan vi-rút của người nhiễm bệnh thông qua các giọt bắn hoặc tiếp xúc. Ngay cả khi người bị nhiễm COVID-19 đi qua đường hầm hoặc buồng khử trùng, ngay khi họ bắt đầu nói, ho hoặc hắt hơi, họ vẫn có thể lây lan vi-rút.
  • Tác dụng độc hại của việc phun các hóa chất như chlorine lên người có thể dẫn đến kích ứng mắt và da, co thắt phế quản do hít phải và có nguy cơ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa như buồn nôn và nôn. Ngoài các mối quan tâm về an toàn sức khỏe, việc sử dụng chlorine trong các hoạt động phun quy mô lớn có thể làm thiếu hụt nguồn cung hoá chất này cho các can thiệp cần thiết khác như xử lý nước uống và khử trùng môi trường cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

 

Các thực hành được khuyến nghị khi trở về nhà sau các hoạt động ngoài trời là gì?

  • Vệ sinh tay kỹ lưỡng: rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng gel rửa tay chứa cồn, nên được thực hiện trước khi chạm vào bề mặt, vật dụng, vật nuôi và người trong môi trường gia đình.
  • Trong khi ở bên ngoài, mọi người phải luôn tuân theo các biện pháp giữ khoảng cách vật lý, duy trì khoảng cách tối thiểu một mét với người khác; thực hiện vệ sinh tay bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng nước sát khuẩn chứa cồn; vệ sinh hô hấp tốt bằng cách che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy trong khi ho hoặc hắt hơi; tránh chạm vào mắt, mũi và miệng; và tránh đến những nơi đông người.

 

Găng tay có được khuyến nghị cho cộng đồng ở các không gian công cộng để bảo vệ chống lại COVID-19, ví dụ như khi đi siêu thị cửa hàng tạp hóa không?

  • Việc sử dụng găng tay ở không gian công cộng không phải là một biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị hay đã được chứng minh. Đeo găng tay ở nơi công cộng không thay thế nhu cầu vệ sinh tay, cũng như không cung cấp bất kỳ biện pháp bảo vệ bổ sung nào chống lại vi-rút COVID-19 so với vệ sinh tay.
  • Găng tay không cung cấp sự bảo vệ hoàn toàn chống lại ô nhiễm tay, vì mầm bệnh có thể xâm nhập vào tay thông qua các khiếm khuyết nhỏ trong găng tay hoặc do nhiễm bẩn bàn tay trong quá trình tháo găng tay. Mọi người cũng có thể lan truyền mầm bệnh từ bề mặt này sang bề mặt khác thông qua vô tình chạm vào găng, hoặc thậm chí truyền mầm bệnh đến miệng, mũi hoặc mắt nếu họ chạm vào mặt mình bằng tay đang mang găng.

 

Nên làm thế nào để làm sạch các mặt hàng thực phẩm từ cửa hàng tạp hóa, chẳng hạn như trái cây, rau quả hoặc các mặt hàng đóng gói sẵn?

  • Chưa có bằng chứng cho đến nay về vi-rút gây ra các bệnh về đường hô hấp được truyền qua bao bì thực phẩm hoặc thực phẩm. Vi-rút corona không thể nhân lên trong thực phẩm; chúng chỉ nhân lên khi trong cơ thể động vật hoặc vật chủ của con người.
  • Vi-rút COVID-19 thường được cho là lây lan từ người sang người thông qua giọt bắn từ đường hô hấp. Hiện tại, không có bằng chứng nào chứng minh sự lây truyền vi-rút COVID-19 liên quan đến thực phẩm.
  • Trước khi chuẩn bị hoặc ăn thức ăn, điều quan trọng là phải luôn rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 40-60 giây. Cần tuân thủ hướng dẫn xử lý và an toàn thực phẩm thường xuyên

 

Tài liệu tham khảo

https://www.who.int/news-room/q-a-detail/coronavirus-disease-covid-19-cleaning-and-disinfecting-surfaces-in-non-health-care-settings

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top