Cẩn trọng khi dùng thuốc trong giai đoạn cho con bú

Giai đoạn cho con bú, phần lớn các chất đi vào cơ thể mẹ cũng sẽ đi vào sữa. Vì vậy, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, dù là thuốc theo đơn hay thuốc không cần đơn, thảo dược hay tân dược. 

Kể cả với các thuốc được nhà sản xuất khuyến cáo cho phụ nữ thời kỳ cho con bú, vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ vì các thuốc này không nhất thiết sẽ an toàn cho con của bạn, nhất là trường hợp bé có các bệnh lý đặc biệt. 

Chỉ nên dùng thuốc nếu thực sự cần, dùng liều tối thiểu mang lại hiệu quả, trong thời gian ngắn nhất có thể và luôn luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. 

Tôi có thể tiếp tục cho con bú khi dùng thuốc không?

Nói chung, phần lớn thuốc bôi ngoài da, thuốc dạng hít (ví dụ thuốc điều trị hen) hay thuốc nhỏ mắt nhỏ mũi đều an toàn với phụ nữ cho con bú. Phần lớn vắc xin cũng an toàn, các loại thuốc có thể dùng cho trẻ nhỏ ở độ tuổi của con bạn cũng vậy.

Với các loại thuốc được phép sử dụng trong thời kỳ cho con bú nhưng có thể gây nguy hiểm phần nào cho trẻ, sau khi cân nhắc lợi ích và nguy cơ, bác sĩ có thể quyết định để mẹ tiếp tục cho con bú khi dùng thuốc. Bạn có thể được yêu cầu thường xuyên theo dõi hàm lượng thuốc ở mẹ và con và theo dõi bé sát sao để phát hiện kịp thời các biểu hiện tác dụng phụ của thuốc.

Với các loại thuốc có thể gây nguy hiểm nhiều hơn, mẹ thường phải ngừng cho con bú khi điều trị. Nhóm này bao gồm các thuốc chống ung thư, một số thuốc ức chế miễn dịch, một số thuốc chống co giật, thuốc phóng xạ….  Nếu việc dùng các thuốc có nguy cơ cao là điều không thể tránh, bạn cần thảo luận với bác sĩ có nên cho con bú hay không.

 

Liệu bé có bị ảnh hưởng vì thuốc tôi dùng hay không?

Nhiều hay ít, hầu hết các thuốc đều tiết qua sữa mẹ. Lượng thuốc bé nhận được cũng tùy thuộc một vài yếu tố như liều dùng, số lần dùng và tốc độ chuyển hóa thuốc của mẹ.

So với dùng thuốc đường uống thì dùng thuốc bôi tại chỗ như kem ngoài da, thuốc xịt mũi, hay thuốc dạng hít ít nguy hiểm hơn cho trẻ nhưng bạn vẫn cần nhớ rằng thuốc bôi trực tiếp lên núm vú trước và sau khi cho bú có thể gây hại cho bé.

Độ an toàn của một số loại thuốc cũng phụ thuộc vào lứa tuổi của trẻ. Hầu như tất cả các trường hợp thông báo về tác dụng phụ của thuốc ở trẻ bú mẹ đều xảy ra ở các bé dưới  6 tháng tuổi. Trẻ sơ sinh và trẻ sinh non có nguy cơ cao nhất.

 

Việc dùng thuốc có ảnh hưởng tới khả năng tạo sữa của tôi không?

Sự tăng cân của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tạo sữa của mẹ, những thay đổi nhỏ nhất về nguồn sữa cũng có thể dẫn tới biến động lớn trong sự phát triển của con. Khi cho con bú, mẹ cần quan sát kỹ những thay đổi lượng sữa, kể cả nếu sự khác biệt là rất nhỏ. Thời kỳ nhạy cảm nhất đối với việc sụt giảm sữa mẹ là ngay sau khi sinh, trước khi nguồn sữa mẹ trở nên ổn định.

Một số loại thuốc có thể làm giảm sữa mẹ:

  • Thuốc kháng histamin (chống dị ứng)

  • Thuốc an thần

  • Một số loại thuốc chống ngạt mũi

  • Một số thuốc giảm cân

  • Thuốc lợi niệu

  • Vitamin B6 liều rất cao

  • Thuốc tránh thai chứa estrogen

  • Nicotin.

 

Tôi có nên dùng thuốc trước hoặc sau khi cho con bú không?

Tần suất và thời gian cho con bú có thể ảnh hưởng tới lượng thuốc mà bé nhận được qua sữa mẹ. Lượng thuốc sẽ thấp hơn nếu bạn cho con bú ngay trước khi hoặc ngay sau khi uống thuốc.

Tuy nhiên, cách làm này không phù hợp với trẻ sơ sinh, vì các bé thường bú mỗi 2-3 giờ, hoặc cũng không phù hợp với các loại thuốc lưu hành lâu trong máu mẹ.

Trường hợp bạn chỉ cần dùng thuốc 1 lần mỗi ngày, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc ngay trước giấc ngủ dài nhất của con, thường là sau cữ bú cuối cùng của buổi tối. Nếu bạn phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày, hãy cho bé bú ngay trước liều thuốc tiếp theo để giảm lượng thuốc đi vào cơ thể con. 

 

Tôi có thể dùng rượu, cà phê hoặc hút thuốc lá trong giai đoạn cho con bú không?

Nghiên cứu cho thấy, caffein với hàm lượng vừa phải (không nhiều hơn 2 cốc cà phê mỗi ngày) không gây hại cho bé bú mẹ.

Rượu dễ dàng đi vào sữa mẹ và được bé hấp thu nhanh. Hàm lượng rượu thấp, không thường xuyên không gây nguy hiểm cho con, nhưng uống nhiều rượu là điều cần tránh. Lý tưởng nhất, bà mẹ cần tạm ngưng cho con bú, ít nhất là trong vòng 2 giờ, sau khi uống rượu. Rượu có thể khiến con ngủ li bì và làm tổn thương các kỹ năng vận động.

Hút thuốc là điều không nên làm đối với bà mẹ cho con bú. Nicotin và các sản phẩm phụ của nó được phát hiện trong sữa. Hút thuốc trong thời gian cho con bú liên quan tới chứng đau bụng ở trẻ sơ sinh và làm giảm hàm lượng prolactin ở mẹ, khiến sữa cạn nhanh. Cũng cần giữ để bé không hít phải khói thuốc lá thụ động.

 

Thuốc không cần kê đơn có an toàn hơn thuốc kê đơn?

Không, các thuốc bán tự do không cần đơn của bác sĩ, kể cả các thuốc thảo dược, cũng không nhất thiết sẽ an toàn hơn thuốc phải kê dơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top