Người mắc hội chứng ruột kích thích thường có các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón và đau quặn bụng. Một triệu chứng khác như đau toàn thân, các hoạt động xã hội bị ảnh hưởng nặng nề cũng được xem là triệu chứng đáng lưu ý.
Hiện tại chưa xác định chắc chắn nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích, nhưng quan sát thấy nhiều yếu tố có liên đới với bệnh.
Những người mắc hội chứng ruột kích thích có thể cần thử các loại thuốc, chế độ ăn uống hoặc chiến lược thay đổi lối sống để kiểm soát các triệu chứng của họ một cách hiệu quả. Các chiến lược điều trị là khác nhau đối với từng cá thể.
Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi bài viết để tìm hiểu thêm về các phương pháp điều trị và khắc phục hội chứng ruột kích thích, bao gồm biện pháp dùng thuốc, biện pháp tự nhiên cũng như một số lời khuyên trong thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.
Phương pháp điều trị này có thể được chỉ định với các hội chứng ruột kích thích sau:
Hội chứng ruột kích thích với táo bón;
Hội chứng ruột kích thích với tiêu chảy;
Hội chứng ruột kích thích với thói quen đi tiêu hỗn hợp: tiêu chảy xen kẽ táo bón
Bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị bằng thuốc sau đây cho hội chứng ruột kích thích khi bị tiêu chảy:
Loperamide (Imodium);
Rifaximin (Xifaxan);
Eluxadoline (Viberzi);
Những người bị hội chứng ruột kích thích và táo bón có thể được chỉ định các phương pháp điều trị sau:
Bổ sung chất xơ, trong trường hợp chế độ ăn uống không đủ chất xơ;
Thuốc nhuận tràng;
Lubiprostone (Amitiza);
Linaclotide (Linzess);
Plecanatide (Trulance);
Các loại thuốc khác có thể giúp giảm đau bụng ở những người bị hội chứng ruột kích thích:
Thuốc chống co thắt, làm thư giãn cơ trơn ở ruột non và ruột già, do đó làm giảm co thắt bụng và chuột rút;
Thuốc chống trầm cảm ba vòng liều thấp;
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc liều thấp (SSRI);
Chế độ ăn uống và tập thể dục là yếu tố then chốt trong việc điều trị và kiểm soát hội chứng ruột kích thích.
Một số loại thực phẩm có thể giúp giảm bớt các triệu chứng hội chứng ruột kích thích hoặc gây ra các đợt hội chứng ruột kích thích. Điều quan trọng là bạn cần được tư vấn từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về những loại thực phẩm nên ăn và nên tránh. Một người đôi khi cần thử từng chiến lược ăn mới trong ít nhất vài tuần để xác định xem liệu nó có phù hợp hay không.
Dưới đây là một số chiến lược trong chế độ ăn mà chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ có thể đề xuất để kiểm soát các triệu chứng hội chứng ruột kích thích.
Một số người bị hội chứng ruột kích thích có thể tự nhận thấy các triệu chứng của họ tệ hơn sau khi ăn một số thực phẩm. Việc ghi lại nhật kí thức ăn cùng với triệu chứng hội chứng ruột kích thích là điều cần làm để giúp họ xác định các loại thực phẩm gây kích ứng từ đó loại trừ chúng khỏi chế độ ăn của mình.
Chất xơ có thể giúp giảm táo bón trong hội chứng ruột kích thích. Khuyến nghị người lớn cần tiêu thụ từ 22,4 đến 33,6 gam chất xơ mỗi ngày. Số lượng chính xác phụ thuộc vào tuổi và giới tính.
Chất xơ hòa tan giúp giảm các triệu chứng hội chứng ruột kích thích. Loại chất xơ này hòa với nước tạo thành chất giống như gel giúp hỗ trợ tiêu hóa. Thành phần chất xơ hòa tan gồm:
Đậu;
Trái cây;
Sản phẩm yến mạch;
Nên bổ sung chất xơ vào chế độ ăn một cách từ từ, vì khi dồn một lượng lớn trong một bữa ăn có thể gây táo bón. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi tăng chất xơ trong chế độ ăn như đầy hơi và chướng bụng.
Một số người thấy rằng triệu chứng của họ tệ hơn sau khi ăn thực phẩm có chứa gluten. Gluten là một loại protein có trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. Hạn chế hoặc tránh các loại thực phẩm giàu gluten có thể giúp giảm bớt các triệu chứng hội chứng ruột kích thích:
Ngũ cốc hạt;
Mỳ ống;
Bánh mỳ;
Các loại thực phẩm đã qua chế biến, đặc biệt là những loại có chứa chất làm đặc, hương liệu hoặc chất tạo màu;
Chế độ ăn FODMAP là chế độ loại bỏ hoặc hạn chế các loại thực phẩm có chứa các loại carbohydrate khó tiêu hóa.
Các loại thực phẩm này bao gồm:
Một số loại trái cây như: táo, anh đào và lê;
Một số loại rau: atisô, đậu và bắp cải;
Các sản phẩm từ sữa;
Sản phẩm lúa mì và lúa mạch đen;
Mật ong và xi-rô fructose cao;
Kẹo và kẹo cao su;
Tập thể dục giúp giảm căng thẳng và duy trì chức năng của đường tiêu hóa giúp giảm bớt một số triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Theo đánh giá, đạp xe và yoga là hai môn được khuyến khích. Một nghiên cứu cho thấy tập yoga hai lần một ngày trong 2 tháng cung cấp mức độ giảm hội chứng ruột kích thích tương đương với 2–6 miligam loperamide mỗi ngày.
Một số liệu pháp tự nhiên
Các biện pháp tự nhiên có thể giúp giảm triệu chứng
Ba chế phẩm sinh học sau đây là trọng tâm của các nghiên cứu lâm sàng về điều trị hội chứng ruột kích thích:
Lactobacilli;
Saccharomyces boulardii;
Bifidobacteria;
Khi lựa chọn một chế phẩm sinh học, cần chọn chính xác sản phẩm mà các nhà nghiên cứu đã sử dụng trong nghiên cứu lâm sàng. Tất cả các sản phẩm probiotic khác nhau về thành phần và liều lượng của chúng cho nên một số sản phẩm có thể kém hiệu quả hơn những sản phẩm khác.
Mọi người cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng men vi sinh để đảm bảo rằng sản phẩm an toàn.
Người bị hội chứng ruột kích thích có thể dùng thuốc chống co thắt. Thuốc giúp giãn các cơ trơn trong ruột non và ruột già làm dịu cơn đau bụng.
Dầu bạc hà có thể giúp làm giảm khó chịu ở dạ dày, đau và đầy hơi ở những người bị hội chứng ruột kích thích.
Tuy nhiên, chưa có thử nghiệm nào về tính an toàn và hiệu quả của tinh dầu bạc hà trong điều trị hội chứng ruột kích thích lâu dài.
Có mối liên quan giữa tâm lý căng thẳng hàng ngày và tình trạng nặng nề của các triệu chứng tiêu hóa.
Do đó, một số bác sĩ có thể đề nghị các liệu pháp tâm trí sau đây như một phương pháp điều trị bổ sung cho hội chứng ruột kích thích:
Liệu pháp thôi miên hướng đến đường ruột;
Tâm lý trị liệu động;
Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT);
Ngày nay, các chiến lược điều trị và kiểm soát hội chứng ruột kích thích có thể được bác sĩ áp dụng và tạo được hiệu quả trên nhiều bệnh nhân. Thuốc, chế độ ăn uống và lối sống là những yếu tố quan trọng trong kế hoạch điều trị này.
Một số loại thuốc giúp làm dịu cơn co thắt ở bụng, giảm táo bón và tiêu chảy hoặc nhắm vào hệ thần kinh trung ương.
Các biện pháp tự nhiên như chế phẩm sinh học và dầu bạc hà đôi khi giúp giảm các triệu chứng hội chứng ruột kích thích. Các liệu pháp tâm lý giúp giảm căng thẳng từ đó giảm bớt triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng vẫn còn chưa có nhiều bằng chứng cụ thể để chứng minh các biện pháp này có giá trị thực thụ trên lâm sàng.
Có thể bạn quan tâm: Vi sinh vật đường ruột và sức khỏe
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh