Theo các chuyên gia, kháng sinh có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn, cho phép cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh. Đề kháng kháng sinh (nhờn kháng sinh) nghĩa là vi khuẩn đã phát triển sự đề kháng, ngăn chặn khả năng tiêu diệt hoặc kềm chế của thuốc, dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, gây khó khăn cho việc điều trị.
Vi khuẩn phế cầu có thể gây ra những bệnh như viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm xoang hay viêm tai giữa. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ mắc và chịu những hậu quả từ các bệnh do phế cầu gây ra. Kháng sinh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn và ngăn cản sự phát triển của chúng.
Tuy nhiên, nhiều người lạm dụng để điều trị bệnh dù chưa thật sự cần thiết, dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh của nhiều tác nhân gây bệnh, trong đó có vi khuẩn phế cầu. Nhiều bệnh nhân chỉ hơi đau đầu, hắt hơi, nóng sốt đã dùng kháng sinh, không tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Những căn bệnh cảm cúm thường gặp hầu hết là do virus gây ra còn kháng sinh chỉ thật sự hữu hiệu trên bệnh nhân bị nhiễm khuẩn.
Khi đã xảy ra đề kháng kháng sinh, việc điều trị các bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra sẽ khó khăn hơn bởi những dấu hiệu ban đầu để nhận biết bệnh có thể bị che lấp. Việc xác định chính xác cần phải mất nhiều thời gian để xét nghiệm, chẩn đoán lại. Để điều trị cho các trường hợp này, các bác sĩ phải sử dụng kháng sinh mạnh nhất, đôi khi phải phối hợp nhiều loại khác nhau.
Tuy nhiên, nguy hiểm không chỉ đe dọa những người đã sử dụng kháng sinh tùy tiện mà tình trạng vi khuẩn đề kháng thuốc còn tác động đến cả cộng đồng. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý sẽ vô tình lựa chọn những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc (đề kháng với nhiều loại kháng sinh) cho cả cộng đồng. Điều này khiến cho việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thêm khó khăn. Do đó, không nên xem nhẹ thực trạng vi khuẩn phế cầu kháng thuốc và cần có biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo vắcxin ngừa vi khuẩn phế cầu cần được ưu tiên đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia dành cho trẻ em (theo tài liệu tham khảo WHO Position paper – Wkly Epidemiol Rec 2012;87(14):129-144). Đây là biện pháp chủ động, tiết kiệm, giúp giảm số ca mắc bệnh mới do nhiễm vi khuẩn phế cầu.
Ngoài tiêm phòng vắcxin, cần tạo ra môi trường sống lành mạnh cho các thành viên trong gia đình. Theo đó, cha mẹ nên thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, trước khi cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ. Đặc biệt, cho trẻ bú từ sớm, hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, cũng là biện pháp hiệu quả để bảo vệ bé khỏi các bệnh do phế cầu. Ngoài ra, người dân nên hạn chế tự sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh. Bệnh nhân chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, và dùng theo đơn đã kê, không dùng thuốc theo đơn cũ mà không đi khám lại...
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh