10 triệu chứng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

1. Tiêu chảy

Trẻ bị nhiễm trùng, khó tiêu hóa một số loại thức ăn hoặc uống quá nhiều nước trái cây hoặc sữa là một trong những nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở trẻ. Nếu trẻ mắc phải tình trạng này, hãy giữ trẻ ở nhà và cho trẻ uống đủ nước. Nếu trẻ đang ăn thức ăn đặc, hãy tránh các loại thức ăn nhiều chất xơ và nhiều dầu mỡ. Tìm đến bác sĩ nếu tình trạng tiêu chảy của trẻ không khá hơn trong 24 giờ, trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc có các triệu chứng khác chẳng hạn như sốt 38 độ C hoặc cao hơn, nôn mửa, đi tiểu ít hơn bình thường, nhịp tim nhanh, phân có máu hoặc có màu đen, hoặc đau bụng.

 

2. Sốt

Tìm đến bác sĩ ngay lập tức nếu:

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi có nhiệt độ trực tràng từ 38 độ C trở lên.
  • Trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi có nhiệt độ từ 38,3 độ C trở lên.
  • Hoặc nếu trẻ quấy khóc, cáu kỉnh và không thể dỗ dành được.

Theo dõi nếu trẻ có thêm triệu chứng đau tai, ho, hôn mê, phát ban, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Làm dịu cơn sốt của trẻ bằng chất lỏng, tắm nước ấm và mặc quần áo nhẹ cho trẻ. Bạn có thể hỏi bác sĩ về những cách an toàn để hạ sốt. Sốt kèm theo chấm xuất huyết hoặc ban xuất huyết - hai tình trạng được xác định bằng các đốm màu hoặc phát ban trên da do mạch máu bị rò rỉ máu - là một trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng mà bạn nên liên hệ với bác sĩ.

 

3. Táo bón

Một số trẻ đi nặng nhiều lần trong ngày. Nhưng có một số trẻ khác thì vài ngày mới đi 1 lần. Tình trạng táo bón là khi phân của trẻ cứng và bị đau khi đi ngoài. Bác sĩ có thể đề nghị bạn cho trẻ uống thêm nước hoặc pha một chút nước ép mận vào bình sữa của trẻ. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn hạn chế lượng sữa dưới 480ml mỗi ngày. Cần cho trẻ đi khám ngay nếu tình trạng táo bón vẫn tiếp diễn hoặc trẻ có các triệu chứng khác, chẳng hạn như đau bụng hoặc nôn mửa.

 

4. Phát ban

Trẻ sơ sinh có làn da nhạy cảm. Phát ban có thể bao gồm từ mụn nhọt đến mụn nhỏ màu trắng (mụn thịt) đến các mảng đỏ, khô và ngứa (chàm). Để tránh bị hăm tã, hãy thay tã thường xuyên và bôi thuốc mỡ để bảo vệ da của trẻ. Đối với bệnh chàm, hạn chế các loại xà phòng mạnh và giữ ẩm cho da của trẻ. Hầu hết phát ban không nghiêm trọng. Nhưng hãy gọi cho bác sĩ nếu vết phát ban của trẻ bị đau hoặc trở nên nghiêm trọng hơn hoặc trẻ bị sốt hoặc nổi mụn nước.

 

5. Ho

Hãy lắng nghe âm thanh của trẻ khi ho. Ho kèm theo sốt nhẹ thường là do cảm lạnh. Sốt cao hơn và dai dẳng có thể có nghĩa là bị viêm phổi hoặc cúm. Thở khò khè kèm theo ho có thể là hen suyễn hoặc nhiễm trùng. Trẻ bị ho gà có những cơn ho và phát ra tiếng "khục khục". Một chiếc máy tạo độ ẩm phun sương mát có thể làm dịu các triệu chứng ho cho trẻ. Chú ý không cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ em dưới 4 tuổi uống thuốc ho hoặc thuốc cảm.

 

6. Đau bụng

Khi trẻ bị chướng bụng, trẻ có thể khóc nhiều, ưỡn lưng và nôn mửa. Nguyên nhân có thể do đau bụng, trào ngược, gặp vấn đề với một số loại thực phẩm, nhiễm trùng hoặc các lý do khác. Một số trẻ có vấn đề về tiêu hóa khi được thử các loại thức ăn khác nhau. Hầu hết các cơn đau bụng đều vô hại và thường không kéo dài. Bạn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu tình trạng đau bụng này không cải thiện, hoặc trẻ bị nôn mửa, tiêu chảy, hôn mê hoặc sốt.

 

7. Đau khi mọc răng

Khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi, những chiếc răng nhỏ sẽ bắt đầu chọc qua nướu của trẻ và làm cho trẻ khóc rất nhiều. Hãy đưa cho trẻ thứ gì đó để nhai, chẳng hạn như vòng mọc răng bằng cao su không chứa BPA. Bạn cũng có thể dùng ngón tay xoa bóp nhẹ nướu cho trẻ hoặc cho trẻ nhai thứ gì đó mát lạnh, chẳng hạn như khăn ướp lạnh. Ngoài ra bạn có thể tham khảo bác sĩ xem liệu các loại thuốc giảm đau như acetaminophen có được sử dụng cho trẻ không.

 

8. Đầy hơi

Điều này là bình thường ở trẻ. Để giúp trẻ không bị đầy hơi, hãy cho trẻ ăn từ từ và nhẹ nhàng cho trẻ ợ hơi thường xuyên. Hãy dành một chút thời gian nghỉ ngơi để trẻ ợ hơi trong khi cho trẻ ăn và sau khi ăn cũng vậy. Nếu bạn sử dụng sữa công thức, cố gắng không lắc nhiều (để tránh tạo bọt) nhé.

 

9. Ngạt mũi

Trẻ bị ngạt mũi? Bạn không nên sử dụng thuốc cảm không kê đơn cho trẻ dưới 4 tuổi. Thay vào đó, bạn hãy nhỏ nước muối sinh lý để làm loãng chất nhầy, sau đó hút nó ra khỏi mũi của trẻ bằng xi lanh hoặc máy hút mũi. Máy xông hơi cũng có thể giúp trẻ thở dễ dàng hơn vào ban đêm.

 

10. Buồn nôn và nôn

Tình trạng này ở trẻ là phổ biến và vô hại cho trẻ khi nôn (hoặc trớ) một chút sau khi ăn. Trẻ cũng có thể bị đau bụng. Bạn hãy nhớ giữ nước cho trẻ và hãy cho trẻ khám bác sĩ nếu tình trạng nôn mửa không ngừng trong vài giờ hay trẻ bị sốt hoặc nếu như trẻ không thể uống được nước.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top