5 loại thuốc - thức ăn không nên sử dụng chung

Bạn có thể đã nghe nhiều cảnh báo rằng không nên uống nước ép bưởi cùng với thuốc hạ cholesterol máu. Tuy nhiên, đó không phải là sự kết hợp thuốc – thức ăn duy nhất cần tránh. Nước ép bưởi có thể tương tác với rất nhiều loại thuốc, cả thuốc kê đơn lẫn không kê đơn. Đồng thời, cũng có vô số các loại thực phẩm khác có khả năng tương tác với thuốc.

Dược sỹ lâm sàng Steve Plogsted, chuyên gia hỗ trợ dinh dưỡng tại Bệnh viện Nhi đồng Nationwide ở Columbus, Ohio đã cung cấp cho chúng ta thông tin về 5 loại thực phẩm thường hay gây tương tác với thuốc nhất.

Nước ép bưởi chùm (grapefruit)

Nước ép bưởi chùm có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc theo các cơ chế khác nhau. Một cách thường thấy là nó làm gia tăng sự hấp thu thuốc vào máu – ví dụ như là thuốc làm hạ cholesterol máu nhóm statin. MedinePlus khuyến cáo nên tránh uống nước bưởi chùm nếu bạn đang sử dụng thuốc hạ cholesterol máu thuộc nhóm statin.

Nước ép bưởi chùm cũng khiến cơ thể chuyển hóa thuốc một cách bất bình thường, làm giảm hay tăng nồng độ thuốc trong máu. Nhiều loại thuốc khác cũng bị ảnh hưởng bởi nước ép bưởi chùm theo cơ chế này, bao gồm: thuốc kháng histamine, thuốc hạ huyết áp, hormon thay thế tuyến giáp, thuốc tránh thai, thuốc ức chế tiết acid dạ dày và thuốc giảm ho dextromethorphan. Do vậy tốt nhất là nên tránh hoàn toàn hay hạn chế tối đa việc uống nước ép bưởi chùm trong thời gian sử dụng các thuốc trên.

Nhưng tại sao vấn đề lại hay gặp ở nước bưởi chùm chứ không phải các trái cây họ cam chanh khác? Theo Dược sỹ Plogsted, nước ép bưởi chùm có chứa một nhóm hợp chất gọi là furanocoumarin có thể chặn các enzyme có tên cytochrome (CYP3A4)- là một loại men tham gia quá trình chuyển hóa của hơn 50% các loại thuốc. Trong khi đó, nước cam và nước chanh lại không chứa những hợp chất này. Ngoài ra cũng vẫn có một số lo ngại đối với loại cam Seville (một vùng ở Tây Ban Nha) và bưởi ta (pomelo) là những cây cũng thuộc họ với bưởi chùm.

 

Các loại rau lá xanh

Các loại thuốc chống đông máu như Coumadin® (warfarin) tương tác với các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K. Do vậy, ăn quá nhiều loại rau lá xanh giàu vitamin K có thể làm giảm hiệu lực của thuốc chống đông máu.

Tuy nhiên, bạn cũng không cần thiết phải loại bỏ tất cả các loại rau có màu xanh lá ra khỏi bữa ăn của mình. Vấn đề tương tác chỉ gặp phải khi tăng đột ngột với số lượng lớn lượng rau tiêu thụ dẫn đến thay đổi tác dụng của thuốc. Vì vậy, hãy ăn các loại rau lá xanh trong giới hạn có kiểm soát khi đang sử dụng thuốc chống đông.

 

Cam thảo đen (Glycyrrhiza)

Theo Plogsted, glycyrrhiza là một hợp chất nhóm saponin có trong một loại thảo mộc tự nhiên là cam thảo đen với tác dụng làm giảm kali nhưng tăng lưu giữ natri trong cơ thể. Khi cơ thể bị cạn kiệt nguồn kali, tác dụng của digoxin – một loại thuốc điều trị suy tim – có thể tăng lên đáng kể gây nên tình trạng loạn nhịp tim.

Glycyrrhiza cũng làm giảm tác dụng của thuốc chữa tăng huyết áp. Đồng thời, những người đang sử dụng thuốc chống đông Coumadin® (warfarin) cũng nên lưu ý rằng glycyrrhiza có thể làm mất tác dụng của thuốc, dẫn đến làm tăng cơ chế hình thành cục máu đông trong cơ thể.

Do vậy nên tránh sử dụng quá nhiều cam thảo đen tự nhiên khi đang dùng các loại thuốc kể trên. Tuy nhiên,cần lưu ý rằng các loại cam thảo đen có vị ngọt nhân tạo mà không chứa chất glycyrrhiza thì không đáng lo ngại.

 

Các loại muối thay thế

Những bệnh nhân đang sử dụng digoxin để điều trị suy tim hay sử dụng thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE inhibitors) để điều trị cao huyết áp nên thận trọng với các loại muối thay thế, thường là dùng kali để thay cho natri. Khi tiêu thụ quá nhiều kali, hiệu quả của thuốc digoxin sẽ bị giảm đi làm bệnh suy tim diễn biến nặng hơn. Ngoài ra, những người đang sử dụng thuốc ức chế men chuyển sẽ có sự gia tăng nồng độ kali trong máu dẫn đến hạn chế tác dụng của thuốc hạ huyết áp.

Tuy nhiên, không có một nhu cầu thực sự cần thiết phải tránh hoàn toàn các loại muối thay thế, vấn đề là cần phải thận trọng khi sử dụng chúng. Nếu bạn đang mắc các bệnh gây suy giảm chức năng thận, hãy hỏi bác sỹ về việc sử dụng các loại muối thay thế.

 

Thực phẩm giàu tyramin

Nồng độ một loại acid amin là tyramin quá cao trong máu có thể gây tăng huyết áp. Một số loại thuốc ảnh hưởng đến sự phân hủy của tyramin bao gồm các chất ức chế enzyme monoamine oxidase (IMAOs) trị trầm cảm và thuốc điều trị Parkinson. Những bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc kể trên nên tránh các loại thực phẩm giàu tyramin như: sôcôla, pho mát, thịt xông khói, nem chua, xúc xích, một số loại thịt hộp, đậu nành lên men và bia tươi (bia hộp hay bia đóng chai thì không ảnh hưởng).

Khi bạn được kê một đơn thuốc gồm các loại thuốc mới hay đi mua các loại thuốc không kê đơn tại hiệu thuốc, phải luôn đọc kỹ các thông tin ghi trên nhãn và hỏi ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ về các loại thực phẩm hay thuốc nên tránh khi sử dụng kèm các loại thuốc được kê đơn hoặc định mua.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top