✴️ Ăn kiêng yo-yo có thể làm tăng nguy cơ tử vong cho những người mắc bệnh tim – nghiên cứu ban đầu

Nội dung

Các nghiên cứu trước đây có chỉ ra mối liên quan giữa chế độ ăn kiêng yo-yo với sự suy giảm sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh tim từ trước, nghiên cứu mới phát hiện ra rằng hậu quả của việc giảm và tăng cân nhiều lần có thể còn nghiêm trọng hơn.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người mắc bệnh tim mạch vành đã có những thay đổi lớn về cân nặng trong trung bình 4,7 năm có nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong cao hơn nhiều so với những người có ít thay đổi về trọng lượng cơ thể.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Sripal Bangalore, thuộc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng tim mạch tại Trung tâm y tế NYU Langone ở New York và các đồng nghiệp gần đây đã báo cáo kết quả của họ trên Tạp chí Y học New England.

Ăn kiêng Yo-yo còn được gọi là chu kì cân nặng hay hiệu ứng yo-yo được định nghĩa là các chu kỳ giảm cân và tăng cân lặp đi lặp lại.

Một số báo cáo đã ghi nhận những nguy cơ sức khỏe có thể có của chế độ ăn kiêng yo-yo. Một nghiên cứu được đăng tải bởi tờ báo Y khoa mỗi ngày vào năm ngoái như việc phát hiện ra mối liên hệ giữa việc chu kì cân nặng và nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn.

Nghiên cứu mới của Tiến sĩ Bangalore và các đồng nghiệp dựa trên những phát hiện này, cho thấy chế độ ăn kiêng yo-yo có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của những người mắc bệnh tim mạch vành trước đó.

Bệnh tim mạch vành (CHD) là dạng bệnh tim phổ biến hiện nay. Bệnh mạch vành được đặc trưng bởi chứng xơ vữa động mạch. Động mạch vành có nhiệm vụ cung cấp máu giàu oxy cho tim, sự tích tụ mảng xơ vữa này có thể ngăn chặn việc cung cấp máu cho tim, dẫn đến đau thắt ngực hoặc đau tim.

      

Biến động trọng lượng lớn gây tử vong nhiều hơn 124%

Trong nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Bangalore và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu của 9,509 nam giới và phụ nữ mắc bệnh mạch vành trong độ tuổi từ 35 đến 75.

Cũng như bệnh mạch vành, tất cả các đối tượng đều có mức cholesterol cao và có tiền sử các vấn đề về tim khác. Khoảng một nửa số người tham gia đã trải qua liệu pháp giảm cholesterol một cách tích cực.

Trong khoảng thời gian theo dõi trung bình là 4,7 năm, những người tham gia được theo dõi sự thay đổi về trọng lượng cơ thể đồng thời xem xét liệu những thay đổi này có liên quan đến kết quả kém hơn hay không.

Đối tượng có sự thay đổi lớn nhất về trọng lượng cơ thể trải qua sự dao động về trọng lượng lên tới 3,9 kg trong quá trình theo dõi, trong khi những người có sự thay đổi trọng lượng cơ thể nhỏ nhất có dao động trọng lượng 0,9 kg.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng đối với những người thừa cân hoặc béo phì ở thời điểm nghiên cứu, có thêm 117% các cơn đau tim, tử vong nhiều hơn 124% và đột quỵ nhiều hơn 136% trong số những người có những thay đổi lớn nhất về trọng lượng cơ thể so với những người có thay đổi trọng lượng cơ thể nhỏ nhất.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ giữa những thay đổi về trọng lượng cơ thể và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường mới.

Các phát hiện này làm tăng mối lo ngại về biến động cân nặng ở những người mắc bệnh mạch vành.

Tiến sĩ Bangalore và nhóm nghiên cứu nói rằng nghiên cứu chỉ mang tính quan sát, do đó không thể chứng minh được nguyên nhân và kết quả giữa chế độ ăn kiêng yo-yo và nguy cơ đau tim, đột quỵ và tử vong ở những người mắc bệnh mạch vành.

Ngoài ra, các tác giả chỉ ra một số hạn chế như việc không thể xác định chính xác lý do tại sao các đối tượng giảm hoặc tăng cân trong quá trình theo dõi. Như vậy, có thể các vấn đề về tim đã có từ trước dẫn đến việc thay đổi cân nặng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng kết quả vẫn cần được nghiên cứu thêm.

Tiến sĩ Sripal Bangalore kết luận: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng chúng ta cần quan tâm đến biến động cân nặng trong nhóm mắc bệnh mạch vành – là nhóm có nguy cơ cao. Mặc dù phân tích này không được sử dụng để tìm ra nguyên nhân làm tăng nguy cơ biến động trọng lượng cơ thể, cần đưa ra phương pháp có thể giúp giảm cân, thay vì liên tục tăng và giảm.”

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top