Diurefar

Nội dung

Thuốc Diurefar là gì?

Thuốc Diurefar có thành phần chính Furosemid 40mg, đây là thuốc được dùng để làm giảm lượng nước dư thừa trong cơ thể (giảm phù nề) gây ra bởi các bệnh lý như: Suy tim, bệnh gan và bệnh thận. Đồng thời, thuốc có thể làm giảm bớt các triệu chứng như khó thở và sưng ở tay, chân, bụng.

Thuốc này cũng được sử dụng để điều trị huyết áp cao và giảm mức độ canxi trong máu (tăng canxi máu).

Thành phần 

Dược chất chính:

  • Hoạt chất: Furosemid 40mg

  • Tá dược: Lactose, povidon, magnesi stearat, talc, natri starch glycolat, tinh bột sắn, vàng tartrazin vừa đủ 1 viên nén

Loại thuốc: Thuốc lợi tiểu

Dạng thuốc, hàm lượng: Viên nén 40mg

Công dụng 

Thuốc Diurefar được chỉ định điều trị dùng trong các trường hợp sau:

  • Phù do suy tim, xơ gan, bệnh thận (bao gồm hội chứng thận hư);

  • Tăng huyết áp (đơn trị liệu hoặc phối hợp với thuốc điều trị tăng huyết áp khác);

Liều dùng 

Cách dùng

Uống trọn viên thuốc với một ly nước. 

Liều dùng

Điều trị phù:

Người lớn:

Liều thông thường ½ - 2 viên, 1 lần trong ngày vào buổi sáng.

Nếu không đáp ứng, cho liều tăng thêm 20 - 40mg mỗi lần, cách nhau 6 - 8 giờ, cho tới khi đạt được tác dụng mong muốn (bao gồm cả sụt cân).

Sau đó, liều có hiệu quả có thể cho uống 1 - 2 lần mỗi ngày hoặc cho uống mỗi tuần 2 - 4 ngày liền.

Để duy trì, có thể giảm liều ở một số người bệnh. Trong trường hợp phù nặng, có thể thận trọng điều chỉnh liều tới 600mg/ngày.

Điều trị tăng huyết áp:

Người lớn:

Liều thường dùng là 20 - 40mg/lần, ngày 2 lần.

Theo dõi chặt chẽ huyết áp khi dùng furosemid đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác, đặc biệt khi bắt đầu điều trị.

Tác dụng phụ

Thường gặp, ADR > 1/100

  • Tuần hoàn: Giảm thể tích máu trong trường hợp điều trị liều cao hạ huyết áp thế đứng;

  • Chuyển hóa: Mất cân bằng nước và điện giải bao gồm giảm kali huyết, giảm natri huyết, giảm magie huyết, giảm calci huyết, nhiễm kiềm clo huyết;

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

  • Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa;

  • Chuyển hóa: tăng acid uric huyết và bệnh gút;

Lưu ý

Chống chỉ định

Thuốc Diurefar chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc;

  • Dị ứng với furosemid hay với các dẫn chất sulfonamid;

  • Giảm thể tích máu, mất nước (có hoặc không kèm theo hạ huyết áp);

  • Hạ kali máu nặng, hạ natri máu nặng;

  • Hôn mê hoặc tiền hôn mê do xơ gan;

  • Suy thận do hôn mê gan;

  • Suy thận có độ thanh thải creatinin < 30 ml/phút/1,73m2;

  • Bệnh Addison, ngộ độc digitalis;

  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin;

  • Phụ nữ cho con bú;

  • Vô niệu hay suy thận do các thuốc gây độc thận hay độc gan;

Thận trọng khi sử dụng

Theo dõi các chất điện giải, đặc biệt là natri và kali, tình trạng hạ huyết áp, bệnh gút, bệnh đái tháo đường, suy thận, suy gan. Tránh dùng bệnh nhân suy gan nặng.

Giảm liều ở người già để giảm nguy cơ độc với thính giác.

Khi nước tiểu ít, phải bù đủ thể tích máu trước khi dùng thuốc.

Thận trọng khi dùng furosemid ở trẻ em, nhất là khi dùng kéo dài. Phải theo dõi cẩn thận cân bằng nước và điện giải.

Trẻ sơ sinh thiếu tháng khi dùng furosemid có thể có nguy cơ bị bệnh còn ống động mạch.

Furosemid chiếm chỗ của biliburin tại vị trí gắn albumin, phải dùng thận trọng ở trẻ em bị vàng da.

Độ thanh thải của furosemid ở trẻ sơ sinh chậm hơn nhiều so với người lớn, nửa đời thải trừ trong huyết tương dài gấp 8 lần, phải tính toán khi dùng liều nhắc lại.

Thận trọng người bệnh phì đại tuyến tiền liệt hoặc đái khó vì có thể thúc đẩy bí tiểu tiện cấp.

Dùng furosemid được coi là không an toàn ở bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin, vì thường kèm với đợt cấp của bệnh.

Ở bệnh nhân giảm năng tuyến cận giáp, dùng furosemid có thể gây co cứng cơ do giảm calci huyết.

Trong thành phần thuốc có lactose, do đó nên thận trọng ở những bệnh nhân có vấn đề di truyền hiếm gặp trong việc không dung nạp galactose, thiếu hụt lactase hoặc hội chứng kém hấp thu glucose-galactose.

Khả năng lái xe và vận hành máy móc

Giảm sự tỉnh táo tinh thần, chóng mặt và nhìn mờ đã được báo cáo, đặc biệt là vào lúc bắt đầu điều trị, với những thay đổi liều lượng và kết hợp với rượu.

Bệnh nhân nên biết rằng nếu bị ảnh hưởng họ không nên lái xe, vận hành máy móc hoặc tham gia vào các hoạt động mà những hiệu ứng có thể đặt mình hoặc người khác có nguy cơ.

Thời kỳ mang thai và cho con bú

Phụ nữ mang thai: Thận trọng khi dùng và chỉ dùng khi cân nhắc kỹ lợi ích và nguy cơ.

Phụ nữ cho con bú: Thuốc có nguy cơ ức chế sữa, trường hợp này nên ngừng cho con bú.

Tương tác thuốc

Các thuốc lợi niệu khác: làm tăng tác dụng của furosemid. Các thuốc lợi niệu giữ kali có thể làm giảm sự mất kali khi dùng furosemide.

Kháng sinh: Cephalosporin làm tăng độc tính thận, aminoglycosid làm tăng độc tính với tai và thận, vancomycin làm tăng độc tính tai.

Muối lithi: Làm tăng nồng độ lithi trong máu, có thể gây độc. Nên tránh dùng nếu không theo dõi được nồng độ lithi huyết chặt chẽ.

Glycosid tim: làm tăng độc tính của glycosid trên tim do furosemide làm hạ kali huyết. Cần theo dõi kali huyết và điện tâm đồ.

Thuốc chống viêm không steroid: Làm tăng nguy cơ độc với thận, giảm tác dụng lợi tiểu.

Corticosteroid: Tăng nguy cơ giảm kali huyết, đối kháng với tác dụng lợi tiểu.

Các thuốc chống đái tháo đường: Làm giảm tác dụng hạ glucose huyết của thuốc chống đái tháo đường. Cần theo dõi và điều chỉnh liều

Thuốc giãn cơ không khử cực: Làm tăng tác dụng giãn cơ.

Thuốc chống đông: Làm tăng tác dụng chống đông.

Cisplatin: Làm tăng độc tính tai và thận.

Các thuốc hạ huyết áp: Làm tăng tác dụng hạ huyết áp. Nếu phối hợp cần điều chỉnh liều. Đặc biệt, khi phối hợp với thuốc ức chế enzyme chuyển angiotensin, huyết áp có thể giảm nặng.

Thuốc chống động kinh: Phenytoin làm giảm tác dụng của furosemide, carpamazepin làm giảm natri huyết.

Cloral hydrat: Gây hội chứng đỏ bừng mặt, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, toát mồ hôi.

Probenecid: Làm giảm thanh thải qua thận của furosemid và giảm tác dụng lợi niệu.

Thuốc ức chế thần kinh trung ương (clorpromazin, diazepam, clonazepam, halothan, ketamin): Tăng tác dụng giảm huyết áp.

return to top