Nguyên nhân là do người già thường mắc đồng thời nhiều loại bệnh và gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe do quá trình lão hóa, do đó phải dùng nhiều loại thuốc để giải quyết các vấn đề này, có nhiều người phải dùng tới 7 -10 loại thuốc khác nhau mỗi ngày.
Cùng với sự gia tăng số lượng người già trên trái đất, số lượng thuốc được kê đơn điều trị cho người già cũng đang có xu hướng tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây do tuổi thọ của con người ngày càng kéo dài, số bệnh lý mạn tính cũng vì thế mà được tích lũy ngày càng nhiều theo tuổi.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của y học đã cho ra đời rất nhiều loại thuốc mới dùng trong điều trị các bệnh mạn tính thường gặp ở người già như rối loạn mỡ máu, loãng xương, bệnh Alzheimer…
Quan điểm điều trị của các thầy thuốc ở nhiều nơi trên thế giới cũng có những thay đổi, phần lớn các bệnh mạn tính ở người già đều được điều trị một cách tích cực thay vì “sống chung” với bệnh như trước đây.
Việc sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc có thể khiến người bệnh phải đối mặt với nhiều vấn đề gây ra do thuốc như các phản ứng phụ của thuốc, tương tác giữa các loại thuốc và độc tính của thuốc. Ở người già, những vấn đề này xảy ra thường xuyên hơn và mức độ cũng trầm trọng hơn so với người trẻ tuổi.
Nguyên nhân làm tăng tần suất tác dụng phụ do thuốc ở người già được cho là do những thay đổi của quá trình chuyển hóa và đào thải thuốc, giảm khả năng hoạt động bù trừ của các hệ cơ quan liên quan đến tuổi và ảnh hưởng của nhiều bệnh lý mắc kèm gây kéo dài thời gian tác dụng, tăng nguy cơ nhiễm độc, tăng tần suất tác dụng phụ và thay đổi tác dụng điều trị của thuốc.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tần suất tác dụng phụ do thuốc ở nhóm tuổi 70-79 cao hơn 7 lần so với ở nhóm tuổi 20-29, tỷ lệ nhập viện do các phản ứng phụ của thuốc ở người già lên tới 17% so với tỷ lệ 5% trong cộng đồng chung.
Bên cạnh tần suất, mức độ phản ứng phụ do thuốc ở người già thường nặng nề hơn so với ở người trẻ tuổi, nguyên nhân là do giảm khả năng hoạt động bù trừ của các hệ cơ quan và việc dùng đồng thời nhiều loại thuốc làm tăng nguy cơ xuất hiện các tương tác thuốc nguy hiểm trên lâm sàng.
Tuy nhiên, phản ứng phụ do thuốc xảy ra phổ biến ở người già không chỉ là do tác động của tuổi tác, mà một phần còn do những yếu tố chủ quan trong việc kê đơn và sử dụng thuốc.
Một ví dụ là các phản ứng phụ do thuốc ở người già thường có biểu hiện khá mơ hồ và khó nhận biết, như lú lẫn tăng lên, buồn ngủ nhiều, táo bón, khó đi tiểu, chán ăn, mệt mỏi…
Đây cũng là những vấn đề xảy ra khá phổ biến ở người già, do đó không ít trường hợp các thầy thuốc đã nhầm lẫn và xử lý các phản ứng phụ do thuốc này bằng cách cho dùng một thuốc khác và khiến người bệnh phải chịu thêm các phản ứng phụ mới.
Một số thuốc hoặc nhóm thuốc được xếp vào nhóm có nguy cơ cao gây ra các tác dụng phụ ở người già, thường gặp phải kể đến
Để hạn chế tối đa các phản ứng phụ do thuốc ở người già, nên thận trọng khi sử dụng những thuốc có nguy cơ cao gây các phản ứng phụ kể trên, cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ, dùng liều thấp nhất có thể hoặc thay thế bằng các thuốc ít độc tính hơn nếu đảm bảo được hiệu quả điều trị và điều kiện tài chính cho phép.
Bên cạnh đó, cần xem xét lại phác đồ điều trị của bệnh nhân định kỳ mỗi 6-12 tháng và khi có bất kỳ sự thay đổi nào về thuốc,
Bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ sự xuất hiện các phản ứng phụ ở những bệnh nhân lớn tuổi có sử dụng các thuốc hướng thần hoặc những người có dùng nhiều hơn 4 loại thuốc.
Nên hạn chế tối đa số lượng thuốc chỉ định cho mỗi bệnh nhân và tăng cường sử dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc.
Thường xuyên đánh giá lại chức năng gan thận để có những điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.
Luôn cân nhắc sử dụng các thuốc phối hợp hoặc dùng liều một lần mỗi ngày để cải thiện sự tuân thủ điều trị của người bệnh trong điều kiện tài chính cho phép.
Hy vọng bài viết trên đây phần nào cung cấp những thông tin cần tin cần thiết về vấn đề bạn đọc đang quan tâm.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh