Suy giáp là tình trạng mà tuyến giáp không sản xuất hoặc không tiết ra đủ lượng hormone thyroid mà cơ thể cần.
Mục đích của việc điều trị suy giáp là để đưa mức hormone kích thích tuyến giáp (TSH) về mức bình thường trong cơ thể. Việc này sẽ giúp kích thích tuyến giáp giải phóng ra hormone thyroid và giúp bạn cảm thấy có nhiều năng lượng hơn, giảm được tình trạng mệt mỏi do bệnh suy giáp gây ra.
Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh suy giáp, các bác sỹ có thể sẽ kê cho bạn một loại hormone tổng hợp, giúp ổn định lượng hormone thyroid của bạn. Nhưng có một vài chú ý về việc sử dụng các loại thuốc này mà bạn cần biết.
Dưới đây là những cách giúp bạn tránh mắc phải những sai lầm khi sử dụng thuốc điều trị suy giáp.
Sai lầm #1: Dùng thuốc suy giáp với thức ăn
Hormone thyroid tổng hợp sẽ không được hấp thu tốt, trừ khi bạn dùng thuốc khi chưa ăn gì và đợi 45-60 phút sau khi uống thuốc mới nên ăn uống. Để thực hiện được việc này một cách đơn giản nhất, bạn nên uống thuốc vào buổi sáng, ngay sau khi thức dậy. Nhiều người có thói quen đặt đồng hồ báo thức vào 5 giờ sáng, dậy uống thuốc sau đó lên giường ngủ tiếp để đảm bảo rằng họ đã uống thuốc khi dạ dày rỗng.
Nếu bạn lựa chọn việc uống thuốc vào buổi tối, hãy chắc chắn rằng, bạn không ăn uống gì trong vòng 4 tiếng trước khi uống thuốc.
Sai lầm #2: Uống hormone thyroid tổng hợp cùng với các loại thuốc khác
Cũng như việc nên uống thuốc khi chưa ăn gì, bạn cũng nên tránh sử dụng các loại thuốc khác cùng lúc với việc uống hormone thyroid tổng hợp. Đặc biệt là các loại thuốc kháng axit, canxi, thuốc hạ cholesterol và thực phẩm bổ sung sắt (viên sắt) là những loại thuốc có thể gây cản trở quá trình hấp thu hormone thyroid của cơ thể.
Theo trường đại học Y Colorado, nếu phải uống các loại thuốc này, bạn nên uống thuốc trước hoặc sau khi uống hormone thyroid tổng hợp 4 giờ. Đa số các loại thuốc khác nên được uống sau 45 phút – 1 tiếng sau khi bạn sử dụng hormone thyroid tổng hợp.
Sai lầm #3: Bắt đầu dùng thuốc hoặc ngừng uống thuốc mà không thông báo cho bác sỹ
Theo Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ, một số loại thuốc có thể sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thu hormone thyroid, bao gồm thuốc tránh thai, estrogen, testosterone, thuốc chống co giật và một số thuốc điều trị trầm cảm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn không dùng được những loại thuốc này.
Bạn vẫn có thể sử dụng các loại thuốc ở trên, với điều kiện hãy thông báo cho bác sỹ điều trị. Bởi sẽ phải mất một khoảng thời gian rất lâu, với nhiều lần thử nghiệm liều thuốc khác nhau, bác sỹ mới có thể tìm ra liều hormone thyroid phù hợp với bạn. Do vậy, bất cứ thay đổi nào trong việc dùng bất cứ loại thuốc nào cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến lượng hormone thyroid và liều hormone sẽ cần phải được điều chỉnh lại.
Sai lầm #4: Cho rằng việc thay đổi nhãn thuốc là không quan trọng
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), mọi nhãn thuốc, thương hiệu thuốc đều có loại thuốc chứa cùng một lượng hormone thyroid nhất định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nội tiết, thì thực ra, vẫn có một vài thành phần hormone khác nhau giữa các thương hiệu, và đây chính là các yếu tố có thể gây cản trở quá trình hấp thu thuốc của mỗi người. Bởi vậy, khi đi mua thuốc kê đơn tại hiệu thuốc, bạn không nên dùng thuốc của nhiều nhãn hiệu, thương hiệu khác nhau, cũng không nên đổi thuốc giữa các nhãn hiệu mà không thông báo cho bác sỹ (mặc dù cùng là thuốc chứa hormone thyroid).
