Khi dùng một thuốc nào đó cùng với thuốc nhuận tràng rất có thể thuốc đó sẽ bị tống ra ngoài sớm (do thuốc nhuận tràng làm tăng nhu động ruột) do đó làm giảm hấp thu, tác dụng của thuốc dùng đồng thời với thuốc nhuận tràng.
Khi bán thuốc cho người cao tuổi nên hỏi xem họ có đang dùng thuốc nhuận tràng hay không (có thể tự dùng hoặc bác sĩ kê dùng. Do có sự suy giảm về trí nhớ nên khi dùng thuốc người cao tuổi có thể quên tên thuốc, liều dùng hoặc nhầm lẫn thuốc, liều dùng… và rất dễ gặp tai biến do sự nhầm lẫn này gây nên.
Khi về già tình trạng đau xương khớp, loãng xương là không tránh khỏi. Tình trạng này khiến người cao tuổi ngại vận động nên uống thuốc ở tư thế nằm làm cho thuốc không xuống tới dạ dày kết hợp với lượng nước uống ít nên thuốc đọng lại ở thực quản (gây loét với một số thuốc), gây sỏi thận (như sulffamid) nếu uống ít nước…
Lưu ý một số nguyên tắc chung nhất:
- Trước tiên phải hỏi kỹ tiền sử, bệnh sử của người bệnh, đặc biệt hỏi kỹ về các thuốc đã và đang sử dụng, liều dùng, tiền sử dị ứng.
- Đối với một số bệnh mãn tính như: tăng huyết áp, tiểu đường… cần nhắc nhở người lớn tuổi không được tự ý ngừng thuốc mặc dù thuốc có đáp ứng tốt, bệnh ổn định mà cần phải khám định kỳ để dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ.
- Hạn chế tối đa việc dùng thuốc cho người cao tuổi, chọn phác đồ đơn giản, ít thuốc, tránh các thuốc có nguy cơ tương tác cao (cimetidin, erythromycin, các antacid..), nhất là các thuốc được cho là "thuốc bổ", hay thực phẩm chức năng. Nếu phải dùng thuốc thì chọn các loại thuốc ít độc với gan, thận và hiệu quả cao, luôn theo dõi sát tình trạng bệnh để xử lý kịp thời.
- Về dạng thuốc chọn dạng lỏng, dễ nuốt, tránh dùng dạng thuốc sủi bọt đối với người bị bệnh tăng huyết áp, suy tim (dạng thuốc sủi bọt luôn chứa natri sẽ làm tăng huyết áp).
- Liều dùng phải thích hợp, luôn thấp hơn liều người trưởng thành, theo dõi chức năng gan, thận để hiệu chỉnh liều phù hợp.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh