✴️ Thuốc giãn cơ trơn niệu quản sử dụng trong điều trị sỏi tiết niệu

Thuốc giãn cơ trơn niệu quản có tác dụng giảm đau và giãn cơ trơn niệu quản giúp viên sỏi dễ dàng di chuyển thoát ra ngoài. Cùng tìm hiểu về thuốc giãn cơ trơn niệu quản điều trị sỏi tiết niệu trong bài viết dưới đây.

 

1. Thuốc giãn cơ trơn niệu quản hoạt động như thế nào?

Trong cơ thể con người có 3 loại cơ là cơ vân, cơ tim và cơ trơn. Cơ trơn hay còn được gọi là cơ tạng, cơ trơn bao quanh các tạng rỗng (đường ruột) hay các ống dẫn trong cơ thể con người (đường tiết niệu, đường mật, tử cung, phế quản…). Khi cơ thể không điều khiển được sự hoạt động của cơ trơn sẽ tạo ra sự co thắt của cơ này ngoài ý muốn. Cơ trơn co thắt không điều khiển được gây ra tình trạng đau đớn. Cơ trơn niệu quản co thắt gây cản trở sự bài xuất của nước tiểu và các viên sỏi nhỏ.

Thuốc giãn cơ trơn niệu quản là một trong những loại thuốc trong điều trị bệnh sỏi niệu quản và sỏi tiết niệu.

Thuốc giãn cơ trơn niệu quản có tác dụng làm giãn cơ trơn niệu quản, giảm cường độ và nhịp độ co bóp của cơ trơn niệu quản, từ đó giúp giảm đau.

Khi sử dụng thuốc giãn cơ trơn niệu quản cũng cần đặc biệt lưu ý vì thuốc có thể làm mờ đi triệu chứng của bệnh. Khiến bệnh trở nặng hoặc xuất hiện những phản ứng của cơ thể.

Thuốc giãn cơ trơn niệu quản hoạt động giúp giảm đau

Thuốc giãn cơ trơn niệu quản giúp giảm đau, giảm co thắt co trơn niệu quản

 

2. Thuốc giãn cơ trơn niệu quản thường dùng

Có nhiều loại thuốc giãn cơ trơn niệu quản nhưng thường gặp nhất là hai loại drotaverin và alverin citrate.

2.1. Thuốc giãn cơ trơn niệu quản drotaverin

– Có 2 dạng bào chế là dạng uống và dạng tiêm, chúng có tác dụng như nhau.

– Dạng uống sẽ hấp thụ hoàn toàn sau 12 phút kể từ khi uống.

– Dạng tiêm sẽ bắt đầu có tác dụng sau khi tiêm từ 2 đến 4 phút, tối đa là 30 phút sau tiêm.

– Thuốc điều trị sỏi tiết niệu có tác dụng giảm các cơn đau quặn thận do sỏi gây ra, giảm co thắt đường tiết niệu (niệu quản) do sỏi, viêm nhiễm, ứ đọng nước tiểu gây ra.

– Tác dụng phụ của thuốc: Gây buồn nôn và nôn, gây chóng mặt, nhức đầu, hồi hộp đánh trống ngựa. Với một số trường hợp tiêm tĩnh mạch có thể gây tụt huyết áp. Do đó khi thao tác tiêm, cần tiêm thật chậm.

– Đối với bệnh sỏi mật, thuốc có thể làm lu mờ triệu chứng bệnh dẫn đến bệnh trở nặng lúc nào không hay.

Không được tự ý sử dụng drotaverin, cần sử dụng theo liều lượng kê đơn của bác sĩ chuyên khoa.

2 loại thuốc giãn cơ trơn niệu quản phổ biến

Có nhiều loại thuốc giãn cơ trơn nhưng thường gặp nhất là hai loại Drotaverin và Alverin citrate

2.2. Thuốc giãn cơ trơn niệu quản Alverin citrat

– Thuốc có tác dụng trực tiếp lên cơ trơn niệu quản, làm giúp giảm sưng phù và cơn đau co thắt.

– Thuốc còn thường được dùng giảm đau trong viêm loét dạ dày – tá tràng, bệnh đường ruột, viêm đại tràng…

– Tác dụng phụ của thuốc thường gặp là buồn nôn, nôn và chóng mặt, hiện tượng tiểu ra máu, táo bón hoặc sốt. Khi thấy bất cứ một hiện tượng bất thường nào khác cần ngừng thuốc và đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

 

3. Lưu ý đặc biệt khi sử dụng thuốc giãn cơ trơn niệu quản

– Một số loại thuốc giãn cơ trơn có thể khiến người bệnh bị nghiện khi sử dụng. Do đó, không bao giờ được tự ý sử dụng thuốc. Cần tuân thủ nghiêm ngặt liều dùng và cách dùng do bác sĩ chỉ định.