Sai lầm #5: Sử dụng quá nhiều hormone thyroid
Hormone thyroid tổng hợp T4 thường tương đối an toàn, nên bạn sẽ không cần phải lo lắng nếu chẳng may uống quá nhiều. Nhưng, nếu bạn uống quá nhiều loại thuốc này, thì bạn có thể sẽ xuất hiện các phản ứng phụ, ví dụ như mệt mỏi, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sự tập trung hoặc nhịp tim bất thường.
Nếu bạn sử dụng loại hormone tổng hợp, có chứa cả hormone T3 và T4, thì bạn cần tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc của bác sỹ, bởi uống quá liều trong trường hợp này sẽ hết sức nguy hiểm. Theo Hiệp hội về tuyến giáp Hoa Kỳ, các phản ứng phụ có thể xảy ra do việc uống quá nhiều hormone tuyến giáp tổng hợp (chứa cả hormone T3 và T4) bao gồm: mạch nhanh, lo âu, các vấn đề về giấc ngủ, các vấn đề với tim và xương. Nếu chẳng may bạn uống quá liều loại thuốc này, hãy liên lạc với bác sỹ điều trị ngay.
Sai lầm #6: Uống thuốc không đều đặn
Để thuốc phát huy hiệu quả, bạn cần phải uống thuốc thường xuyên và liên tục. Quên uống thuốc, uống thuốc không đúng giờ, hoặc thỉnh thoảng uống thuốc sau khi ăn, thỉnh thoảng lại uống thuốc khi dạ dày rỗng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc.
Bạn cần phải uống thuốc đúng liều, vào cùng một giờ, theo cùng một cách mỗi ngày (ví dụ uống vào buổi sáng sớm vừa ngủ dậy). Bạn có thể đặt báo thức trên đồng hồ hoặc điện thoại để nhắc nhở việc uống thuốc. Nếu bạn quên uống 1 liều thuốc, hãy uống bổ sung càng sớm càng tốt, ngay sau khi bạn nhớ ra. Nhưng nếu thời điểm bạn nhớ ra gần với thời điểm uống thuốc lần tiếp theo, thì hãy bỏ qua liều thuốc mà bạn đã quên, và uống thuốc đúng như lịch. Trong những trường hợp như vậy, không nên uống gấp đôi liều để bù cho liều thuốc đã bị bạn quên.
Sai lầm #7: Ăn quá nhiều một số loại thực phẩm nhất định
Trong đa số các trường hợp, bạn sẽ không gặp phải vấn đề gì với thực phẩm nếu bạn đợi ít nhất là 45 phút sau khi uống thuốc mới ăn uống. Nhưng nếu bạn không đợi đủ khoảng thời gian này, thì một số loại thực phẩm nhất định có thể sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc điều trị suy giáp. Những loại thực phẩm này bao gồm các thực phẩm giàu canxi, như sữa, pho mát, sữa chua, cải xoăn và rau bina.
Theo trường đại học Y khoa Colorado, ăn nhiều đậu nành cũng có thể ảnh hưởng đến việc hấp thu hormone thyroid. Nhưng nếu bạn ăn cùng một lượng đậu nành, đều đặn hàng ngày, thì các bác sỹ điều trị có thể sẽ tìm ra được liều hormone phù hợp cho bạn để chống lại tác dụng của đậu nành. Do vậy, hãy đảm bảo rằng bạn ăn một lượng đậu nành như nhau hàng ngày để không ảnh hưởng đến việc dùng thuốc điều trị suy giáp.
Sai lầm #8: Sử dụng một số loại thực phẩm chức năng nhất định
Các bác sỹ điều trị cũng nên được thông báo về các loại thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng, bởi những loại thực phẩm này có thể ảnh hưởng đến việc điều trị suy giáp của bạn, đặc biệt là nếu thực phẩm chức năng có chứa iot. Mặc dù iot rất cần thiết cho việc sản xuất ra hormone thyroid của cơ thể, nhưng đa số mọi người tại Việt Nam đều có đủ lượng iot thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Do vậy, nếu uống bổ sung quá nhiều iot có thể sẽ khiến lượng hormone thyroid của bạn tăng lên quá cao hoặc giảm xuống quá thấp. Tốt nhất, bạn nên tránh hoàn toàn các loại thực phẩm chức năng có chứa iot.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh