THÀNH PHẦN
Hoạt chất chính trong thuốc là Clindamycin với hàm lượng 300mg.
Ngoài ra còn có các tá dược vừa đủ 1 viên.
CHỈ ĐỊNH
Phòng ngừa viêm màng trong tim hoặc nhiễm khuẩn do phẫu thuật cấy ghép cho người dị ứng với penicillin hoặc đã điều trị lâu dài bằng penicillin.
Áp xe phổi, nhiễm khuẩn hô hấp nặng do Streptococcus, Staphylococcus và Pneumococcus.
Nhiễm khuẩn trong ổ bụng.
Nhiễm khuẩn vết thương mưng mũ (phẫu thuật hoặc chấn thương).
Nhiễm khuẩn máu.
Sốt hậu sản do nhiễm trùng đường sinh dục, nhiễm khuẩn nặng vùng chậu hông và đường sinh dục nữ như viêm màng trong tử cung, áp xe vòi trứng không do lậu cầu, viêm tế bào chậu hông và nhiểm khuẩn băng quấn ở âm đạo sau phẫu thuật do vi khuẩn kỵ khí.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Quá mẫn cảm với clindamycin hay lincomycin.
Tiêu chảy.
LIỀU LƯỢNG - CÁCH DÙNG
Uống thuốc với 1 ly nước đầy.
Người lớn: 150 - 300 mg x 1 lần/6 giờ hoặc 450 mg x 1 lần/6 giờ nếu nhiểm khuẩn nặng.
Trẻ em: 3-6 mg/kg thể trọng, 6 giờ 1 lần.
Trẻ em dưới 1 tuổi (hoặc cân nặng dưới 10 kg): Dùng dạng dung dịch uống, 37,5 mg x 1 lần/8 giờ.
Phòng ngừa viêm màng trong tim hoặc nhiễm khuẩn do phẫu thuật cấy ghép: 600 mg (10 mg/kg đối với người lớn) uống 1-2 giờ trước khi phẫu thuật và 300 mg (5mg/kg) uống 6 giờ sau khi phẫu thuật.
Sốt hậu sản do nhiễm trùng đường sinh dục:
Sốt nhưng không có biểu hiện ốm lâm sàng: Amoxycilin + acid clavulanic.
Sốt kéo dài hơn 48 giờ: clindamycin 300 mg x 1 lần/8 giờ (nếu do Mycoplasma) cho đến khi hết sốt hoặc 500 mg erythromycin (nếu do Ureaplasma).
TÁC DỤNG PHỤ
Clindamycin có nguy cơ cao gây viêm đại tràng giả mạc do độc tố của Clostridium difficile tăng quá mức. Ðiều này xảy ra khi những vi khuẩn thường có ở đường ruột bị clindamycin tiêu diệt (đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân suy giảm chức năng thận).
Ở một số bệnh nhân (0,1 - 10%) viêm đại tràng giả mạc có thể phát triển rất nặng và dẫn đến tử vong. Viêm đại tràng giả mạc được đặc trưng bởi: Đau bụng, tiêu chảy, sốt, có chất nhầy và máu trong phân. Soi trực tràng thấy những mảng trắng vàng trên niêm mạc đại tràng.
Tác dụng không mong muốn ở đường tiêu hóa chiếm khoảng 8% bệnh nhân.
Thường gặp:
Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy do clostridium difficile.
Ít gặp:
Mày đay, phản ứng tại chỗ sau tiêm bắp, viêm tắc tĩnh mạch sau khi tiêm tĩnh mạch.
Hiếm gặp:
Sốc phản vệ, tăng bạch cầu ưa eosin và giảm bạch cầu trung tính có hồi phục, viêm đại tràng giả mạc, viêm thực quản, tăng transaminase gan có hồi phục.
CHÚ Ý ĐỀ PHÒNG
Clindamycin nên được dùng thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử bị bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt bị viêm đại tràng và ngừng ngay khi xuất hiện tiêu chảy hoặc viêm đại tràng. Ở bệnh nhân nữ trung niên và cao tuổi dễ xảy ra tiêu chảy nghiêm trọng hoặc viêm đại tràng giả mạc.
Cần thận trọng ở những bệnh nhân dị ứng.
Kiểm tra định kỳ chức năng gan, thận và tế bào máu ở những bệnh nhân điều trị dài ngày và ở trẻ em.
Thận trọng với bệnh nhân có tiền sử viêm đại tràng.
Khuyến cáo điều chỉnh liều dùng và định kỳ phân tích enzym gan cho các bệnh nhân suy gan nặng.
Phụ nữ có thai chỉ dùng clindamycin khi thật cần thiết.
Clindamycin bài tiết vào sữa mẹ (khoảng 0,7 - 3,8 microgam/ml), vì vậy nên tránh cho con bú trong thời gian điều trị thuốc.
Ảnh hưởng của clindamycin trên khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc chưa được đánh giá một cách có hệ thống.
TƯƠNG TÁC THUỐC
Clindamycin làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai steroid vì làm giảm hoạt tính của chất này.
Khi sử dụng chung với Erythromycin thì 2 thuốc sẽ cạnh tranh nhau do cùng tác dụng tại 1 vị trí của ribosom của vi khuẩn.
Khi sử dụng chung với hỗn dịch kaolin-pectin, khả năng hấp thu của clindamycin sẽ giảm.
Không nên dùng với các chất làm giảm nhu động ruột vì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng ở đường tiêu hóa.
BẢO QUẢN
Bảo quản ở nhiệt độ phòng, dưới 25 độ C và tránh ánh sáng trực tiếp từ môi trường.
Để xa tầm tay trẻ em và các động vật.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh