✴️ Bệnh loét da ở người cao tuổi

Nguyên nhân loét da ở người cao tuổi 

Trong các bệnh loét da ở người cao tuổi thì loét da chi dưới chiếm tỷ lệ rất cao (khoảng 70%) do hệ thống van một chiều của tĩnh mạch chân suy yếu làm khó khăn cho máu trở về tim, máu ứ đọng lại gây loét da ở cẳng chân.

Bệnh có thể xảy ra một bên hoặc cả hai bên cẳng chân. Bệnh cũng có thể biểu hiện loét ở da mắt cá trong do ứ trệ tĩnh mạch bên dưới.

Mắt cá ngoài của người cao tuổi cũng có thể bị loét, loét mắt cá ngoài lại có liên quan đến chấn thương làm lở loét do đi lại không vững gây vấp, trượt chân hoặc do một số động mạch của chi dưới bị suy yếu…

Một số người cao tuổi do nằm lâu bởi một số bệnh như tai biến mạch máu não, chấn thương gãy xương phải cố định hoặc bó bột phải nằm dài ngày.

Sức yếu không cử động, không thay đổi tư thế được hoặc muốn cử động, muốn thay đổi tư thế nhưng không có người hỗ trợ thì những vùng bị tì đè nhiều cũng rất dễ gây loét như vùng mông, bả vai, hai mạng sườn, vùng chẩm, gót chân…

loét da ở người cao tuổi

Người cao tuổi do một nguyên nhân nào đó phải nằm liệt giường có nguy cơ cao bị loét da

Các dạng loét da ở người cao tuổi do tì đè này chủ yếu do da ở vùng đó thiếu chất dinh dưỡng bởi máu không lưu thông được trong một thời gian dài.

Một số người cao tuổi bị loét da có thể do suy dinh dưỡng bởi ăn uống thiếu (thiếu cả về số lượng, cả về chất lượng) hoặc không ăn được do bệnh tật, vì vậy lớp cơ, lớp mỡ dưới da mỏng đi rất nhiều và nếu bị tì đè nhiều thì da sẽ bị loét.

Ở một số người cao tuổi bị mất cảm giác đau do chấn thương cột sống, do tai biến mạch máu não cũng có thể bị loét da.

Ngày nay, người ta thường nhắc đến loét da ở bệnh nhân bị đái tháo đường là do mạch máu ở một số vùng như bàn chân của người đái tháo đường bị tổn thương làm cho máu không đến được gây loét da.

Một số người cao tuổi do tình trạng vệ sinh kém bởi vì tuổi cao, sức yếu không có người chăm sóc, vệ sinh tắm rửa hằng ngày cũng rất dễ bị loét da. Loét da dễ gây nhiễm khuẩn.

Người cao tuổi lại có sức đề kháng bị suy giảm một cách đáng kể do tuổi tác, do đó da của người cao tuổi trở nên nhăn nheo, giảm tính đàn hồi, khô hơn do đó da của người cao tuổi rất dễ mắc bệnh.

Triệu chứng loét da ở người cao tuổi

Bệnh thường gặp nhất là ngứa. Ngứa có thể chỉ mang tính chất đơn thuần do giảm nội tiết tố trong cơ thể (ví dụ testosterol), nhưng ngứa ở người cao tuổi cũng có thể do viêm da cơ địa.

Đa số người cao tuổi thường bị bệnh dày sừng làm cho bề mặt da ở vùng đó trở nên khô, nhám. Người cao tuổi cũng có thể gặp bệnh zona – một bệnh do virus Zoster gây ra, có trường hợp bệnh zona cũng có thể gây loét từng mảng, gây đau nhức và có thể bị nhiễm khuẩn.

Bệnh vảy nến cũng là một bệnh rất dễ gặp ở người cao tuổi, người cao tuổi cũng có thể mắc bệnh bạch biến do mất hắc tố melamin của da làm cho da có màu trắng giống như màu của tờ giấy.

Ngoài ra, người ta còn gặp một số bệnh về da ở người cao tuổi như bệnh tự miễn, bệnh da đỏ toàn thân tróc vảy, lang ben, hắc lào hoặc ung thư da.

Trong các bệnh về da ở người cao tuổi thì bệnh loét da là một trong các loại bệnh gây nhiều phiền toái không chỉ cho người bệnh mà còn cho cả gia đình.

loét da ở người cao tuổi

Vùng loét sẽ dần dần lan rộng ra

Phòng ngừa loét da ở người cao tuổi

Giữ vệ sinh là biện pháp hiệu quả phòng bệnh da ở người cao tuổi Tuỳ theo từng nguyên nhân mà có các biện pháp nhằm ngăn ngừa loét da cho người cao tuổi.

– Khi người cao tuổi phải nằm lâu ngày, thậm chí không ngồi dậy được thì người nhà, người chăm sóc cần thay đổi tư thế cho người bệnh. Những vùng bị tì, đè nhiều cần được vệ sinh sạch sẽ và xoa bóp hàng ngày. Nếu có điều kiện thì cho người bệnh nằm đệm chuyên dụng cho người nằm lâu, ít cử động (ví dụ dùng đệm bằng hơi hoặc nước).

– Có thể dùng một số thuốc mỡ có kháng sinh thoa vào các vùng bị loét để phòng bị nhiễm khuẩn. Không nên lạm dụng thuốc ngủ cho người cao tuổi có nguy cơ bị loét da vì uống thuốc ngủ sẽ làm cho người bệnh giảm các vận động, ngay cả việc thay đổi tư thế khi nằm.

– Những người cao tuổi bị đái tháo đường luôn lưu ý là kiểm tra bàn chân mỗi ngày để phát hiện vết loét, cần chọn giày, dép mềm mại, không chật để sử dụng.

– Người cao tuổi khi bị giãn tĩnh mạch chân cần đi khám bệnh để được bác sĩ điều trị và tư vấn những điều cần thiết, không nên chủ quan. Vấn đề dinh dưỡng cho người cao tuổi để phòng loét da cũng là một việc rất cần được quan tâm.

Vì vậy cần có chế độ ăn uống hợp lý để có đủ năng lượng, giàu protein, giàu sinh tố, khoáng chất. Tuy vậy, việc nâng cao sức đề kháng cho người cao tuổi có nhiều biện pháp khác nhau nhưng còn tuỳ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng người.

– Ăn uống đủ chất và đủ số lượng trong từng bữa ăn là hết sức quan trọng. Trong các bữa ăn nên hạn chế ăn thịt mà tăng cường ăn cá, rau và quả.

– Cá, rau và quả có rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho mọi cơ quan trong cơ thể vì chúng cung cấp các loại vitamin, đồng thời trong rau có nhiều chất xơ là loại góp phần chống táo bón ở người cao tuổi.

Bên cạnh thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt, đều đặn thì phải luôn giữ vệ sinh cá nhân như tắm rửa và thay quần áo hằng ngày.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top