✴️ Huyết thanh kháng dại - FAVIRAB

MÔ TẢ

Huyết thanh kháng dại Favirab là globulin miễn dịch kháng dại đặc hiệu, được tinh chế từ huyết thanh của ngựa. Favirab có tác dụng tạo miễn dịch thụ động để bảo vệ người bệnh cho tới khi vắc xin phòng dại sinh ra các kháng thể chủ động để chống lại virus dại. Favirab được dùng cho các đối tượng bị phơi nhiễm với virus dại (Tiếp xúc với súc vật đã xác định hoặc nghi ngờ bị dại).

 

THÀNH PHẦN

Mỗi lọ huyết thanh kháng dại Favirab 5ml có chứa:

Globulin miễn dịch kháng dại đoạn F (ab’) tinh chế từ huyết thanh ngựa: 1000 - 2000 IU.

Tá dược: Poly sobate 80; NaCl; acid HCL hoặc NaOH để điều chỉnh PH; nước pha tiêm vừa đủ.

 

QUY CÁCH ĐÓNG GÓI

Hộp 1 lọ, lọ 5ml có chứa huyết thanh dạng dung dịch để tiêm.

 

CHỈ ĐỊNH

Favirab được chỉ định dự phòng bệnh dại cho các đối tượng nghi ngờ bị phơi nhiễm với virus dại. Đặc biệt trong trường hợp phơi nhiễm như: súc vật (chó, mèo…) bị dại hoặc nghi ngờ bị dại, cắn ở vị trí mặt, đầu, cổ, bàn tay…

Theo khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) về bệnh Dại, Favirab được chỉ định tiêm kết hợp với vaccine phòng dại.

Trường hợp ngoại lệ không phải dùng Favirab: Đối tượng đã được tiêm chủng vaccine phòng dại đầy đủ phác đồ trước đó và làm xét nghiệm xác định được nồng độ kháng thể kháng dại. Trong trường hợp đó thì chỉ cần tiêm vaccine phòng dại nhắc lại.

 

ĐƯỜNG DÙNG

Favirab được chỉ định tiêm bắp chậm.

Tiêm càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm.

 

LIỀU LƯỢNG

Liều khuyến cáo sử dụng là 40 IU/kg cân nặng cho cả người lớn và trẻ em.

 

CÁCH DÙNG

Điều quan trọng đầu tiên là thực hiện sơ cứu làm sạch vết thương, bất luận thời gian từ khi vết thương bị tiếp xúc với virus dại bao lâu.

Favirab phải được tiêm càng sớm càng tốt sau phơi nhiễm.

Tuy nhiên với trẻ em, đặc biệt trong các trường hợp nhiều vết thương, người ta khuyên nên pha loãng liều Favirab từ 2 đến 3 lần trong dung dịch NaCl 0,9% để đạt đủ số lượng Globulin miễn dịch kháng dại cho việc thâm nhiễm vết thương một cách phù hợp.

Không có trường hợp nào được khuyến nghị sử dụng quá liều bởi vì Globulin miễn dịch liều cao có thể làm giảm hiệu lực kháng thể do vaccine tạo ra.

Về mặt giải phẫu học nếu có thể được, nên chia liều sử dụng làm nhiều mũi quanh vết thương thì càng tốt. Lượng huyết thanh còn lại của liều phải được tiêm bắp (ở vùng mông) bằng một mũi tiêm.

Các vết thương ở một vài vị trí giải phẫu (các đầu ngón tay) khi tiêm quanh vết thuơng phải cẩn thận để ngăn ngừa tăng áp suất cục bộ trong mô.

Tổ chức y tế thế giới đã đưa ra khuyến cáo điều trị phơi nhiễm đối với bệnh dại ở bảng bên dưới.

Để ngăn ngừa bệnh dại sau phơi nhiễm, việc điều trị kết hợp Favirab và vắc xin phòng dại được khuyến cáo sử dụng. Mặc dù kinh nghiệm cho thấy đối với phơi nhiễm ít (loại II) chỉ dùng vaccine là có thể đủ.

Liều vaccine phòng dại thứ nhất phải được tiêm cùng lúc với Favirab. Tuy nhiên không được trộn lẫn trong cùng 1 bơm kim tiêm. Phải sử dụng bơm kim tiêm riêng và phải tiêm khác vị trí.

Nếu Favirab không có sẵn khi đã tiêm vaccine phòng dại, thì có thể tiêm Favirab sau. Tuy nhiên phải tiêm trong vòng 7 ngày sau liều tiêm vắc xin đầu tiên. Bởi vì sau 7-8 ngày vắc xin đã có thể giúp cơ thể sản sinh ra kháng thể chủ động phòng chống bệnh dại. Nếu tiêm thời điểm này huyết thanh kháng dại có thể ức chế quá trình sản xuất kháng thể chủ động do vắc xin tạo ra.

Nếu cần thiết, có thể tiêm phòng uốn ván và dùng các thuốc kháng sinh để phòng ngừa các nhiễm khuẩn khác.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Bệnh dại là bệnh gây tử vong, vì vậy không có bất cứ chống chỉ định định tiềm tàng nào đối với Favirab.

Tuy lợi ích mang lại khi tiêm huyết thanh lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ. Nhưng phải thật sự thận trọng khi cân nhắc tiêm Favirab cho các đối tượng quá mẫn với huyết thanh có nguồn gốc từ ngựa.

 

THẬN TRỌNG

Favirab chỉ được tiêm tại các Trung tâm kiểm soát bệnh dại hoặc các phòng tiêm vắc xin đủ điều kiện, dưới sự theo dõi của thầy thuốc.

Phải khai thác thật rõ các tiền sử dị ứng của bệnh nhân. Đặt biệt là tiền sử dị ứng với protein khác loài hay tiền sử dị ứng khi tiếp xúc hoặc với thực phẩm có nguồn động vật.

Có thể thực hiện thử nghiệm trong da: tiêm trong da dung dịch Favirab có độ pha loãng 1/10 (khoảng 0,1ml) ở phía trước cẳng tay để đạt được một nốt màu da cam (nốt cứng có đường kính 3mm). Một mũi tiêm trong da tương tự sử dụng dung dịch nước muối sinh lý để đối chứng. Đọc kết quả 15 phút sau đó. Phản ứng được coi là dương tính nếu tại nơi tiêm xuất hiện ban đỏ (phát ban) > 6 mm hoặc phù nề cư trú, hoặc phản ứng lan khắp toàn thân. Tuy nhiên, một kết quả kiểm tra âm tính không phải là một đảm bảo tuyệt đối là không có phản ứng lập tức nghiêm trọng hoặc phản ứng dị ứng dạng chậm. Bất luận thử nghiệm trong da này có được thực hiện hay không, hoặc bất luận kết quả như thế nào, Favirab chỉ được tiêm dưới sự giám sát của thầy thuốc.

Trong trường hợp bệnh nhân dị ứng với protein ngựa, thì nên sử dụng Globulin miễn dịch kháng dại có nguồn gốc từ người là thích hợp hơn. Nếu Globulin miễn dịch kháng dại có nguồn gốc từ người không có sẵn, tiêm ngay Favirab không được chậm trễ. Tuy nhiên phải được bác sỹ giám sát chặt chẽ, nhằm phòng ngừa trường hợp sốc phản vệ có thể xảy ra.

Trong trường hợp dị ứng hoặc phản ứng dị ứng toàn thân, phải ngưng tiêm ngay lập tức.

Các vết thương ở một vài vị trí giải phẫu cơ thể (các đầu ngón tay) phải được chăm sóc để phòng ngừa sự tăng áp xuất cục bộ trong mô (triệuchứng ngăn gian).

Theo khuyến cáo của WHO Favirab nên kết hợp với vắc xin phòng dại. Việc điều trị kết hợp Favirab và vắc xin phòng dại phải được tiêm khác vị trí, tiêm ở các vị trí đối diện và phải sử dụng bơm kim tiêm riêng cho từng loại.

Ngoại trừ các đối tượng đã được tiêm phòng dại đầy đủ và đã xác định được nồng độ kháng thể trung hòa, thì chỉ cần tiêm vắc xin nhắc lại, không cần tiêm Favirab.

Sử dụng các sản phẩm huyết thanh kháng dại khác thì không cần tiêm nhắc lại Favirab hay bất cứ huyết thanh kháng dại nào khác. Một khi đã bắt đầu điều trị với vaccine, việc tiêm nhắc lại Favirab hay huyết thanh kháng dại khác có thể làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine.

Không được tiêm Favirab vào trong lòng mạch máu trong bất cứ trường hợp nào.

Phải tránh dùng corticosteroid vì nó có thể làm giảm đáp ứng miễn dịch.

Vì bản chất Favirab là protein khác loại, (nguồn gốc không phải từ người) nên luôn luôn phải tính đến nguy cơ quá mẫn, sốc phản vệ.

Trong trường hợp sốc, phải tiến hành điều trị ngay tình trạng sốc. Phải luôn chuẩn bị đầy đủ thuốc cấp cứu và các phương tiện y tế cần thiết để đề phòng các phản ứng quá mẫn, sock phản vệ sau khi tiêm Favirab.

 

PHỤ NỮ CÓ THAI – ĐANG CHO CON BÚ

Chưa có nghiên cứu lâm sàng trên các đối tượng này. Tuy nhiên bệnh dại gắn liền với nguy cơ tử vong. Vì vậy phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không phải là chống chỉ định tiêm Favirab sau khi bị phơi nhiễm.

Tuy nhiên, nếu có thể lựa chọn thì Globulin miễn dịch kháng dại có nguồn gốc từ người là thích hợp hơn.

Tác dụng không mong muốn

Một số phản ứng không mong muốn được ghi nhận lại, có thể xảy ra sau khi sử dụng Favirab:

Ít gặp: quá mẫn; mày đay; hạ huyết áp; khó thở.

Hiếm gặp hơn (1/10.000): phù Quincke (sưng đột ngột vùng mặt và cổ).

Phản ứng huyết thanh dạng chậm: sốt; ngứa; ban đỏ; mày đay; bệnh lý hạch bạch huyết; đau khớp.

 

TƯƠNG TÁC THUỐC

Huyết thanh kháng dại có thể làm giảm đáp ứng miễn dịch của một số loại vắc xin vi rút sống như: sởi, quai bị, Rubella sống. Nếu các vắc xin này phải dùng thì phải cách ít nhất là 3 tháng sau khi tiêm huyết thanh kháng dại Favirab.

 

BẢO QUẢN

Bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8°C.

Không được làm đông băng huyết thanh.

Loại bỏ khi huyết thanh bị đông đá. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top