✴️ Kỹ năng truyền thông tư vấn giáo dục sức khỏe (P2)

Nội dung

CÁC KỸ NĂNG TRUYỀN THÔNG GIAO TIẾP CƠ BẢN CẦN RÈN LUYỆN

Thực tế có thể nhận thấy thực hành truyền thông, giao tiếp hiệu quả rất khác nhau ở người này hay người khác. Phần lớn những người có kỹ năng truyền thông giao tiếp tốt là những người đã trải qua học hỏi và rèn luyện trong thực tế. 

Kỹ năng nói

Lời nói là công cụ trong giao tiếp hàng ngày của con người. Trong TT-GDSK sử dụng lời nói trực tiếp thường đem lại hiệu quả cao nhất. Thực tế không phải ai cũng biết sử dụng lời nói hiệu quả. Nói như thế nào để người nghe dễ nhớ và thuyết phục họ hành động thì cần rèn luyện. Khi nói không chỉ bằng lời mà cần kết hợp với các giao tiếp không lời như ánh mắt, nét mặt, các động tác cơ thể. Lời nói phải thể hiện hài hòa với các cử chỉ, động tác, nét mặt, ánh mắt… (gọi là ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ cơ thể).

Mỗi người có thể làm cho cách nói có hiệu quả hơn bằng cách áp dụng những nguyên tắc cơ bản khi nói:

Đảm bảo tính chính xác: Vấn đề trình bày có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Nói rõ ràng: Các từ ngữ phải được chọn lựa cẩn thận, ngắn gọn, xúc tích.

Nói đầy đủ: Đảm bảo đủ thông tin cần thiết tránh hiểu lầm.

Nói theo hệ thống và logic: Các nội dung cần nói phải liên tục, nội dung trước mở đường cho nội dung sau, không nói trùng lặp, các nội dung liên kết chặt chẽ với nhau.

Thuyết phục đối tượng: Đảm bảo nội dung đáp ứng nhu cầu của đối tượng, cách nói hấp dẫn thu hút sự chú ý của đối tượng nghe, mang tính giáo dục sâu sắc, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, dẫn đến thay đổi hành vi của đối tượng nghe.

Trong TT-GDSK, nhiều khi nếu chỉ nói thì chưa đủ, cần phải kết hợp nói với các thao tác, hướng dẫn hoặc chỉ cho người ta thấy được nếu có thể. Lời nói sẽ có sức mạnh hơn nếu kết hợp với sử dụng các hình ảnh, các ví dụ minh họa thực tế.

Khi nói cần chú ý đến 3 khía cạnh của lời nói:

Âm tốc lời nói: Nói với tốc độ vừa phải, mạch lạc, thích hợp với đối tượng nghe, tránh nói quá nhanh hoặc quá chậm hoặc rời rạc.

Âm lượng lời nói: Đủ to để mọi người nghe rõ ràng.

Âm sắc lời nói: Có nhấn mạnh, thay đổi ngữ điệu trầm bổng cho phù hợp, ngừng, ngắt đúng chỗ để mọi người có thể suy nghĩ và liên hệ bản thân, tránh nói đều đều gây buồn ngủ nhàm chán cho người nghe.

Khi nói cần tránh các yếu tố có thể gây khó chịu cho người nghe như lặp đi lặp lại một số từ đệm không cần thiết, nói sai văn phạm, phát âm không đúng, dùng từ không phổ thông, từ chuyên môn, cử chỉ động tác không phù hợp với lời nói, không chú ý và tôn trọng người nghe…

