Tác hại của việc ngủ quá nhiều

Thiếu ngủ vào ban đêm sẽ khiến bạn ngủ nhiều hơn và ngủ bù vào ban ngày. Nếu hiện tượng này kéo dài thường xuyên, bạn nên đảm bảo giấc ngủ của mình không bị làm phiền bởi tiếng ồn hoặc các thiết bị điện tử trong phòng ngủ.

Nếu bạn ngủ nhiều và vẫn thấy mệt mỏi, hãy đến gặp bác sỹ để được tư vấn. Một số vấn đề sức khỏe dưới đây có thể khiến bạn ngủ nhiều hơn bình thường.

Chứng rối loạn giấc ngủ Hypersomnia

Trái với mất ngủ, hypersomnia là tình trạng ngủ kéo dài, nhất là ngủ vào ban ngày. Khi mắc chứng này, bạn có thể ngủ gật ở nơi làm việc hoặc ngay khi đang lái xe trên đường. Dù ngủ nhiều là vậy, bạn vẫn thấy mệt mỏi và kiệt sức.

Chứng ngủ nhiều gây trở ngại cho các mối quan hệ và hiệu quả công việc của bạn. Người mắc chứng bệnh này thường cảm thấy mất phương hướng sau một giấc ngủ dài.

 

Trầm cảm

Một bộ phận người trưởng thành, trẻ em và thiếu niên có hiện tưởng ngủ quá nhiều khi trầm cảm. Đôi khi, bạn có thể mắc chứng trầm cảm vào theo mùa (SAD - chứng rối loạn cảm xúc theo mùa), khiến bạn ngủ nhiều vào mùa đông. Nếu bạn không biết mình bị trầm cảm, ngủ quá nhiều có thể là một dấu hiệu không nên bỏ qua.

 

Bệnh tuyến giáp

Bệnh tuyến giáp ảnh hưởng đến giấc ngủ, có thể gây mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.

Sự giảm hoạt động của tuyến giáp khiến người ta ngủ hơn 10 tiếng một ngày, gây mệt mỏi vào ban ngày và ngủ ngày. Nếu bạn không có vấn đề về sức khỏe khác, nên đến bác sỹ kiểm tra tuyến giáp.

 

Chứng ngưng thở trong khi ngủ

Với hội chứng ngưng thở do tắc nghẽn, đường thở có thể bị tắc nghẽn một phần trong khi bạn ngủ. Khi bị ngưng thở khi ngủ nồng độ oxy trong máu sẽ giảm đột ngột. Não sẽ phản ứng với sự sụt giảm oxy này bằng cách khiến bạn thức giấc.

Do vậy, bạn có thể phải thức giấc nhiều lần trong đêm và mệt mỏi vào sáng hôm sau. Nếu không được nghỉ ngơi đầy đủ, tình trạng này sẽ khiến bạn ngủ nhiều hơn vào ban ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top