– Đây là nhóm thuốc có tác động lên hệ thần kinh trung ương, do đó nếu sử dụng quá liều sẽ dẫn đến ảo giác và gây sốc.

– Thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương cũng khiến bạn buồn ngủ, mất tập trung…

– Khi sử dụng thuốc bạn nên kiêng tuyệt đối các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…

– Nếu bệnh nhân tuổi cao, có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, suy gan, suy thận hãy nói cho bác sĩ thăm khám và kê đơn cho bạn.

– Khi xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chữa trị kịp thời.

 

4. Lời khuyên cho bệnh nhân bị sỏi niệu quản

– Đối với mọi bệnh lý sỏi tiết niệu nói chung và bệnh sỏi niệu quản nói riêng cần lưu ý đầu tiên phải uống đầy đủ nước mỗi ngày. Cơ thể đủ nước giúp tăng cường bài tiết nước tiểu. Sỏi tiết niệu khi kích thước nhỏ sẽ có cơ hội đào thải ra khỏi cơ thể theo đường tiểu.

– Hạn chế ăn mặn, theo khuyến cáo không nên ăn quá 2g muối mỗi ngày. Tránh ăn các thực phẩm có nồng độ muối cao như cá muối, thịt muối.

– Giảm ăn các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu, thịt dê… Thay vào đó ăn các loại thịt gia cầm như gà, ngan, vịt…

– Tăng cường bổ sung các loại rau xanh, trái cây tươi để bổ sung khoáng chất và vitamin cho cơ thể…

– Không nên nhịn tiểu vì làm nước tiểu ứ đọng, tạo điều kiện cho sỏi hình thành.

– Thường xuyên vận động thể chất giúp cơ thể khỏe mạnh.

– Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nguy cơ bệnh tật bên trong cơ thể. Với sỏi niệu quản và sỏi tiết niệu, thăm khám sớm xử lý khi viên sỏi có kích thước nhỏ sẽ dễ dàng hơn.

chế độ ăn cho người bị sỏi tiết niệu

Người bị sỏi tiết niệu nói chung nên tăng cường thực phẩm từ rau xanh và trái cây tươi

 

5. Các phương pháp điều trị dứt điểm sỏi niệu quản hiện nay

Việc sử dụng thuốc giãn cơ trơn niệu quản có tác dụng giảm đau, giãn niệu quản tạo điều kiện cho những viên sỏi nhỏ có thể thoát theo đường nước tiểu. Tuy nhiên, thuốc không điều trị được những trường hợp có sỏi lớn.

Hiện nay, có ba phương pháp tán sỏi tiết niệu công nghệ cao an toàn, không mổ, không đau giúp ích rất lớn trong điều trị dứt điểm sỏi tiết niệu.

Ba phương pháp tán sỏi công nghệ cao đó là:

– Công nghệ tán sỏi tiết niệu ngoài cơ thể: Dùng máy tán sỏi phá vỡ viên sỏi từ bên ngoài cơ thể bằng sóng xung kích. Phương pháp tán sỏi này hoàn toàn không xâm lấn, an toàn, không đau…

– Công nghệ tán sỏi tiết niệu qua da: Tán sỏi tiết niệu thông qua một đường hầm nhỏ được tạo trên da xuyên vào vùng có sỏi. Đường kính đường hầm nhỏ chỉ khoảng 5mm – 1cm. Công nghệ tán sỏi này xâm lấn cực nhỏ, ít chảy máu, hạn chế nhiễm trùng tối đa…

– Công nghệ tán sỏi nội soi ngược dòng: Tán sỏi tiết niệu thông qua cơ chế nội soi theo đường tự nhiên. Không mổ, không đau, điều trị sỏi tối đa trong lần tán đầu tiên…

Sỏi niệu quản nói riêng và sỏi tiết niệu nói chung thường gặp ở Việt Nam. Thuốc giãn cơ trơn niệu quản được chỉ định trong điều trị sỏi tiết niệu. Thuốc chủ yếu có tác dụng giảm đau do đó cần tuân thủ chỉ định sử dụng từ bác sĩ chuyên khoa.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top