Kỹ năng đặt câu hỏi

Hỏi để có được thông tin từ các đối tượng được TT-GDSK, đặc biệt là thu nhận thông tin phản hồi. Hỏi để biết nhận thức, thái độ, hành vi của đối tượng đích, qua đó hướng dẫn các ý tưởng, lời khuyên, hành động thích hợp. Trong các hoạt động TT-GDSK trực tiếp hỏi nhằm thăm dò các phản ứng, tạo nên không khí giao tiếp sôi nổi, tích cực, thu hút sự tham gia, tập trung sự chú ý suy nghĩ, khêu gợi những sáng kiến, kinh nghiệm của đối tượng, nhất là trong các cuộc thảo luận nhóm. Câu hỏi phải thể hiện được những điều cơ bản: Cái gì? ở đâu? khi nào? ai và như thế nào?... Câu hỏi có hai loại câu hỏi “Đóng” và câu hỏi “Mở”. Câu hỏi “Đóng” để cho đối tượng trả lời bằng một từ hay một vài từ ngắn gọn như “có” hay “không”, “rồi” hay “chưa” … Câu hỏi “Đóng” có thể sử dụng khi bắt đầu, kết thúc hay xen kẽ trong khi giao tiếp. Câu hỏi “Mở” cần thiết được nêu ra để thu nhập được thông tin nhiều hơn, đối tượng có thể trả lời mọi thông tin liên quan tùy ý. Câu hỏi “Mở” thường đặt sau câu hỏi “Đóng”. Yêu cầu khi đặt câu hỏi:

Câu hỏi phải rõ ràng, xúc tích;

Câu hỏi phải ngắn gọn, không cần phải giải thích trả lời;

Phù hợp vời trình độ hiểu biết và kinh nghiệm của đối tượng;

Tập trung vào vấn đề trọng tâm;

Kích thích tư duy, suy nghĩ của đối tượng;

Sau khi đặt câu hỏi giữ im lặng;

Chỉ nên hỏi từng câu hỏi một;

Nên hỏi xen kẽ câu hỏi đóng và câu hỏi mở;

Kết hợp các câu hỏi dễ và câu hỏi khó, câu hỏi chung và câu hỏi cụ thể liên quan đến nội dụng TT-GDSK.

Cần tránh các câu hỏi có thể làm cho đối tượng cảm thấy bị xúc phạm.

Trước khi hỏi đối tượng, người nêu câu hỏi cần phải thu hút sự chú ý, xem xét xem đối tượng đã sẵn sàng tiếp nhận câu hỏi chưa, liệu có người nào trả lời được không? câu hỏi có điều gì khó khăn và làm xúc phạm đến đối tượng trả lời không? Khi nêu câu hỏi xong cần ngừng lại để người nghe có thời gian suy nghĩ trả lời, và quan sát, mời từng người muốn trả lời. Nêu câu hỏi đúng lúc, đúng chỗ và đúng người là một biện pháp kích thích quá trình giao tiếp, thu hút sự tham gia của đối tượng trong  TT-GDSK. Người thực hiện TT-GDSK phải thể hiện thiện chí và tích cực trong giao tiếp bằng cách hỏi đáp. Luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận các câu hỏi từ phía đối tượng với thái độ tôn trọng và trả lời hết các câu hỏi của đối tượng. Chú ý gắn nội dung trả lời với nội dung giáo dục sức khỏe, nhằm khẳng định tính đúng đắn của các kiến thức đã truyền thông giáo dục và các hành vi lành mạnh cần thực hành.

Kỹ năng nghe

Người làm TT-GDSK cần biết lắng nghe đối tượng được TT-GDSK để:

Thu nhận các thông tin chung, lượng giá khái quát kiến thức, thái độ, thực hành và các ý tưởng mới của đối tượng.

Có được thông tin phản hồi đúng đủ để biết liệu nội dung thông tin, thông điệp truyền đi có được đối tượng tiếp nhận đầy đủ và hiểu đúng hay không.

Có thêm nhiều thông tin và ý tưởng để điều chỉnh quá trình TT-GDSK.

Khích lệ người được TT-GDSK tham gia tích cực hơn.

Thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu các vấn đề, hoàn cảnh của đối tượng. * Yêu cầu khi lắng nghe

Yên lặng khi bắt đầu nghe.

Tạo điều kiện dễ dàng cho người nói: giúp người nói cảm thấy tự tin khi nói, điều này thường được gọi là tạo môi trường cho phép.

Không chỉ nghe bằng tai mà phải nghe bằng cả mắt, bằng cử chỉ, dáng điệu để khích lệ người nói.

Nhìn thẳng vào mắt người nói với thể hiện thân thiện, khích lệ người nói.

Không đột ngột ngắt lời

Không làm việc khác, nói chuyện với người khác, nhìn đi nơi khác khi nghe

Kiên trì, không thể hiện sự sốt ruột, khó chịu, làm chủ khi nghe

Đặt câu hỏi hoặc sử dụng các từ ngữ hợp lý

Đề nghị những người khác cùng chú ý lắng nghe

Kỹ năng quan sát

Quan sát là sử dụng mắt để thu thập thông tin. Quan sát có thể phán đoán được người nhận thông tin có chú ý đến vấn đề hay không, mức độ cung cấp thông tin đã thích hợp chưa? Giúp cho người thực hiện truyền thông hiểu được đối tượng có những phản hồi tích cực hay không để điều chỉnh cho phù hợp. Quan sát làm cho đối tượng tập trung chú ý đến vấn đề được trình bày nhiều hơn.

Yêu cầu khi quan sát

Bao quát được toàn bộ đối tượng

Phát hiện được những biểu hiện khác thường của đối tượng để điều chỉnh

Nhắc nhở, thu hút sự chú ý của đối tượng

Động viên sự tham gia tích cực của đối tượng

Kỹ năng thuyết phục

Thuyết phục các đối tượng TT- GDSK là một kỹ năng tổng hợp, vì mục đích quan trọng nhất của TT-GDSK là thuyết phục được đối tượng thực hành hành vi có lợi cho sức khỏe. Để thuyết phục được đối tượng thì cần phải phối hợp nhiều kỹ năng như làm quen, nói, hỏi, nghe, sử dụng phương tiện và hình ảnh, ví dụ minh họa, hỗ trợ đối tượng. Cần làm cho người được TT-GDSK tin tưởng vào những thông điệp của người gửi là đúng đắn và đưa lại lợi ích cho sức khỏe, và thực hiện theo. Để thuyết phục được cần phải biết giải thích. Giải thích có vai trò quan trọng để thuyết phục đối tượng tin và làm theo người TT-GDSK.

Yêu cầu khi giải thích

Nắm chắc vấn đề cần giải thích

Giải thích đầy đủ, rõ ràng vấn đề

Giải thích ngắn gọn, xúc tích

Sử dụng từ ngữ dễ hiểu

Sử dụng các ví dụ và tranh ảnh, tài liệu minh họa để giải thích nếu có

Giải thích tất cả mọi câu hỏi mà đối tượng đã nêu ra

Bằng cử chỉ thể hiện sự đồng cảm, kính trọng đối tượng, không được tỏ thái độ coi thường họ

Cần có thái độ kiên trì khi giải thích

Kỹ năng khuyến khích, động viên

Khuyến khích, động viên rất quan trọng, làm cho đối tượng được TT-GDSK tự tin, phấn khởi, được khen ngợi, đánh giá cao nên sẵn sàng tiếp nhận cũng như cung cấp hết thông tin, dễ chấp nhận những lời khuyên về thay đổi hành vi.

Yêu cầu của khuyến khích động viên

Thể hiện sự thân thiện, tôn trọng mọi đối tượng qua cách chào hỏi giao tiếp bằng lời và giao tiếp không lời với đối tượng

Không được phê phán những hiểu biết sai chưa đầy đủ, việc làm chưa đúng hay chưa làm của đối tượng

Cố gắng tìm ra những điểm tốt của đối tượng để khen ngợi dù là nhỏ

Tạo cơ hội để mọi đối tượng tham gia qua các câu hỏi yêu cầu đối tượng trình bày ý kiến, kinh nghiệm của họ.

Thu hút sự đồng tình, ủng hộ của những người khác để động viện đối tượng

Tạo điều kiện để tiếp tục hỗ trợ đối tượng thực hiện các thực hành hành vi lành mạnh.

Chú ý động viên về tinh thần, tâm lý, trong một số trường hợp hoàn cảnh nhất định nếu có điều kiện có thể động viên bằng vật chất

Tạo được môi trường xung quanh hỗ trợ, khuyến khích động viên đối tượng (môi trường gia đình, cộng đồng)

Kỹ năng sử dụng tài liệu TT-GDSK

Phối hợp sử dụng tài liệu khi TT-GDSK trực tiếp sẽ tạo nên tính hấp dẫn của hoạt động giáo dục và giúp đối tượng dễ hiểu vấn đề hơn. Những hình ảnh ví dụ minh họa đúng lúc, đúng chỗ, đúng nội dung, đúng đối tượng có thể có tác dụng thuyết phục hơn nhiều so với lời nói.

Yêu cầu khi sử dụng tài liệu TT-GDSK

Tài liệu sử dụng phải phù hợp với chủ đề và đối tượng

Sử dụng các tài liệu đã được chính thức lưu hành, có cơ sở khoa học, tài liệu đã được thử nghiệm.

Sử dụng tài liệu đúng lúc, đúng chỗ để thu hút được sự chú ý, tránh làm cho đối tượng không tập trung vào chủ đề TT-GDSK.

Để mọi đối tượng nhìn rõ hoặc đọc được tài liệu

Giới thiệu đầy đủ và giải thích cho đối tượng hiểu rõ tài liệu

Hướng dẫn rõ cấu trúc logic của tài liệu và cách sử dụng tài liệu

Hướng dẫn rõ những địa điểm có các tài liệu liên quan cần thiết khác để đối tượng có thể tìm hiểu thêm.

Một số kỹ năng khác

Chọn thời gian TT- GDSK

Chọn đối tượng và địa điểm TT- GDSK

Đặt câu hỏi kiểm tra sau TT- GDSK

Chọn các phương tiện truyền thông đại chúng.

 

PHẦN THỰC HÀNH

QUY TRÌNH THỰC HÀNH TƯ VẤN GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHO NGƯỜI BỆNH RA VIỆN

Khi người bệnh ra viện, việc chăm sóc, theo dõi tại nhà là rất quan trọng, giúp người bệnh hồi phục, phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ. Đối với người bệnh mắc bệnh mãn tính, theo dõi, chăm sóc tại nhà là chủ yếu, giúp cho bệnh ổn định. 

Điều dưỡng là người trực tiếp hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn người bệnh và gia đình NB tự chăm sóc, theo dõi, dùng thuốc (theo đơn của bác sĩ) khi về nhà. Điều dưỡng cần hiểu rất rõ về tình trạng sức khoẻ của NB và bệnh lý hiện có, nội dung theo dõi, chăm sóc sẽ tư vấn cho NB/GĐ. Điều quan trọng là người điều dưỡng cần có kỹ năng giao tiếp phù hợp để chuyển tải những thông tin cần thiết tới NB và gia đình họ. 

Đối tượng tư vấn GDSK là người bệnh, hoặc và gia đình người bệnh.

Trước khi thực hiện tư vấn GDSK, điều dưỡng cần nhận định một số vấn đề liên quan từ đối tượng tư vấn là NB/GĐ NB, giúp cho buổi tư vấn đạt kết quả. Nội dung nhận định:

Tình trạng người bệnh trước khi tư vấn: tri giác, tình trạng sức khoẻ chung…

Trạng thái tâm lý người bệnh khi ra viện: lo lắng, hoang mang, vui mừng, phấn khởi hay vô thức.

Sự hợp tác của NB/GĐ với việc tư vấn chăm sóc sức khoẻ: sẵn sàng tiếp nhận hay chưa sẵn sàng, hoặc không muốn hợp tác?

Các yếu tố văn hoá, tâm linh hoặc tôn giáo của người bệnh.

Khả năng đọc, hiểu của người bệnh/thân nhân.

Ngôn ngữ và phương thức giao tiếp với người bệnh/thân nhân.

Sự hiểu biết của người bệnh/thân nhân về vấn đề sức khoẻ hiện tại Những thói quen hiện tại: có lợi và có hại

Khó khăn của người bệnh/thân nhân: thể chất, nhận thức

Xác định nhu cầu của người bệnh và gia đình về chăm sóc sức khoẻ tại nhà:

Khả năng tự chăm sóc bản thân

Theo dõi chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh tật.

Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi.

Sử dụng thuốc điều trị theo đơn tại nhà.

Trong thực tế lâm sàng, khi điều dưỡng thực hiện tư vấn sức khoẻ  với NB/ GĐ nhiều khi chưa dành thời gian thích hợp, thường lồng ghép khi thực hiện chăm sóc. Nên việc tư vấn chưa được bài bản, thậm chí chưa chuẩn bị đủ nội dung, vì thế hiệu quả tư vấn chưa tốt, hạn chế này cũng làm cho điều dưỡng chưa suy nghĩ thấu đáo để chuẩn bị cho buổi tư vấn giáo dục sức khoẻ.

Quy trình thực hành tư vấn giáo dục sức khoẻ cho người bệnh ra viện

 

 

BẢNG KIỂM THỰC HÀNH TƯ VẤN GIÁO DỤC SỨC KHOẺ CHO NGƯỜI BỆNH RA VIỆN

 

 

VÍ DỤ VỀ KẾ HOẠCH TƯ VẤN CHO NGƯỜI BỆNH RA VIỆN, GHI CHÉP KẾ HOẠCH TƯ VẤN THEO “MẪU THỰC HÀNH GHI TƯ VẤN GIÁO DỤC SỨC KHOẺ NGƯỜI BỆNH RA VIỆN” (XEM MẪU Ở CUỐI BÀI)

Tình huống

Ông Phạm Văn P, 65 tuổi, viên chức nghỉ hưu. Địa chỉ gia đình: Số 07, Nguyễn Trãi, Phường…, TP … Ông cao 1,58 m, cân nặng 64 kg.  Ông có tiền sử tăng HA đã điều trị 5 năm. Ông ở cùng với vợ (tên là Hoàng Thị….), vợ ông là nội trợ, nấu ăn ngon, thường xuyên thay đổi món ăn nên ông rất hài lòng, ăn theo nhu cầu; ông thường mời mấy người bạn cùng lứa tới nhà ăn uống nhâm nhi, vì ông thích uống rượu, bia. Hàng ngày ông đi bộ khoảng 40 - 50 phút vào buổi chiều tối. Về điều trị bệnh: ông dùng thuốc hàng ngày theo đơn của BS, nhưng đôi khi quên không uống; thỉnh thoảng ông ra trạm y tế đo kiếm tra huyết áp. 

Ông P được vợ ông đưa tới trạm y tế phường Bình Hàn (ngày 22/12/2028) khám trong tình trạng: đầu choáng váng, nóng mặt, hồi hộp. Điều dưỡng trạm y tế tiếp đón, đo dấu hiệu sinh tồn cho ông, kết quả như sau: Mạch 75 lần/ phút; nhịp thở 20 lần/phút; HAĐM 175/100 mmHg, thân nhiệt 36.50C.

Ông P được Bác sĩ chỉ định dùng thuốc hạ huyết áp: coversin 5 mg x 1 viên, uống. Sau khi dùng thuốc, tình trạng ông P đã ổn định: hết triệu chứng hồi hộp và choáng váng; Mạch 70 lần/phút; nhịp thở 16 lần/phút; HAĐM 140/90 mmHg, thân nhiệt 36.20C. Bác sĩ cho ông đơn thuốc và về nhà điều trị. Thuốc hạ huyết áp 1v/ ngày, uống buổi sáng sau khi ăn sáng.

Câu hỏi

Lập kế hoạch và tư vấn cho ông P về tự chăm sóc và điều trị tại nhà.

Lập kế hoạch tư vấn chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh Phạm Văn P

MẪU GHI TƯ VẤN, GIÁO DỤC SỨC KHOẺ NGƯỜI BỆNH RA VIỆN

Họ và tên học viên: Lê Văn T

Lớp: Điều dưỡng viên mới khoá 1 năm 2018 - BV đa khoa X

Môn học: Lâm sàng khối Nội 

(Trên đây là thông tin của học viên)

1.Thông tin cơ bản về người bệnh

Họ tên bệnh nhân: Phạm Văn P   Tuổi: 65

Giới tinh:   Nam

Địa chỉ: Số 07, Nguyễn Trãi, Phường…., TP….

Nghề nghiệp: Nghỉ hưu

Người chăm sóc/liên hệ khi cần: Vợ Hoàng Hải Y, ĐT 0904 ….

Ngày vào viện: ……

Khoa:….

2.Thông tin Y tế

Lý do vào viện: choáng váng, nóng mặt, hồi hộp

Chẩn đoán y khoa: Tăng huyết áp

Tiền sử bệnh lý: Tăng huyết áp 5 năm

3.Nhận định

Các yếu tố văn hoá, tâm linh hoặc tôn giáo của người bệnh: Ông P là viên chức nghỉ hưu

Khả năng đọc, hiểu của người bệnh/thân nhân : Bình thường

Sự hiểu biết hoặc kỹ năng của người bệnh/thân nhân về vấn đề sức khoẻ hiện tại. 

Chưa hiểu rõ về sức khoẻ hiện tại: 

Đôi khi quên dùng thuốc

Chưa theo dõi HA thường xuyên

Chưa biết hoặc không quan tâm tới giảm cân nên ông P ăn theo nhu cầu.

Những thói quen hiện tại: có lợi và có hại

Thói quen có lợi: đi bộ hàng ngày, dùng thuốc, ra trạm y tế đo huyết áp

Thói quen không tốt: ăn theo nhu cầu, uống bia rượu

Những khó khăn của người bệnh/thân nhân: Vấn đề thể chất, nhận thức

Thể chất: Tiền sử tăng HA 5 năm; BMI = 25.6 - thừa cân 

Nhận thức: Uống thuốc không đều, uống rượu, bia

Chưa hiểu rõ về chế độ chăm sóc tăng HA.

Ngôn ngữ và phương thức giao tiếp với người bệnh/thân nhân Tiếng Việt, giao tiếp bằng lời

NỘI DUNG TƯ VẤN

 

Ngày     tháng     năm 20…

Ý kiến của học viên

Nội dung làm được

Em đã tư vấn được một số vấn đề với NB và GĐ, cảm thấy vui khi người bệnh và GĐ lắng nghe em tư vấn.

Nội dung chưa làm được

 Chưa hài lòng với những giải thích của em về làm thế nào để NB có thể duy trì cân nặng hợp lý. Em còn thiếu kiến thức về dinh dưỡng và kỹ năng tư vấn. Em nghĩ rằng sẽ phải cố gắng nhiều hơn!

Nội dung cần hỗ trợ  

Kiến thức về dinh dưỡng và kỹ năng tư vấn

Nhận xét/phản hồi và xác nhận của người hướng dẫn

Bạn chuẩn bị kế hoạch tương đối chi tiết, xác định các vấn đề tư vấn phù hợp với NB. Tuy nhiên nội dung tư vấn cho mỗi vấn đề cần phù hợp với NB, về hướng dẫn NB theo dõi HA, cần bổ sung: cách xử trí khi HA tăng bất thường.  Cần phải rèn luyện cách thuyết phục người bệnh. Hy vọng lần sau bạn sẽ làm tốt hơn. 

Bảng kiểm đánh giá năng lực thực hành kỹ năng truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe

 

 

MẪU THỰC HÀNH GHI TƯ VẤN, GIÁO DỤC SỨC KHOẺ NGƯỜI BỆNH RA VIỆN

Họ và tên học viên: …………………………………………………………..

Lớp: ……………………………….Môn học…………………………………

Thông tin cơ bản về người bệnh

Họ tên bệnh nhân: ………………………………Tuổi:  ................................. 

Giới tinh:        Nam/Nữ 

Địa chỉ:  ............................................................................................................ 

Nghề nghiệp:  ................................................................................................... 

Người chăm sóc/liên hệ khi cần  ...................................................................... 

Ngày vào viện:  ................................................................................................  

Khoa:  ............................................................................................................... 

Thông tin Y tế

Lý do vào viện:  ............................................................................................... 

Chẩn đoán y khoa:  ........................................................................................... 

Tiền sử bệnh lý  ................................................................................................ 

Nhận định 

Các yếu tố văn hoá, tâm linh hoặc tôn giáo của người bệnh

 .............................................................................................................................. 

 .............................................................................................................................. 

Khả năng đọc, hiểu của người bệnh/ thân nhân

 .............................................................................................................................. 

 .............................................................................................................................. 

Sự hiểu biết hoặc kỹ năng của người bệnh/ thân nhân về vấn đề sức khoẻ hiện tại 

 .............................................................................................................................. 

 ..............................................................................................................................

.............................................................................................................................. 

Những thói quen hiện tại: có lợi và có hại

 .............................................................................................................................. 

 .............................................................................................................................. 

Những khó khăn của người bệnh/ thân nhân: Vấn đề thể chất, nhận thức

 .............................................................................................................................. 

 .............................................................................................................................. 

Ngôn ngữ và phương thức giao tiếp với người bệnh/ thân nhân 

 ..............................................................................................................................  

.............................................................................................................................. 

Nội dung tư vấn

 

Ngày ……….Tháng……… Năm……………

Ý kiến của học viên

Nội dung làm được 

 ..............................................................................................................................  

.............................................................................................................................. 

Nội dung chưa làm được

 ..............................................................................................................................  

.............................................................................................................................. 

Nội dung cần hỗ trợ 

 .............................................................................................................................. 

 .............................................................................................................................. 

Nhận xét/phản hồi và xác nhận của người hướng dẫn

 .............................................................................................................................. 

 .............................................................................................................................. 

 ..............................................................................................................................  

.............................................................................................................................. 

 

HƯỚNG DẪN GHI MẪU GHI TƯ VẤN, GIÁO DỤC SỨC KHOẺ NGƯỜI BỆNH RA VIỆN

(Mẫu này do học viên tự ghi trong khi học)

Thông tin cơ bản, thông tin y tế: ghi theo bệnh án

Phần nhận định: Dựa vào nội dung học viên hỏi trực tiếp người bệnh/thân nhân để thu thập thông tin; nghi đầu đủ, ngắn gọn những thông tin thu thập được.

Nội dung tư vấn

Vấn đề tư vấn: Tùy từng người bệnh mà xác định vấn đề tư vấn phù hợp, xắp xếp thứ tự ưu tiên: ví dụ tư vấ về dinh dưỡng, dùng thuốc, vệ sinh cá nhân, tập luyện,…

Kế hoạch tư vấn: dựa vào nội dung tư vấn để đưa ra kế hoạch phù hợp

Mục tiêu mong đợi: từ mỗi nội dung đưa ra mục tiêu mong đợi

Thực hiện: ghi cụ thể kế hoạch thực hiện cho mỗi nội dung

Đánh giá: sau khi thực hiện KH, đưa ra đánh giá cho mỗi nội dung.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top