✴️ Châm cứu trong điều trị đau nửa đầu

Nội dung

Châm cứu là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền phương Đông nói chung, trong đó sử dụng các cây kim bằng thép không gỉ, châm vào các điểm cụ thể của cơ thể. Phương pháp này có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác.

Một thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy rằng, khoảng 50% số bệnh nhân cho biết họ đã giảm bớt sự phụ thuộc vào thuốc giảm đau sau khi được điều trị. Bằng chứng cho thấy rằng châm cứu có thể làm giảm tần suất đau nửa đầu hoặc thậm chí ngăn chặn các cơn đau xảy ra. Các trường hợp sử dụng châm cứu cùng với các phương pháp điều trị khác đạt kết quả tốt nhất.

Lợi ích của châm cứu đối với chứng đau nửa đầu và đau đầu

Châm cứu là một phương pháp sử dụng trong y học cổ truyền. Ý tưởng là thay đổi dòng chảy của năng lượng trong cơ thể, mang lại sự cân bằng và hài hòa. Các tác dụng khác mà châm cứu có thể mang lại bao gồm:

  • Tăng lưu thông máu;
  • Giúp cơ thể tiết ra các chất giảm đau, chẳng hạn như endorphin;
  • Thư giãn các cơ.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng châm cứu có thể giúp điều trị cơn đau, bao gồm cả đau đầu và đau nửa đầu.

Một số lợi ích của châm cứu đối với chứng đau nửa đầu và đau đầu bao gồm:

  • Ngăn ngừa đau đầu: Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng châm cứu có thể giúp ngăn ngừa chứng đau nửa đầu hoặc giảm sự xuất hiện của chứng đau nửa đầu. Nhiều trường hợp cho thấy, phượng pháp này có thể hiệu quả hơn các biện pháp thông thường, bao gồm cả thuốc trị đau nửa đầu theo toa.
  • Chi phí phải chăng: Một số liệu pháp điều trị chứng đau nửa đầu rất tốn kém. Châm cứu có thể là một phương pháp điều trị phù hợp
  • Ít tác dụng phụ hơn: Một số người có thể gặp các tác dụng phụ khó chịu với thuốc trị đau nửa đầu. Khi đó, châm cứu có thể là một giải pháp thay thế khả thi.

Những nguy cơ khi thực hiện châm cứu

Giống như tất cả các phương pháp điều trị y tế, châm cứu có một số nguy cơ, bao gồm:

  • Chấn thương do kim châm cứu: Kim châm cứu không vô khuẩn có thể lây  các bệnh truyền nhiễm và nhiễm trùng. Nếu châm kim không đúng cách, có thể gây vết thương da và dẫn đến nhiễm trùng. Điều quan trọng là không nên sử dụng lại kim châm cứu.
  • Chẩn đoán không chính xác: Không phải tất cả các cơn đau đầu đều là chứng đau nửa đầu. Mặc dù hầu hết các cơn đau đầu không nghiêm trọng hoặc không phải trường hợp khẩn cấp, nhưng cơn đau đầu đôi khi có thể cảnh báo một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
  • Tác dụng phụ ngắn hạn: Nghiên cứu từ năm 2010 cho thấy khoảng 10% các trường hợp báo cáo các tác dụng phụ nhẹ, ngắn hạn sau khi châm cứu bao gồm mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và các triệu chứng tương tự.

Hướng dẫn chung về châm cứu

Để tận dụng tối đa hiệu quả của châm cứu, hãy thử áp dụng những cách sau:

  • Trao đổi với bác sĩ trước khi thử châm cứu để hiểu thêm về lợi ích của châm cứu
  • Đọc và tìm hiểu các thông tin, hoặc hỏi bác sĩ về các biện pháp vô khuẩn và cách để giảm thiểu nguy cơ phản ứng có hại.
  • Lưu lại thông tin về chứng đau đầu cũng như các tác dụng phụ nếu có: Điều này có thể giúp xác định xem liệu châm cứu có hoạt động hiệu quả hay không.

Bằng chứng khoa học cho châm cứu

Nghiên cứu về châm cứu và chứng đau nửa đầu chủ yếu xem châm cứu như một công cụ để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu — không phải là một cách để điều trị chúng khi chúng bắt đầu. Một số nghiên cứu cho thấy châm cứu có thể là một phương pháp điều trị khả thi.

Một đánh giá của Cochrane năm 2016 đã so sánh 22 thử nghiệm châm cứu đối với chứng đau nửa đầu. Một số nghiên cứu so sánh châm cứu với việc không điều trị,  những nghiên cứu khác so sánh châm cứu và châm cứu giả dược, hoặc châm cứu kết hợp với dùng thuốc.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng châm cứu mang lại lợi ích trong cả ba trường hợp. Châm cứu vượt trội hơn so với châm cứu giả dược.

Ba tháng sau khi châm cứu, tần suất đau đầu giảm ít nhất một nửa ở 57% người châm cứu và 46% người dùng thuốc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu. Sau sáu tháng, 59% những người được châm cứu thấy cơn đau đầu của họ giảm ít nhất một nửa, so với 54% những người dùng thuốc ngăn ngừa chứng đau nửa đầu.

Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng trước đó vào năm 2012 đã đưa ra kết luận tương tự. Trong nghiên cứu, 480 bệnh nhân được châm cứu một trong ba loại, bao gồm châm cứu bằng điện hoặc châm cứu giả dược.

Các nhóm châm cứu đã báo cáo những cải thiện nhỏ về tần suất đau đầu của họ, từ 5 đến 8 tuần sau khi bắt đầu điều trị. Vào tuần 13 đến 16, tất cả các nhóm châm cứu đều báo cáo những cải thiện đáng kể so với nhóm châm cứu giả dược.

Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên năm 2017 trong đó các nhà nghiên cứu đã theo dõi 249 người có tiền sử đau nửa đầu không lan tỏa trong 24 tuần. Những người tham gia được chia thành châm cứu thật, châm cứu giả dược, hoặc tham gia vào nhóm theo dõi.

Theo báo cáo về triệu chứng đau đầu của những người tham gia, châm cứu thực sự làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của chứng đau nửa đầu. Vào khoảng thời gian cuối của thử nghiệm, tần suất đau nửa đầu của mọi người giảm 3,2 lần đối với nhóm châm cứu, 2,1 lần ở nhóm châm cứu giả và 1,4 lần ở nhóm đang theo dõi.

Kết quả cho thấy châm cứu có thể giúp kiểm soát chứng đau nửa đầu. Tuy nhiên, nhóm giả dược cũng giảm các triệu chứng, chỉ ra hiệu ứng giả dược.

Khi nào cần liên hệ với bác sĩ

Nên nói chuyện với bác sĩ nếu xuất hiện triệu chứng đau đầu mới hoặc thay đổi kiểu đau đầu khác với bình thường. Không phải tất cả các cơn đau đầu đều vô hại, và điều quan trọng là phải chẩn đoán chính xác.

Tương tự như vậy, nếu thuốc đau đầu hoặc châm cứu không làm giảm các triệu chứng hoặc làm cho chúng trở nên tồi tệ hơn, nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.

 

Tóm lược

Đau nửa đầu có thể gây ra các triệu chứng làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng châm cứu có thể giúp mọi người kiểm soát và giảm các triệu chứng của họ.

Nên cân nhắc đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh để thăm khám, đặc biệt nếu thuốc hoặc châm cứu không có tác dụng. Sự kết hợp thích hợp của các biện pháp can thiệp có thể giúp giảm bớt các triệu chứng đau đầu này.

Mặc dù châm cứu có thể là một phần trong kế hoạch điều trị, tuy nhiên có thể cần nhiều phương pháp điều trị kết hợp với nhau trong một thời gian dài để mang lại hiệu quả tốt hơn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top