Rối loạn cương dương không phải là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, mặc dù tình trạng này tương đối phổ biến ở nam giới lớn tuổi. Rối loạn cương dương có thể ảnh hưởng đến nam giới ở bất kỳ độ tuổi nào.
Rối loại cương dương thường là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý riêng biệt ví dụ như tiểu đường hoặc trầm cảm. Trong khi một số loại thuốc có thể có tác dụng điều trị hiệu quả tình trạng rối loạn cương dương, thì rất nhiều các loại thuốc khác, bao gồm cả thuốc chẹn beta, đôi khi lại có thể là nguyên nhân gây ra chính tình trạng rối loạn cương dương.
Bác sỹ có thể sẽ xem xét các loại thuốc bạn đang dùng để có thể tìm ra nguyên nhân gây rối loạn cương dương của bạn. Trong số các loại thuốc, thì các thuốc dùng để hạ huyết áp là những thuốc phổ biến có liên quan đến tình trạng rối loạn cương dương.
Thuốc chẹn beta giúp làm giảm huyết áp của bạn bằng cách chặn một số thụ thể ở hệ thống thần kinh. Đây là những thụ thể thường bị ảnh hưởng bởi các chất hóa học như epinephrine. Epinephrine sẽ gây co các mạch máu và khiến máu được bơm một cách mạnh mẽ hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, bằng việc ngăn chặn ảnh hưởng của các thụ thể này, các thuốc chẹn beta có thể sẽ gây cản trở lên một phần của hệ thần kinh trung ương chịu trách nhiệm cho việc cương dương.
Tuy nhiên, theo như một kết quả được báo cáo trong một nghiên cứu trên tạp chí European Heart Journal, tình trạng rối loạn cương dương liên quan đến việc sử dụng các thuốc chẹn beta thường không phổ biến. Báo cáo về các trường hợp rối loạn cương dương ở nam giới sử dụng thuốc chẹn beta thường là do các phản ứng về tâm lý, bởi những nam giới này đã từng nghe nói trước đây rằng, thuốc chẹn beta có thể gây rối loạn cương dương.
Một loại thuốc hạ huyết áp khác cũng có thể góp phần gây ra chứng rối loạn cương dương là các loại thuốc lợi tiểu. Thuốc lợi tiểu sẽ khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, do vậy, hệ tuần hoàn của bạn sẽ có ít dịch hơn, và dẫn đến hạ huyết áp. Thuốc lợi tiểu cũng có thể làm giãn các cơ trong hệ tuần hoàn, việc này có thể dẫn đến tình trạng giảm lưu lượng máu cần thiết chảy tới dương vật để đạt được và duy trì khả năng cương cứng.
Các loại thuốc hạ huyết áp khác thường sẽ ít gây rối loạn cương dương hơn. Thuốc chẹn kênh canxi và các thuốc ức chế men chuyển angiotension (ACE) cũng có thể có tác dụng hạ huyết áp tương tự như thuốc chẹn beta. Tuy nhiên, những loại thuốc này thường được báo cáo lại là ít gây rối loạn cương dương hơn.
Một số loại thuốc khác, không phải các thuốc điều trị huyết áp cũng có thể gây ra tình trạng rối loạn cương dương bao gồm các thuốc chống trầm cảm và một vài thuốc uống không cần kê đơn, ví dụ như, thuốc chẹn H2 để điều trị ợ nóng, antihistamine và các thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAIDs)
Nếu bác sỹ của bạn nghĩ rằng, chứng rối loạn cương dương của bạn có liên quan đến các thuốc chẹn beta và nếu bạn không thể uống được các loại thuốc hạ huyết áp khác, thì bạn vẫn có thể có rất nhiều lựa chọn. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể sử dụng các thuốc dùng để điều trị rối loạn cương dương. Bác sỹ điều trị cần phải có thông tin đầy đủ về danh sách các thuốc mà bạn đang dùng. Việc này sẽ giúp bác sỹ biết được liệu các thuốc điều trị rối loạn cương dương có tương tác với các thuốc mà bạn đang sử dụng hay không.
Gần đây, có 6 loại thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn cương dương, bao gồm:
Caverject
Edex
Viagra
Stendra
Cialis
Levitra
Trong số những thuốc này, chỉ có Caverject và Edex là không ở dưới dạng viên uống mà ở dưới dạng thuốc tiêm trực tiếp vào dương vật. Phản ứng của của 6 loại thuốc này thường tương tự nhau và không có loại thuốc nào tương tác với thuốc chẹn beta cả.
Hãy chắc chắn rằng, bạn đã sử dụng thuốc hạ huyết áp đúng như bác sỹ kê đơn. Việc này sẽ giúp bạn hạn chế được tối đa phản ứng phụ của việc tăng huyết áp. Nếu rối loạn cương dương là phản ứng phụ của các thuốc chẹn beta bạn đang sử dụng, bạn nên trao đổi với bác sỹ. Bác sỹ có thể giúp bạn hạ liều thuốc hoặc đổi sang một loại thuốc khác. Nếu tất cả các cách trên đều không hiệu quả, thì việc dùng thuốc điều trị rối loạn cương dương có thể là một lựa chọn dành cho bạn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh